Tạm rời xa thành phố, Henry Dương chọn Trà Vinh làm điểm đến để trải nghiệm cuối tuần. Cách TP.HCM khoảng 130km, nơi đây phù hợp cho những ai không có nhiều thời gian du lịch, muốn tạm lánh chốn đông người.

“Xuất phát từ TP Thủ Đức lúc 18h, mình di chuyển bằng xe máy tới thành phố Trà Vinh mất khoảng 3 tiếng”, Henry nói.

Henry Dương (TP.HCM) – Freelancer

Lịch trình

Buổi sáng

Địa điểm đầu tiên trong chuyến du hí Trà Vinh, Henry đến chùa Vàm Ray và cánh đồng điện gió Đông Hải, 2 địa điểm cách khá xa trung tâm thành phố.

Trả phòng khách sạn từ 5h30, nam du khách di chuyển tới chùa Vàm Ray, nơi cách trung tâm khoảng 35km. Để đến chùa Vàm Ray, từ thành phố Trà Vinh, du khách đi theo quốc lộ 54 đến Tập Sơn rẽ trái vào quốc lộ 53 đi Trà Cú, qua cầu Hàm Giang rẽ phải, anh chia sẻ.

Du lich Tra Vinh anh 1

Vàm Ray tọa lạc tại xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, là một trong những ngôi chùa Khmer nổi bật nhất Trà Vinh với kiến trúc tựa cung điện rực rỡ bởi màu vàng lấp lánh từ những vòm mái, cột trụ đến các bức tượng, phù điêu. Nơi đây được xây dựng lại từ nền ngôi chùa cũ hơn 600 năm tuổi đã bị phá hủy bởi chiến tranh, Henry thông tin.

Rời khỏi chùa Vàm Ray, nam du khách tiếp tục di chuyển đến cánh đồng điện gió Đông Hải 1. Cánh đồng điện gió Đông Hải 1 thuộc ấp Định An, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải.

“Quãng đường tới đây khiến mình như lạc giữa mê cung với những khu rừng ngập mặn, hệ thống kênh rạch chằng chịt. Điểm check-in này thu hút giới trẻ bởi khung cảnh tựa trời Âu với 25 cột trụ sơn trắng cao 105m cùng 3 cánh quạt khổng lồ giữa vùng biển rộng lớn”, Henry nói.

Nam du khách chia sẻ bình minh và chiều muộn là 2 khoảng thời gian để lên hình đẹp nhất trong ngày. Ngoài check-in, Henry còn trải nghiệm vào cuộc sống giản dị của những ngư dân, được xem nghề bắt trứng cua bằng gió mang đậm nét văn hóa miền biển phương nam.

Buổi chiều

11h, Henry từ cánh đồng điện gió Đông Hải 1 hướng về thành phố Trà Vinh để tiếp tục chuyến đi với các điểm đến gồmchùa KomPong Ksan, chùa Ông, Ao bà Om, chùa Âng, Đền thờ Bác Hồ.

Nếu không muốn di chuyển xa, du khách có thể chọn 2 ngôi chùa Khmer KomPong Ksan, chùa Âng ở trung tâm thành phố, sở hữu nét kiến trúc cổ kính, vạn góc check-in đẹp, Henry gợi ý.

Du lich Tra Vinh anh 2

Điểm đầu tiên trong lịch trình buổi chiều là Chùa Ông (còn gọi là Phước Minh Cung) nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc phường 2, thành phố Trà Vinh. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Chùa gồm 3 tòa nhà Tiền điện, Trung điện và Chính điện, nằm song song, tạo thành hình chữ tam. Phía sau chùa còn có hoa viên với nhiều cây xanh, hòn non bộ cho du khách vãn cảnh.

Ao Bà Om là danh thắng nổi tiếng bởi khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tĩnh lặng. Khu rừng nguyên sinh hàng trăm cây cổ thụ bao quanh ao nước lớn và những lối đi rợp bóng mát, ngoằn ngoèo, nhiều đồi dốc khiến bạn ngỡ như lạc giữa Đà Lạt.

Khu di tích đền thờ Bác Hồ bao gồm các công trình chính là Vỏ bao che, Nhà Trưng bày, công viên… Vỏ bao che được thiết kế theo dạng một đóa sen cách điệu màu hồng tươi. Nhà Trưng bày được xây dựng theo kiến trúc truyền thống dân tộc. Công viên nổi bật với hồ sen cùng hệ thống cây xanh.

“Trên đường về, bạn có thể ghé Mỹ Tho (Tiền Giang) để thưởng thức món hủ tiếu sa tế”, Henry giới thiệu.

Ăn gì?

Chuyến đi này phần lớn Henry dành thời gian ngắm cảnh, check-in. Khoảng cách di chuyển tới các địa điểm du lịch khá xa nhau. Để tối ưu thời gian, nam du khách chọn ăn uống nhanh gọn thay vì thử hết các món đặc sản địa phương.

“Khi du lịch, mình thường chọn các món quen thuộc để dễ tiêu hoá, đề phòng trường hợp lạ bụng dẫn đến sức khỏe không đảm bảo khi phải di chuyển liên tục”, anh nói.

Trên đường từ chùa Vàm Ray chạy qua điện gió, Henry ghé ăn sáng ở một quán cơm sườn. Anh đánh giá món ăn chất lượng khá ổn. Giá trung bình là 45.000 đồng/người.

Du lich Tra Vinh anh 3

Bún nước lèo Dũng Chương là quán nam du khách chọn dừng lại để ăn trưa. Đây là địa chỉ dân du lịch truyền tai nhau đi Trà Vinh nhất định phải đến thử. “Trải nghiệm không như mình mong đợi. Món ăn không hợp khẩu vị lắm. Tuy nhiên, quán tập trung đông thực khách là người địa phương nên bạn có thể cân nhắc. Giá 35.000-40.000 đồng”, Henry nói.

Mùi vị bún nước lèo ở quán này khá lạ. Nước trụng bún không nóng. Bún giống sợi bánh tằm. Mỗi tô được cho khá nhiều giá, nấm. Ngoài ra, khách có thể gọi thêm các món topping khác ăn kèm như gói thịt heo quay 14.000 đồng, chả giò 3.000 đồng, huyến 3.000 đồng, nam du khách chia sẻ

Trên đường về, Henry tới Mỹ Tho khi trời trở tối nên dừng lại để nghỉ ngơi và thưởng thức hủ tiếu sa tế. Quán ăn trong con hẻm nhưng người dân địa phương ghé rất đông. Tô bún khá to và nhiều thịt, nước sa tế sền sệt, vị hơi ngọt, cay vừa. Mùi vị khá ngon, giá 60.000 đồng.

Ở đâu?

Trước chuyến đi, Henry tham khảo trước điểm lưu trú trên các trang đặt phòng trực tuyến. Khách sạn trên các kênh đặt phòng trực tuyến tương đối ít. “Các số điện thoại liên hệ với địa điểm lưu trú thường không chính xác. Do đó, tới thành phố Trà Vinh mình mới tìm và đặt phòng”, Henry chia sẻ kinh nghiệm

Do nhu cầu chỉ ngủ một đêm, Henry lựa chọn điểm lưu trú dao động 200.000-300.000 đồng. Vị trí trong trung tâm thành phố dễ di chuyển đến các điểm. “Phòng mình ở gồm 2 giường đơn, nhà vệ sinh có buồng tắm đứng, trang bị đầy đủ máy nước nóng. Điểm trừ là không có sẵn máy sấy tóc, bàn ủi. Nếu cần, bạn có thể liên hệ lễ tân. Máy lạnh lâu ngày không vệ sinh nên hơi ồn”, nam du khách nhận xét.

Chi phí

Lưu trú: 150.000 đồng

Ăn uống: 150.000 đồng

Chi phí đi lại: 120.000 đồng

Tổng cộng, chuyến đi cuối tuần có giá 420.000 đồng/người cho trải nghiệm khám phá thành phố Trà Vinh. Mức phí này chỉ mang tính tham khảo. Tùy thuộc vào nhu cầu đi lại, ăn ở của mỗi người, chi phí có thể cao hoặc thấp hơn.

Theo Zing