Bình Dương là nơi của những khu công nghiệp, khu chế xuất lớn, thu hút hàng trăm nghìn người lao động trên khắp cả nước. Chính đặc điểm này đã góp phần làm nên sự đa dạng cho ẩm thực nơi đây. Cùng điểm qua 5 món ăn đặc trưng mà ai cũng nên thử khi đến Bình Dương nhé.
Bánh bèo bì
Ảnh: @restaurantviendong
Bánh bèo bì xuất hiện lần đầu ở chợ Búng, xã An Thạnh, Thuận An, Bình Dương. Kể ra cũng không có lý do gì đặc biệt, chỉ là những chiếc bánh bèo trắng muốt, mềm mịn được ăn kèm với bì và nước mắm chua ngọt.
Thế nhưng, thay vì ăn kèm với tôm và vụn bánh mì, người Bình Dương lại thích hỗn hợp thịt heo xắt mỏng và bì heo thái sợi trộn thính gạo, tỏi và bột canh. Nước mắm được pha loãng, trộn với nước thắng kiệu nên có hương vị rất riêng. Khi ăn, chủ quán sẽ cho thêm đậu xanh và mỡ hành vừa thơm vừa béo.
Bún tôm
Ảnh: @bluewebkq
Bún tôm Bình Dương đặc biệt ở chỗ khi có khách, người bán mới ép bột và làm thành sợi bún. Nhờ đó mà bún lúc nào cũng mềm, thơm mùi gạo chứ không hay bị khô như nhiều chỗ khác. Tôm con nào con nấy thịt rất chắc, ngọt và không bị tanh. Nước dùng béo ngậy, cho thêm tiêu và ớt nên càng đậm đà, bắt vị.
Gỏi ngó lục bình
Ảnh minh họa
Nghe đến lục bình, nhiều người sẽ e dè vì không nghĩ loài thủy sinh này lại có thể đem đi chế biến thành món ăn. Nhưng ở một số tỉnh miền Tây và Bình Dương, ngó lục bình là đặc sản, được dùng để làm gỏi rất ngon.
Ngoài thành phần chính là ngó lục bình, món gỏi này còn có thêm tôm sú lột vỏ, thịt ba chỉ thái miếng vừa ăn, rau răm và đậu phộng. Trộn đều các nguyên liệu rồi rưới lên hỗn hợp nước mắm, đường, tỏi, ớt, chanh,… mùi thơm bay trước mũi kích thích vị giác vô cùng.
Lẩu bò nhúng mắm ruốc
Ảnh minh họa
Nước lẩu có mùi thơm đặc trưng không thể lẫn đi đâu được của mắm ruốc kết hợp với sả và hành tây. Thịt bò mềm, sau khi nhúng có hương vị đậm đà, ăn kèm với tóp mỡ, thịt ba chỉ béo ngậy và các loại rau sống, đảm bảo món ăn này sẽ không khiến bạn thất vọng, nhất là trong những ngày mưa lạnh.
Gỏi gà măng cụt
Ảnh minh họa
Loại trái cây đặc sản của miền Nam chỉ được bán theo mùa, rơi vào tầm tháng 4 và chỉ kéo dài 2 – 3 tháng. Vì vậy, nếu muốn làm được món gỏi này, đầu bếp phải canh thời điểm khi măng cụt hẵng còn non, có vị chua nhẹ, đem trộn với thịt gà tre và nước mắm chua ngọt.
Măng cụt chua chua thanh mát, thịt gà ngọt và chắc, ăn kèm với miếng bánh phồng tôm giòn tan mới gây nghiện làm sao. Đây là thời điểm vàng để thưởng thức gỏi măng cụt, chậm chân một chút có khi phải chờ đến năm sau đấy nhé.
Theo VTC News