Trên sân vận động Lạch Tray, hàng ngàn CĐV đồng thanh chửi trong trận đấu được tường thuật trực tiếp. Còn ở sân Thống Nhất, Long An phản ứng trọng tài khiến trận đấu gián đoạn, rồi quay lại sân nhưng nhất quyết không thi đấu, để đối thủ muốn ghi bao nhiêu bàn thì ghi. Vòng 6, Toyota V.League loạn từ trên khán đài xuống dưới sân cỏ, và sự loạn đó bắt nguồn từ việc không còn niềm tin vào nhau…
Lửa và khói
Ở Lạch Tray, khi trọng tài Hiền Triết thổi còi, chỉ tay vào chấm 11m, các cầu thủ Hải Phòng xúm lại phản ứng. Trên sân, những tiếng chửi bắt đầu xuất hiện. Sau đó, là màn “đồng ca chửi” từ khắp các khán đài cho đến khi trận đấu kết thúc. Quá xấu hổ vì sự vô văn hóa, phản cảm trong trận đấu được lên sóng trực tiếp của vài kênh truyền hình và sân Lạch Tray ô nhiễm như thế. Buổi họp báo sau trận đấu cũng bị bỏ dở, khi cả HLV Trương Việt Hoàng lẫn Chu Đình Nghiêm không chịu nổi những tiếng chửi của khán giả. Còn tổ trọng tài lẫn đội khách cả tiếng sau mới có thể rời sân trong sự hộ tống của lực lượng an ninh.
Khán giả Lạch Tray chửi hay làm loạn không phải lần đầu. Trận đấu với CLB Hà Nội, cơn giận dữ bùng phát, nhất là sau trận đấu, có phần nguyên nhân từ thông tin mà cầu thủ Hải Phòng chia sẻ với CĐV, về thái độ và cả câu trả lời của trọng tài Hiền Triết về tình huống thổi penalty nhạy cảm. Bởi cho rằng ông “vua” sân cỏ này thổi còi có ý đồ và thách thức “thổi thế thì làm sao?”, tự bản thân cầu thủ chủ nhà bị kích động khi đã sẵn nghi ngờ và tác động trực tiếp đến khán giả nên dẫn đến tình trạng loạn.
Trên sân Thống Nhất, khi trọng tài Trọng Thư chạy lại quyết định penalty, 2 cầu thủ Long An đứng gần nhất đã “ngã bổ ngửa” ra sân vì bất ngờ. Trước đó, họ đinh ninh rằng tiếng còi cất lên không phải phạt hậu vệ Long An. Thậm chí, như chia sẻ của đội trưởng Quang Thanh, thì trọng tài khi chạy lại từ gần giữa sân đã xua tay giải thích “không có lỗi gì cả”. Bởi cho rằng ông “vua” sân cỏ này quyết định gí 11m dù ban đầu xác định không có lỗi, nên phản ứng trở thành hiệu ứng để rồi từ lãnh đạo, ban huấn luyện đến cả đội nhất quyết phản đối theo cách tiêu cực, không vào sân để trận đấu tiếp tục, rồi sau đó là hàng loạt trò hề xuất hiện khi bóng lăn trở lại.
Khi trọng tài Trọng Thư thổi quả penalty đầu tiên do lỗi để bóng chạm tay trong tình huống thổi hay không thổi phụ thuộc vào nhận định và TPHCM có bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1, các cầu thủ Long An chấp nhận. Thế nhưng những diễn biến sau đó với các quyết định cùng cách thổi còi của trọng tài và quả penalty sau một pha tranh chấp đã khiến sự ám ảnh cùng nghi ngờ tiêu cực bị thổi bùng lên thành cơn giận dữ, để rồi cả đội Long An mất kiểm soát.
Khi niềm tin không còn
“Quyết định thổi 11m chỉ là “giọt nước tràn ly”. Cả đội Long An phản ứng quyết liệt, có cách hành xử kỳ như thế, tôi cho rằng xuất phát từ việc họ không có niềm tin. Không còn tin vào trọng tài, Ban trọng tài, Ban tổ chức và giải đấu nên từ trên xuống dưới, họ không cần tôn trọng và coi ai ra gì. Bởi không có niềm tin nên các thành viên của Long An bất cần, có kiểu phản ứng tiêu cực và phi thể thao vậy…” – đề cập đến trận đấu đáng xấu hổ và sự cố ở sân Thống Nhất, cựu HLV Lê Thụy Hải chia sẻ.
Không còn niềm tin vào sự công bằng của cuộc chơi, đó chính là lý do bản chất dẫn đến những phản ứng mất kiểm soát ở Lạch Tray cũng như Thống Nhất. Và cơ bản, những sự cố đáng xấu hổ đó có thể hiểu là hệ quả của việc mất niềm tin, từ chính những vụ việc tai tiếng nhiều năm trước đó cũng như những vụ việc mới nhất “như trò đùa”: Vụ kỷ luật Omar của FLC Thanh Hóa sau đó giảm án do sức ép; rồi vụ Samson mà từ Ban tổ chức, Ban trọng tài đến các phòng ban chuyên môn nhận định không phạm lỗi để rồi từ sự chỉ đạo từ cấp trên, án phạt nguội 2 trận được đưa ra và phủ nhận tất cả những gì những người có trách nhiệm đã nói, đã làm trước đó.
Khán giả, cầu thủ, HLV và các đội bóng…, tất cả đều sẵn sàng phản ứng và luôn trong thế đối đầu. Họ mất niềm tin, bởi cái sai lại nằm ở chính những người được giao trách nhiệm điều hành, quản lý bóng đá, ngang nhiên vi phạm điều lệ, quy chế khi để Trưởng ban Trọng tài làm Phó ban Tổ chức giải trong 2 mùa 2015, 2016 như cách thâu tóm quyền lực, chi phối hết từ công tác tổ chức đến lực lượng giám sát, trọng tài để phục vụ “lợi ích nhóm”.
“So với năm 2005 – thời điểm hàng loạt vụ tiêu cực liên quan tới giới cầm còi, cầm cờ bị phanh phui và phải đối diện với pháp luật, các trọng tài bây giờ tiêu cực nhiều hơn và cũng tinh vi, thủ đoạn hơn…”. Những gì ông bầu Nguyễn Đức Kiên cho “nổ bom” ở buổi họp tổng kết 5 năm trước, giờ được nhiều người nhắc lại sau 2 sự cố liên quan đến trọng tài ở một vòng đấu tai tiếng và nó vẫn còn nguyên giá trị. Chính bầu Kiên khi cầm đầu cuộc “cách mạng” bóng đá Việt Nam đã quyết định cải tổ Ban trọng tài vì tiêu cực. Thế nhưng sau này đâu lại vào đó, rồi ông Nguyễn Văn Mùi lại quay về cầm chịch. Để rồi khi công tác trọng tài loạn với quá nhiều nghi ngờ, lãnh đạo VFF muốn trảm nhưng bất lực bởi ông được bảo vệ bởi chính các thành viên Ban chấp hành – những người có vướng mắc quyền lợi lẫn ân oán với trọng tài và chọn vì quyền lợi của chính mình khi hiểu tình trạng “mạnh ai nấy chạy” của cả nền bóng đá.
Bóng đá Việt Nam loạn bởi “nhà dột” và người ta mất niềm tin. Thế nên những sự cố bi hài như ở sân Thống Nhất cũng chỉ là hệ quả tất yếu…
Nguồn: Lao Động