Bôi nhọ hình tượng liệt sĩ Võ Thị Sáu, “nốt trầm” văn hóa mạng

     Những ngày tháng 7 hào hùng, khi cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947– 27/7/2017), thì trên mạng xã hội lại lan truyền thông tin xúc phạm, xuyên tạc hình tượng liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Hình tượng nữ anh hùng huyền thoại Võ Thị Sáu đã đi vào thi ca và ăn sâu trong tâm thức người Việt

Đáng buồn thay, thông tin lan truyền này lại xuất phát từ một clip của những cá nhân có tên tuổi trong giới văn nghệ sĩ khi “trà dư, tửu hậu” họ bàn tán, dè bửu về cuộc đời người con gái anh hùng đất đỏ Võ Thị Sáu.  Thậm chí những ngôn từ cho rằng Võ Thị Sáu là người không có thật, hình tượng đó là hư cấu, và những nhà văn này đã về tận miền đất đỏ để gặp người dân nơi Võ Thị Sáu sinh ra và lớn lên để xác thực thông tin, hòng thể hiện sự hiểu biết am tường sự thật… khiến dư luận vô cùng bức xúc.  Những thông tin thất thiệt,  xuyên tạc, bịa đặt này có một tốc độ lan truyền trên mạng xã hội đến chóng mặt.

Khi xã hội phát triển, công nghệ thông tin trở thành một trong những nhu cầu cần thiết, đặc biệt là sự phát triển của các trang mạng xã hội. Việc tiếp nhận những thông tin chưa qua kiểm chứng, thông tin một chiều khiến không ít người có những nhận định sai lệch. Không ít bạn trẻ ngay lập tức đã nhận định “hình tượng anh hùng trong tôi đã sụp đổ”, hay “bao nhiêu năm qua giờ mình mới biết sự thật về câu chuyện lịch sử…”, số khác điềm tĩnh hơn lại rơi vào trạng thái hoang mang không biết đâu là sự thật. Để thông tin chính xác đến độc giả ngay lập tức trên một số trang mạng uy tín đã có những bài báo khẳng định thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt: “Bịa đặt về liệt nữ Võ Thị Sáu là sự tráo trở, vô ơn” – Báo Công an TPHCM, “Hé lộ những giây phút cuối đời của nữ anh hùng huyền thoại Võ Thị Sáu” – Báo Dân trí…, những nhân chứng lịch sử, tài liệu được lật lại để chứng minh với độc giả.

Văn hóa đám đông có một tầm ảnh hưởng không nhỏ đến cách ứng xử của người Việt trong việc sử dụng mạng xã hội. Phản ứng domino dây truyền từ văn hóa đám đông trên mạng xã hội có thể nâng 1 cá nhân sau 1 đêm trở thành thần tượng và cũng có thể nhấn chìm bất cứ lúc nào. Thậm chí, việc sử dụng hình tượng những người anh hùng dân tộc nhằm câu like, đánh bóng tên tuổi cũng được một số cá nhân sử dụng mà không hề “ghê tay, ghê miệng”.

Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và Cao Toàn Mỹ tại phiên xử

Đây không phải là lần đầu hình tượng người nữ anh hùng đất đỏ Võ Thị Sáu bị xuyên tạc, cách đây 1 tháng khi theo dõi thông tin xoay quanh phiên toà xét xử Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Liên bang Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thuỳ Dung bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên 16,5 tỷ đồng của doanh nhân Cao Toàn Mỹ ở TPHCM, cư dân mạng đã ví “người thứ 3” Phương Nga khi đứng trước vành móng ngựa với hình tượng vị Nữ anh hùng Võ Thị Sáu (?!) Những “anh hùng bàn phím” tay nhanh hơn não có sự liên tưởng giật mình xuất phát từ lời lẽ sắc sảo của cô Hoa hậu được học tập tại nước ngoài từ nhỏ, trang bị đủ bằng cấp cao trong lĩnh vực kinh tế, đối chất trước tòa trong phiên xử liên quan đến tình – tiền. Lối suy nghĩ ví von, tung hô về “người thứ 3” đứng trước vành móng ngựa Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga với vị nữ anh hùng dân tộc, một tượng đài về lòng quả cảm, anh dũng, hi sinh trên mạng xã hội khiến không ít người cảm thấy “lạnh người” vì sự thiếu hiểu biết lại được tung hô bởi đám đông xuất hiện trên mạng xã hội.

Thậm chí, Phương Nga từng bị chính mẹ ruột kiện ra tòa vì cô chiếm giữ sổ đỏ của bà để bán cho người khác, và người bạn của Phương Nga là nữ MC Quỳnh Chi tố cô quỵt tiền mỹ phẩm. Dư luận lúc này đặt ra câu hỏi, một lần nữa mối quan hệ “tình, tiền” quả có sức nặng và khó giải quyết khi đặt lên cán cân công lý. Ngoài ra, liên quan đến Phương Nga còn xuất hiện một thông tin bên lề khác chưa được xác minh, hoa hậu Phương Nga từng bị chủ hộ Imperia khởi kiện không trả tiền nhà trước khi bị bắt giam vì tội lừa đảo 16,5 tỷ của ông Cao Toàn Mỹ. Chủ của căn hộ Imperia đưa đơn khởi kiện Phương Nga nhưng cô trốn tránh trách nhiệm không trả tiền… Ví von “người thứ 3” đứng trước vòng lao lý với hình tượng một nữ anh hùng lịch sử và nhận được sự đồng tình của văn hóa đám đông được coi là “sản phẩm lỗi, mặt trái của mạng xã hội”. Đã đến lúc những người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo  để có những chính kiến, sự xác minh, chọn lọc thông tin để tránh những câu chuyện “dở khóc dở cười” như trên.

 

Lợi dụng sức mạnh của công nghệ mạng, không ít page đã được lập với mục đích câu like, đánh bóng tên tuổi, kêu gọi…

Trên con đường hội nhập của thời đại trí tuệ nhân tạo (Artificial Interligence – AI) sẽ là làn sóng đột phá trong cách mạng công nghiệp 4.0. Giới trẻ chính là những người sử dụng mạng xã hội đông đảo nhất, những bạn trẻ cần tự trang bị cho mình những kiến thức để không trở thành công cụ của “con dao 2 lưỡi” mang tên mạng xã hội. Câu chuyện buồn thông qua mạng xã hội hình tượng Võ Thị Sáu bị xuyên tạc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mỗi cá nhân trước những phát ngôn của mình trên ngôi nhà ảo “mạng xã hội” nhưng giá trị thì thật đến mức đôi khi bạn sẽ giật mình vì tác dụng của văn hóa mạng đến mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Gia Minh – Saostyle.vn