Hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (22/12/1992 – 22/12/2022), chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức với vai trò là hoạt động chính trị – văn hoá quan trọng, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Chương trình vinh dự có sự góp mặt của chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và thu hút hàng trăm người tham dự.
Dưới sự chỉ đạo của Đạo diễn Tấn Lộc và nhạc sĩ Hồng Kiên, chương trình là sự kết hợp giữa nhiều bộ môn nghệ thuật, trong đó chủ đạo là âm nhạc và múa, được thể hiện bởi các nghệ sĩ của vũ đoàn Arabesque (12 – 18 nghệ sỹ). Loạt tiết mục nghệ thuật sáng tạo, được dàn dựng công phu đã tái hiện sinh động những loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian tiêu biểu của Việt Nam; góp phần tôn vinh hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, trẻ trung, năng động và giàu bản sắc.
Bước vào chương trình nghệ thuật, bức tranh lao động của người dân Việt Nam hiện lên gần gũi và chân thực qua phần trình diễn sáo trúc của hai nghệ sĩ Thiên Lâm và Triều Nguyên. Tiết mục “Hương Việt Nam” được dàn dựng bằng những chất liệu mộc mạc, đậm chất thôn quê như: lá dừa nước, rơm rạ, nón lá, bụi cỏ tranh, guốc mộc,… gợi lên những ký ức về buổi sớm mai yên bình nơi làng quê đã lớn lên cùng tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Kế thừa nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt, văn hóa mời trầu, nhận trầu giờ đây được người làng Quan họ nâng lên trở thành một loại hình nghệ thuật đặc biệt. Sử dụng chất liệu Quan họ Bắc Ninh – di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận, tiểu phẩm “Mời Trầu” đã được các nghệ sĩ thể hiện bằng những câu hát đối mộc mạc, đằm thắm, lồng ghép vào đó những tâm tình. Tiết mục là nhịp cầu thể hiện nét đẹp tinh tế của văn hóa mời trầu qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Việt Nam.
“Khúc ruột” miền Trung vốn là mảnh đất chịu nhiều thử thách, khó khăn của thiên nhiên. Do vậy, phong tục lên chùa dâng hương cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên dần gắn liền với văn hoá tín ngưỡng truyền thống của người dân nơi đây. Lựa chọn điệu múa “Lục cúng hoa đăng” – điệu múa thuộc hệ thống các vũ khúc cung đình của triều Nguyễn, kết hợp với ca khúc “Đêm Hoa Đăng” qua tiếng hát của NSƯT Trung Thảo, đạo diễn Tấn Lộc đã tái hiện trọn vẹn nét văn hoá đặc sắc này. Qua màn trình diễn, các nghệ sĩ đã khắc họa sâu sắc cũng như truyền tải đến công chúng tại Hàn Quốc hình ảnh con người trên dải đất miền Trung luôn cần cù, chịu thương, chịu khó.
Đi qua những nét đẹp văn hoá của miền Bắc và miền Trung, chương trình tiếp tục đưa khán giả đến với những loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Nam Bộ. Là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đờn ca tài tử mang dấu ấn văn hóa lâu đời, gắn liền với đời sống sinh hoạt của cư dân vùng sông nước Cửu Long. Sự kết hợp hoà quyện giữa tiếng hát của NSƯT Trung Thảo và những sáng tạo đột phá trong việc sử dụng đạo cụ bằng chất liệu rơm cùng màn đánh trống đã mang đến một không gian đậm nét đặc trưng của con người vùng đất phương Nam: phóng khoáng, hào hiệp, chân thành và nghĩa khí.
Với mong muốn mang đến cho người tham gia những trải nghiệm đáng nhớ, đạo diễn Tấn Lộc đã dàn dựng một tiết mục múa gõ tre độc đáo. Khán giả tại đêm diễn nhận những phách tre được làm thủ công bởi những nghệ nhân Việt Nam, sau đó họ cùng hòa mình vào điệu múa rộn rã, tươi vui trên sân khấu. Khoảnh khắc tất cả những người có mặt tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật Gwangju – không phân biệt nghệ sĩ và khán giả – đắm chìm trong lời ca, tiếng nhạc đã trở thành một trong những khoảnh khắc ấn tượng của chương trình.
Thông qua những màn biểu diễn được dàn dựng công phu, chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng 30 năm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã góp phần làm cầu nối quan trọng giúp tăng cường kết nối tình đoàn kết giữa hai nước, thúc đẩy phát triển du lịch và hợp tác văn hóa trong tương lai.