Sau một tuần công chiếu, “Đêm tối rực rỡ!” đã nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả. Mới đây, đạo diễn Aaron Toronto và vợ, biên kịch – sản xuất và diễn viên Nhã Uyên đã có thêm nhiều chia sẻ thú vị xoay quanh câu chuyện của “Đêm tối rực rỡ!”.
Người bạo hành ban đầu là bà Gái, không phải ông Toàn
Xoay quanh chủ đề bạo hành và hậu quả của nó trong “Đêm tối rực rỡ!”, nhân vật gây nên mọi bi kịch là ông Toàn (Kiến An) được nhiều khán giả chia sẻ rằng rất giống với cha mình, ông mình – một hình tượng kinh điển của nhiều gia đình ở Việt Nam.
Thế nhưng biên kịch Nhã Uyên tiết lộ, trong kịch bản trước khi bấm máy, người đóng vai bạo hành trong gia đình là nhân vật bà Gái, và người bị bạo hành mới là ông Toàn và những đứa con. Quá trình casting cũng hướng tới hình tượng này nhưng sau đó diễn viên đáng lý sẽ thủ vai bà Gái bị kẹt lịch, không thể tham gia nên phim phải có sự thay đổi.
Diễn viên Huỳnh Kiến An (vai ông Toàn) trước đó thử vai cho cả hai hình mẫu “người bạo hành” và “người bị bạo hành”, nên khi buộc phải thay đổi tuyến nhân vật thì ông vẫn có thể làm rất tốt hình tượng một người chồng, người cha đáng sợ trong gia đình. Đồng thời, bà Gái thành một người cam chịu, nhu nhược, góp phần bạo hành về tinh thần lên các con, do nghệ sĩ Phương Dung thể hiện rất tròn trịa.
Nhưng cũng chính sự thay đổi không tính trước đó đã tạo nên sự cân bằng cho câu chuyện. Chúng ta thấy được hình tượng đối lập giữa bà Gái (Phương Dung) và cô con dâu Bích Ngọc (Diễm Phương): một người nhu nhược và một người tự chủ đến mức lấn lướt. Sự bạo hành trong hai gia đình khác nhau, nhưng sự độc hại có thể tương đương khi cô bé Jolie – đứa cháu lớn nhất trong nhà – đã có dấu hiệu trầm cảm từ sớm. Nếu không có những thay đổi, liệu Jolie có trở thành một Xuân Thanh thứ hai trong tương lai, liệu cô bé có được cứu thoát khỏi vùng nước sâu luôn bao bọc lấy mình?
Đoạn kết có quá “rực rỡ” so với thực tế?
Từ khi bắt đầu có những suất chiếu đầu tiên, bên cạnh những cảm xúc thể hiện sự đồng thuận với hoàn cảnh bí bách, đau thương mà các nhân vật trải qua, thể hiện sự thấu cảm nhất định với xã hội thì “Đêm tối rực rỡ!” cũng được các khán giả và giới phê bình tranh luận về đoạn kết. Liệu có quá “rực rỡ” so với những gì tăm tối mà bộ phim đã thể hiện trước đó? Sự chuyển tông sang màu sáng có quá nhanh và vội vàng sau một đêm dài nặng trĩu sự kiện và tâm tư?
Thật ra, đó cũng chính là những tranh cãi giữa đạo diễn Aaron Toronto và vợ mình, biên kịch – nhà sản xuất – diễn viên Nhã Uyên (vai Xuân Thanh) khi xây dựng kịch bản. Nhã Uyên ban đầu có một cái kết mạnh hơn, bạo liệt hơn nhưng đạo diễn Aaron muốn thay đổi theo hướng hiện tại. Ban đầu, Nhã Uyên không đồng tình lắm với ý tưởng của chồng, cô cho rằng đó là một kết cục “viễn tưởng”.
Nhưng theo Aaron Toronto, sự tha thứ và gắn kết là điều mà không chỉ các nhân vật trong “Đêm tối rực rỡ!” mong muốn mà mỗi cá nhân trong chuỗi những bạo hành gia đình cũng khao khát nhưng không phải ai cũng có được.
Văn hoá “tam đại đồng đường” gắn liền với người Việt Nam. Một gia đình ba hay thậm chí bốn thế hệ sống cùng nhau trong một căn nhà rất dễ tìm thấy trong thực tế. Cũng chính vì vậy mà sự bạo hành (thể xác hoặc tinh thần) dễ dàng len lỏi bên trong cây gia phả như một dòng nước độc. Nó có thể ăn mòn, hoặc phá huỷ con người, như một hiệu ứng domino vô tận nếu không có một mắt xích nào đó đứt gãy.
Tuỳ vào mức độ bạo hành của người gây ra mà tâm lý hay tâm thần của nạn nhân sẽ rơi vào vùng các vùng trạng thái phản ứng khác nhau. Nếu sự bạo hành quá khủng khiếp, kết cục có thể cực kì tàn nhẫn mà ở đó mọi luân lý hay máu mủ đều không còn giá trị. Nhưng nếu ở mức độ nhẹ hơn, thì ta vẫn có thể hy vọng vào một kết cục tốt đẹp hơn.
Ông Toàn trong”Đêm tối rực rỡ!” có xu hướng bạo hành thể xác và tinh thần vợ con một cách vô thức, như một sự thể hiện cho chất nam tính độc hại và hệ quả từ việc bị cha mình đánh đập từ khi còn nhỏ. Ông không chủ đích khiến gia đình thân tàn ma dại, nhưng đồng thời cũng không thể nhận thức được hành động bạo lực của mình gây nên những hậu quả gì.
Trong phim liên tục có những cài cắm để thể hiện việc ông Toàn cũng quan tâm đến con cái, ví dụ như chi tiết ông ôm bé Maya sau khi vừa đánh nó. Hay ông vẫn hoảng loạn và sợ hãi khi Kim Bảo bị đâm dù trước đó ông mới vừa bóp cổ cô. Những hành động bạo lực bộc phát của ông Toàn ta có thể thấy rất nhiều trong cuộc sống xung quanh, như một hình mẫu độc hại cực kì phổ biến của đàn ông ở rất nhiều gia đình. Cũng chính vì nhân vật được khắc hoạ ở mức độ không quá khủng khiếp và tiệm cận mẫu số chung thực tế nên mới nhận được nhiều sự đồng cảm từ khán giả vì không ít người đã từng phải đối mặt với người chồng, người cha như vậy.
Đó cũng chính là lý do mà Aaron Toronto không muốn bộ phim tiếp tục tạo nên một bi kịch khủng khiếp ở đoạn cuối. Sự giải thoát cho cả bên bạo hành và bên bị bạo hành lý tưởng nhất vẫn là nhận thức và thay đổi, sau tất cả thì gia đình vẫn là nơi ta khó có thể vứt bỏ. Khi Xuân Thanh không còn phụ thuộc vào bộ tóc giả, chiếc áo dài che cánh tay đầy sẹo hay phải gồng lên tỏ ra mình ổn cũng chính là lúc cô đã bước một chân ra khỏi bóng tối của quá khứ.
Chúng ta có những lời xin lỗi và tha thứ ở cuối phim, từ ông Toàn, từ Kim Hoàng, từ Bích Ngọc và Xuân Thanh. Dù có “viễn tưởng” đi nữa nhưng đó cũng chính là mong muốn và tâm tư mà bộ phim muốn gửi đến những người khổ đau từ bạo hành, rằng ánh sáng rực rỡ vẫn có thể phát quang trong đêm tối.
Hình ảnh 4 thế hệ gồm di ảnh ông Sáng, ông Toàn, Xuân Thanh, Kim Hoàng và Jolie ngồi trên chiếc xe tang ở cuối phim chưa hẳn là một kết thúc rõ ràng, nhưng đó vẫn là một hy vọng rực rỡ cho một tương lai không chỉ của gia đình ông Toàn mà còn cho rất nhiều gia đình đang phải trải qua hệ quả của bạo hành. “Tôi muốn khán giả có được sự nhẹ lòng phần nào khi bước ra khỏi rạp, thay vì tâm trạng bị nhấn chìm hoàn toàn bởi bi kịch”, đạo diễn Aaron Toronto chia sẻ.