Dù mới sinh năm 1995 nhưng Mạnh Cường là một một cái tên khá quen thuộc trong làng nhiếp ảnh Hà Nội. Anh có niềm đam mê mãnh liệt với chụp ảnh thời trang. Nhưng dù đề nghị nói nhiều về nhiếp ảnh, thì anh lại khá kiệm lời với những câu trả lời ngắn gọn, đúng chất một chàng trai hiền lành, ít nói nhưng vẫn vô cùng máu lửa.
– Bạn bắt đầu bén duyên với chụp ảnh từ khi nào?
Có lẽ từ đợt năm nhất đại học, gom góp học bổng 2 kì rồi vay mượn thêm bạn bè, tôi mua được một bộ máy ảnh. Lúc đó vì thích chụp ảnh nên tích cóp để mua thôi chứ gia đình không ủng hộ lắm.
– Thời gian đầu, bạn đã gặp những khó khăn gì?
Thời gian đầu tự làm quen nên tôi không có định hướng gì cả, chỉ chụp cho vui thôi. Khi ấy, tôi cũng không kiếm được tiền từ chụp ảnh. Sau đó tôi đi xin việc rồi bắt đầu bằng đi chụp kỉ yếu. Có những ngày phải đi 300-400km để chụp nhưng mà vẫn cảm thấy vui vì lần đầu tiên tự kiếm được tiền từ niềm đam mê của mình.
– Tại sao bạn lại định hướng theo đuổi con đường chụp mẫu, chụp thời trang?
Tôi thấy giờ xu hướng phát triển giờ thì chụp thời trang cũng đang khá hot. Thêm vào đó, tôi thích những thứ táo bạo mới mẻ hơn là những thứ cơ bản.
– Bạn được gì và mất gì khi theo đuổi nhiếp ảnh?
Về cái được, có lẽ là tiền, quan hệ, kinh nghiệm sống và cách xử lý tình huống. Tôi trưởng thành hơn rất nhiều từ khi gắn bó với nghề. Tuy nhiên, niềm đam mê này cũng khiến tôi không còn nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè.
– Mục tiêu và mơ ước lớn nhất của bạn với nhiếp ảnh là gì?
Tôi mong muốn có một có thương hiệu và phong cách riêng, có chỗ đứng của riêng mình trong làng nhiếp ảnh.
– Ai là người có sức ảnh hưởng lớn cho sự nghiệp cũng như cuộc sống của bạn?
Những ngày đầu chập chững vào nghề, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của một người anh. Anh đã chỉ bảo cho tôi từng chút một kể cả cách cầm máy, căn góc, chỉnh sáng… Anh cũng là hình mẫu để tôi luôn hướng tới trong nghề.
– Theo bạn, một nhiếp ảnh gia thực thụ cần hội tụ những tố chất gì?
Để sống được với nghề, nhiếp ảnh gia phải có con mắt nhìn nghệ thuật theo hướng nào đó, đầu óc tư duy nhạy bén và nắm bắt được xu hướng thị trường.
– Đánh giá của bạn về thị trường nhiếp ảnh tại Việt Nam hiện nay. Theo bạn, cản trở lớn nhất của loại hình nghệ thuật này là gì?
Số lượng thì ngày càng tăng nhưng chất lượng thì không đảm bảo. Điều đó khiến những nhiếp ảnh gia chân chính bị ảnh hưởng theo và khách hàng phải nhận những sản phẩm kém hơn.
– Nếu không làm nhiếp ảnh, bạn sẽ làm gì?
Chắc tôi sẽ theo đuổi lĩnh vực công nghệ, truyền thông hay marketing. Hiện tại tôi vẫn đang làm đan xen nhiều việc với nhau mà.
Mạnh Long (Ảnh: NVCC)