Lấy ý tứ từ câu nói các bậc Tiền bối có truyền lại trong dân gian: “Tháng Tám tiệc Cha, Tháng Ba tiệc Mẹ”, bài hát “Lạy Mẫu Anh Linh” chính là bài hát đầu tiên, mở màn cho chuỗi dự án nghệ thuật lớn hơn – Album “Ngọc” của Bùi Tuấn Ngọc vào đúng Tháng Ba âm lịch – Tháng Tiệc Thánh Mẫu – được tôn thờ trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu.
Bùi Tuấn Ngọc là một ca sĩ – nhạc sĩ trẻ sinh năm 2000, hiện đang công tác tại Nhà hát Ca Múa nhạc Quân Đội Nhân dân Việt Nam. Ngọc là Thủ khoa Thanh nhạc của Trường Đại học Văn hoá Nghệ Thuật Quân đội khoá 38. Trước đó, nam ca sĩ trẻ sở hữu một số ca khúc được đông đảo khán giả trẻ biết đến như “Thế Giới Của Anh” và nhất là ca khúc “Cô Gái Viêng Chăn” nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của rất nhiều khán giả 2 nước Việt Nam – Lào, mang về hàng triệu lượt xem và nghe trên các nền tảng âm nhạc. Bên cạnh đó, Bùi Tuấn Ngọc cũng là tác giả đứng sau 2 bản hit đình đám của nam ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân là “Anh Cần Thời Gian Để Trái Tim Mau Lành Lại” và “Nước Chảy Hoa Trôi”.
Bùi Tuấn Ngọc có sở thích đi khắp nơi để tìm kiếm những nguồn cảm hứng sáng tác mới cho những sản phẩm âm nhạc của mình. Và album “Ngọc” hay bài hát “Lạy Mẫu Anh Linh” chàng ca sĩ trẻ đã tình cờ tìm thấy chính trong những chuyến đi đó.
Nguồn cảm hứng sáng tác của Lạy Mẫu Anh Linh
Hồi tưởng lại những kỉ niệm khi sáng tác, Ngọc rất xúc động chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người. Khi chỉ là một cậu nhóc bé xíu, Ngọc đã được theo chân bà nội, theo chân mẹ lên các Đền Chùa ở Hạ Long – Quê hương của Ngọc để cầu bình an vào những dịp Lễ Tết hay Hội Làng. Tâm tư non nớt của một đứa trẻ, Ngọc thấy rất hiếu kì với những bức tượng “to đùng” được bày biện ở những nơi mẹ dắt đến hay rất thích thú với oản nếp mỗi lần được theo bà lên Chùa ăn cơm chay. Những kỉ niệm hay những thói quen đó được ăn sâu vào tiềm thức của chàng ca sĩ đất Mỏ những năm tháng tuổi thơ cho đến khi lên Hà Nội học.
Đặt chân lên Thành phố phồn hoa, ồn ào, Ngọc chia sẻ có rất nhiều cảm xúc khác lạ: rất nhớ nhà, nhớ mỗi lần đi học về được ăn cơm bà hay mẹ nấu, nhớ mỗi lần ngóng ra ngõ chờ bóng áo xanh của bố công tác xa nhà trở về hay là nhớ cậu em trai nghịch ngợm… Bỗng nhiên, Ngọc có đôi chút lạc lõng, cô đơn giữa chốn Thành thị đông đúc, náo nhiệt và vội vã.
Và thế là chàng sinh viên “xách xe” lượn lờ các ngóc ngách của Hà Nội… Lạc vào những con phố chật hẹp, đông đúc như Phố cổ, hay để hưởng một bầu không khí thoáng đãng, rộng lớn như Hồ Tây, có những khoảng thời gian, Ngọc cứ tan học là lại cùng bạn bè đi vài vòng Hồ Tây. Tình cờ, Ngọc tò mò và bị thu hút bởi những đoàn người người đi lễ đông đúc ở Phủ Tây Hồ, và thế là “ dòng đời xô đẩy” cậu theo đoàn người vào Phủ. Trong một không gian rộng rãi, thơm ngát mùi hương trầm khói toả dưới bóng cây lộc vừng điểm xuyết những chùm hoa đỏ, văng vẳng tiếng Chầu văn vọng ra từ Phủ, Ngọc như bị đứng hình.
Nhìn người vào lễ, chàng trai nhớ lại những ngày tháng theo chân Bà, Mẹ lên Đền Chùa đi lễ. Và ở tư duy của độ tuổi đôi mươi, Ngọc tìm hiểu và đọc về tích của Phủ Tây Hồ – về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Chàng trai chợt hiểu ra : Những bức tượng “to đùng” ngày bé hoá ra đều có những câu chuyện gắn liền với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cơ duyên đó, đã khiến Ngọc tìm kiếm nhiều tài liệu trên Thư viện Hà Nội hoặc những cuốn sách hay thông tin được bạn bè chia sẻ… Và từ đó album “Ngọc” và bài hát “ Lạy Mẫu Anh Linh” ra đời.
Càng tìm hiểu sâu, chàng ca sĩ trẻ càng nhận ra có rất nhiều hình ảnh thực ra đã theo cậu lớn lên từ bé. Như tiếng Chầu văn cứ như tiếng mẹ hát ru, hay tiếng trống tiếng phách gõ nhịp giống như kiến thức cậu được học trong nhà trường, hay lời văn có những nét “rất thơ” cho cậu những cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống, về những danh lam thắng cảnh của Việt Nam và về những vị Thánh được thờ trong Tín Ngưỡng Thờ Mẫu. Gom nhặt các “chất liệu dân gian” từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và ấn tượng với câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuốn “Bông Hồng cài áo”: “Biểu tượng tôn giáo rất dễ tạo nên cao hứng mới”. Chính vì vậy, Ngọc quyết định sáng tác và cho ra mắt MV Lạy Mẫu Anh Linh vào Tháng Ba – Tiệc Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Một sản phẩm MV chỉn chu, truyền tải văn hóa truyền thống đầy ấn tượng
Nói về nội dung MV, ekip quyết định sẽ sân khấu hoá, mô phỏng lại một nét đẹp văn hoá của Việt Nam – Hầu Đồng. Cảm hứng xây dựng kịch bản MV từ một bài thơ có tên Đò Lèn của Nhà thơ Nguyễn Duy trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12. Bài thơ kể về tuổi thơ nghèo khó của một cậu bé theo chân bà Ngoại lên “Đền Cây Thị” với những kỉ niệm chân thực như : Chân đất xem Lễ Đền Sòng, bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật, hay ngất ngây với mùi huệ trắng quyện khói hương trầm… bên cạnh đó, bài thơ mô tả rất rõ cảm nhận “ ngây ngô” của một đứa trẻ khi đi giữa hai bờ hư – thực là: giữa bà ngoại và Tiên Phật, Thánh Thần; giữa niềm tin vào sự linh thiêng và cuộc sống cơ cực của Bà; giữa những năm đói chỉ có củ dong riềng sượng và mùi huệ trắng hương trầm…
Khi chiến tranh, cậu bé đó xung phong nhập ngũ nhưng khi hát khúc khải hoàn, trở về “dòng sông xưa bên lở bên bồi” thì bà đã không còn. Chỉ còn những kỉ niệm quanh quẩn quê nhà với Bà ngoại. Nội dung MV có những cảnh vật sinh hoạt rất gần gũi, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ trong bối cảnh của đất nước qua 3 thời kì: Bình yên – Chiến tranh – Giải phóng, tất cả đều được truyền tải một cách đầy cảm xúc.
Cả MV đều sử dụng rất ít (gần như không có) kỹ thuật hiện đại trong phần quay dựng để mọi người có thể tập trung chú ý đến câu chuyện được lồng ghép vào sản phẩm. Ngoài những nét đẹp trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu ra thì ở Việt Nam còn rất nhiều những chất liệu khác để Ngọc sáng tác những bài hát tiếp theo trong Album Ngọc cũng nhưng cho Ekip những cảm hứng để xây dựng những nội dung “Cổ vận tân Phong” cho dự án Lạy Mẫu Anh Linh. Qua sản phẩm lần này, ekip mong muốn thế hệ trẻ tương lai không chỉ nghĩ đến Tín Ngưỡng Thờ Mẫu là nghĩ đến Chầu văn hay gói gọn trong Đền Phủ. Bùi Tuấn Ngọc cùng Ekip dự án muốn xây dựng một phương thức mới để thu hút giới trẻ có thể từ đó tìm hiểu sâu hơn về Tín ngưỡng và Văn hóa Dân tộc Việt Nam.