Đàn tỳ bà là một trong những nhạc cụ truyền thống dân tộc phổ biến ở Việt Nam. Với thanh âm phong thú, dải âm rộng, thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc trong một bản nhạc, đàn tỳ bà được giới nghệ thuật mệnh danh là “nữ hoàng của các nhạc cụ dân tộc”. Tuy nhiên, trong giai đoạn xã hội phát triển nhanh chóng, hàng loạt các nhạc cụ mới, hiện đại ra đời đã khiến cho các loại nhạc cụ truyền thống tinh hoa dân tộc có nguy cơ trở nên mai một. Là một giảng viên đàn tỳ bà đồng thời là một người nghiên cứu văn hóa, cô Nghiêm Thị Kim Thu (47 tuổi) luôn mang trong mình nỗi khắc khoải mang tên “truyền lửa cho giới trẻ”.
Nghiêm Thu – giảng viên, nghệ sĩ đàn tỳ bà một đời trăn trở việc giữ gìn tinh hoa dân tộc
Cô Thu hiện là giảng viên đàn tỳ bà tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi bén duyên với công việc giảng dạy, cô từng theo học đàn ở Học viện Hà Nội, học về nghiên cứu văn hóa cũng như có quãng thời gian gắn bó với đoàn ca múa nhạc Việt Nam. Trong quá trình giảng dạy, nữ giảng viên nhận ra dù cho học viên có yêu thích học đàn thì tiếng đàn vẫn chưa chưa thật sự chạm đến trái tim các em. Để khơi dậy niềm đam mê của học trò, cô Thu đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Thậm chí, cô đã thay đổi cả tư duy dạy và chơi nhạc của mình chỉ với mong muốn có thể đem tiếng đàn đến gần hơn với các em. Cô Thu trải lòng: “Hồi trước mình đánh đàn cho mình, bây giờ mình đánh cho người khác. Bây giờ em chơi đàn cho người khác nghe chứ không phải cho em cho nên em chọn nhạc mà người khác muốn nghe. Em chơi khác hẳn chứ xưa nay mười mấy năm em đào tạo là đánh truyền thống, đánh những tác phẩm nhạc khí mà chỉ có người trong nghề mới biết nó hay, nó khó ở chỗ nào. Mà người bình thường thì lại không muốn nghe, chỉ muốn nghe những gì dễ nghe hơn. Đến khi em chơi các bản nhạc mà người ta muốn nghe chứ không phải là em nghe thì mọi người đón nhận hoàn toàn”.
Cô Nghiêm Thu |
Từ đó, để truyền lửa cho lớp trẻ, cô Thu bắt đầu cập nhật các bản nhạc hiện đại, “hợp thời” hơn. Đôi lúc cô sẽ tự tay phối mới cho những làn điệu dân ca quen thuộc. Tuy nhiên, cô vẫn giữ nguyên cốt lõi bởi cải tiến không có nghĩa là đánh mất đi tính truyền thống vốn có. Việc mang âm hưởng đương đại vào nhạc cụ truyền thống đã giúp giai điệu trở của bài ca trở nên bắt tai và phóng khoáng. Điều đó cũng chứng minh cho việc đàn tỳ bà cũng có thể nói lên thanh âm của thế hệ trẻ.
Đêm nhạc thăng hoa của nữ giảng viên đàn tỳ bà cùng học trò trên sân khấu “Sô diễn cuộc đời”
Với tâm huyết đó cô, Thu Nghiêm chính là một mảnh ghép hoàn hảo của “Sô diễn cuộc đời”. Bên cạnh mục đích mang đến một sân khấu đặc biệt cho “nghệ sĩ ẩn danh”, chương trình còn mong muốn tôn vinh những con người thầm lặng cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, đặc biệt là nhạc cụ dân tộc như cô.
Cô Nghiêm Thu và ca sĩ Hồ Trung Dũng |
Đứng trên sân khấu “Sô diễn cuộc đời”, cô Nghiêm Thu đã được thỏa lòng mong ước bấy lâu nay khi cùng các học trò của mình là nhóm Tỳ Việt trình diễn trước hàng trăm khán giả trực tiếp. Tiết mục hòa tấu Trống cơm đầy xúc cảm đã khiến không ít người phải rơi lệ. Học trò của cô Thu không nén được xúc động mà nói: “Con rất tự hào khi được làm lứa học trò đầu tiên của cô”. Ngay cả ca sĩ Hồ Trung Dũng cũng bồi hồi với tiếng đàn của người nghệ sĩ, anh không ngại dành những lời nói tốt đẹp để bày tỏ sự kính mến đối với nữ giảng viên dành trọn tình yêu với cây đàn tỳ bà này.
Bên cạnh đó, cô Thu còn có cơ hội phô diễn kỹ thuật đánh đàn tỳ bà điêu luyện cùng cách chơi nhạc mới mẻ, hiện đại của mình. Từ đệm đàn, độc tấu cho đến hòa tấu, từ ca khúc dân gian như Nàng thơ thơ xứ Huế, Thuyền mộng cho đến các “bản hit” như Cánh hồng phai, Hết thương cạn nhớ đều thu hút người xem. Tiếng đàn tỳ bà du dương hòa cùng tiếng sáo, tiếng đàn bầu, tiếng violon, tiếng trống đã tạo nên một không gian âm nhạc say đắm, mang người nghe chìm vào không gian của những thanh âm. Có lẽ, chính cô cũng có những giây phút sống riêng trong thế giới âm nhạc của mình.
Ở tiết mục cuối cùng, nhóm Tỳ Việt đã gửi tặng đến khán giả màn trình diễn áo dài mãn nhãn dưới phần độc tấu ca khúc Dáng em lụa là của cô Thu. Sự hòa quyện giữa âm nhạc truyền thống và quốc phục đã đem đến cho khán giả một ấn tượng đáng nhớ. Cô Thu xúc động: “Em không biết nói gì vào giây phút này bởi vì thật sự em rất là xúc động vì tin rằng đã có nhiều người nghe hiểu lòng em”. Sân khấu chắn hẳn đã để lại dấu ấn khó phai trong trái tim của người giảng viên, nghệ sĩ hết lòng giữ gìn và phát triển tương lai cho nhạc cụ dân tộc – Nghiêm Thu.
Tập 14 “Sô diễn cuộc đời” sẽ được phát sóng vào lúc 20h35 Thứ 4 ngày 28/04/2021 trên kênh HTV7.