Bất chấp sự ngao ngán của người xem, năm 2017, khán giả sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc đổ bộ rầm rộ của các chương trình mới xuất hiện.
Những năm trở lại đây, truyền hình thực tế bùng nổ ở Việt Nam với hàng loạt game show hài, cuộc thi âm nhạc, tìm kiếm tài năng… Sự phát triển như vũ bão dẫn đến bão hòa, nhàm chán là điều tất yếu của xu hướng. Nhưng bất chấp sự ngao ngán của người xem, năm 2017, khán giả sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc đổ bộ rầm rộ của các chương trình mới xuất hiện.
Lấy nỗi đau, sợ hãi làm tiếng cười giải trí
Khi game show hiện giống nhau về nội dung, bị khán giả phàn nàn nên một số nhà sản xuất nỗ lực tìm kiếm sự mới mẻ nhằm thu hút người xem. Tuy nhiên, trong nỗ lực làm mới, đã có không ít chương trình bị tuýt còi do vượt qua tiêu chuẩn của tính giải trí.
Năm 2014, có một chương trình mà khách mời được đặt trong tình huống treo mình trên cao, từ từ bị thả vào một bồn nước chứa đầy rắn rết, trăn, cóc, nước đá… nhưng vẫn buộc phải hát đến hết bài. Người chơi ban đầu muốn tìm cảm giác mạnh với những thử thách thể hiện bản lĩnh ở cuộc chơi. Tuy nhiên, khi bắt đầu, có không ít người muốn bỏ cuộc vì thách thức quá “dã man” và “kinh khủng”.
Các ca sĩ từ nam đến nữ đều khóc thét, cố vùng vẫy để thoát khỏi những con vật đáng sợ. Trong khi đó, bộ ba giám khảo và khán giả liên tục thích thú, vỗ tay khen ngợi tinh thần dũng cảm của người chơi và cười sảng khoái trên nỗi sợ hãi của họ.
Gameshow như thế nào là vừa đủ tính giải trí?
Việc bùng nổ quá nhiều gameshow khác nhau vô tình khiến cho sự lựa chọn của khán giả trở nên khắc khe hơn. Họ có quyền thích hay không thích cũng như đưa ra những đánh giá cá nhân riêng. Tuy nhiên, liệu hiện nay đã có một tiêu chuẩn chính xác nào cho sự phản cảm của một gameshow?
Gameshow bây giờ không còn là đứa trẻ mới lớn mà thành một “thanh niên” có tuổi đang phải sống chung với dư luận va đập, và phải chăng Gameshow đang phải chịu nhưng nỗi hàm oan nhất định.
Dư luận đa chiều, nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của những người làm truyền hình luôn mong muốn cải tiến, thay đổi những sản phẩm để giúp cho khán giả có thể có nhiều lựa chọn hơn. Không có show truyền hình nào ra đời mà dê dàng từ khâu sản xuất đến khâu phát sóng và đặc biệt là sự chấp nhận dễ dàng từ phía khán giả. Chính vì vậy, nên chăng cần phải có cái nhìn toàn diện hơn khi khen chê mỗi gameshow truyền hình.
Gameshow và những nỗi niềm!
Gameshow càng lên ngôi, thì song song với nó là nhiều luồng ý kiến, nhiều đánh giá đôi khi quá khắc khe từ những quan điểm cá nhân của những người ngoài cuộc thậm chí cả những người sống nhờ gameshow nói chung. Việc tìm kiếm và đưa ra một chương trình dung hoà tất cả những yếu tố hài lòng người xem là một vấn đề nan giải.
Năm 2016, VTV3 tiếp tục hợp tác để phát sóng game show Ánh sáng hay bóng tối được mua bản quyền từ Đức, kết hợp giữa đấu trí và vận động. Hai người chơi sẽ trả lời 10 câu hỏi ở nhiều lĩnh vực để thử thách tài trí của họ.
Nếu không tự tin trong phần thi này, họ sẽ được Nữ hoàng bóng tối Lê Khánh đưa ra thử thách để vượt qua. Chương trình đã gần như “đau đầu” khi cố gắng tiết chế tới mức tối đa để những trò chơi không quá lố nhưng vẫn mang tính giải trí.
Ví như khách mời phải cắn bể bong bóng chứa đầy màu sắc khiến cơ thể lấm lem hay đập trứng gà sống lên đầu và mặt… Những thử thách kết hợp với những môn thể thao như bóng đá, bóng rổ,… Cộng hưởng những câu hỏi mang tính kiến thức thể hiện sự hiểu biết của người chơi.
Nói chung, dù mỗi show đều có những mặt mạnh và hạn chế nhất định. Tuy nhiên, gameshow đều mang ít nhiều những phút giải trí cho mọi đối tượng khán giả truyền hình. Đừng để gameshow từ một “thanh niên” sáng ngời trong truyền hình phải chịu những nỗi hàm oan.
Nguồn: Newsen.vn