Đờn Ca Tài Tử – Báu vật của những người con Nam Bộ
Xuất hiện từ 100 năm trước, sự hình thành và phát triển đến bảo tồn Đờn Ca Tài Tử được người dân Nam Bộ vun đắp và nâng niu từng ngày.
Hơn cả một hành trình, Đờn Ca Tài Tử ngày càng khẳng định là dòng nhạc dân tộc đặc sắc được bảo tồn và bạn bè Quốc Tế biết đến. Được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013, Đờn Ca Tài Tử trở thành báu vật của Việt Nam nói chung và những người con phương Nam nói riêng cùng đó là sự ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hằng ngày của bà con nơi đây.
Là người con phương Nam gắn bó và trưởng thành với Đờn Ca Tài Tử, họ vốn đã quen thuộc với loại hình diễn tấu này gồm ban nhạc cùng bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). Sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền âm bằng cây guitar phím lõm hoặc sáo 7 lỗ. Đờn Ca Tài Tử như hiện thân của người dân Nam Bộ và ngược lại, những người con đất Nam luôn giữ trong mình dòng nhạc dân tộc này.
“Sô diễn cuộc đời” – Đêm diễn tôn vinh dòng nhạc dân tộc Đờn Ca Tài Tử đầy cảm xúc
Trong tập 8 “Sô diễn cuộc đời” vừa phát sóng, khán giả tiếp tục đón nhận những điều bất ngờ khi chương trình diễn ra không có nhân vật chính và người xem. Bởi lẽ, số đặc biệt tuần này, ekip muốn gửi đến khán giả cũng như những người con vùng đất phương Nam một sân khấu ý nghĩa nhằm tôn vinh dòng nhạc dân tộc Đờn Ca Tài Tử đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể.
Một sân khấu hữu tình được dựng ngay tại khuôn viên nhà hát Cao Văn Lầu, tọa lạc ở thành phố Bạc Liêu – tỉnh Bạc Liêu trở thành đêm diễn hội ngộ những người con đất Phương Nam đang gìn giữ dòng nhạc dân tộc Đờn Ca Tài Tử của một đất nước. Trong không gian giao thoa giữa đất trời, tiếng đàn cùng giai điệu Liêu Giang – Dạ Cổ Hoài Lang vang lên bắt đầu hành trình đưa khán giả về với mảnh đất phương Nam để thưởng thức thanh âm Đờn Ca Tài Tử.
Đã là người con đất Phương Nam, không ai có thể bỏ được âm thanh Đờn Ca Tài Tử đã theo bản thân suốt cuộc đời cũng như nói đến Nam Bộ là phải có dòng nhạc dân tộc này. Chính vì sợi dây gắn kết giữa con người nơi đây với giai điệu Đờn Ca Tài Tử đã nuôi dưỡng tâm hồn của nhiều nhiều nghệ nhân. Những người con trong ban nhạc Đờn Ca Tài Tử của nhà hát Cao Văn Lầu nghẹn ngào nói về dòng nhạc dân tộc đã gắn với mình hơn nửa đời người. Nghệ Nhân Ưu Tú (NNƯT) Đặng Thanh Sử – người gắn bó với cây đàn Tranh hơn 30 năm chia sẻ: “Ngày xưa bố tôi truyền lại cách chơi đàn Tranh và cũng tự học thêm Guitar, Kìm, Sến nữa”. Chú Huỳnh Hoàng Thủy – NNƯT đàn Bầu cũng có những cảm xúc đặc biệt với dòng nhạc dân tộc này: “20 năm gắn bó với đàn Bầu. Tại vì tiếng đàn bầu du dương trầm bổng, mùi mẫn, mình thích nó. Mình không có thầy, tự học cùng với anh em đồng nghiệp để trau dồi cái nghề nghiệp của mình”.
Không gian đêm diễn một lần nữa lắng đọng cùng giọng hát của NSƯT Mỹ Hạnh trong ca khúc Gánh Hàng Rong. Điều đặc biệt hơn, nghệ nhân đàn Guitar Trần Thanh Xuân trong ban nhạc Đờn Ca Tài Tử chính là người thầy dìu dắt NSƯT Mỹ Hạnh trong con đường dài hơn 15 năm gắn bó với dòng nhạc dân tộc này.
Dù sân khấu của “Sô diễn cuộc đời” không có khán giả nhưng những nghệ sĩ, nghệ nhân vẫn làm cho người xem qua phát sóng livestream phải thổn thức qua từng giai điệu da diết, thấm vào từng mạch cảm xúc của người con Nam Bộ nói riêng. Thanh âm tiếng đàn hòa vào giọng ca trong và vang của các nghệ sĩ càng làm không khí trở nên sâu lắng qua trích đoạn Bên Cầu Dệt Lụa từ NSƯT Mỹ Hạnh cùng nam ca sĩ Anh Chàng. Đêm diễn không chỉ lắng đọng bởi các giọng ca hay, mà sân khấu “Sô diễn cuộc đời” tôn vinh dòng nhạc dân tộc Đờn Ca Tài Tử được nghẹn ngào bởi tiếng hát đến từ NNƯT Hoàng Thủy, NNƯT Hoàng Trắng và Thanh Xuân.
Một đêm nhạc đầy cảm xúc, nghẹn ngào đối với khán giả yêu mến “Sô diễn cuộc đời” nói chung và người con Nam Bộ nói riêng. Đêm diễn không khán giả, không tràng vỗ tay nhưng vẫn chạm đến niềm yêu nước, tự hào của mỗi người dân qua thanh âm Đờn Ca Tài Tử.
Tập 9 “Sô diễn cuộc đời” sẽ được phát sóng vào lúc 20h35 thứ 4 ngày 24/03/2021 trên kênh HTV7.