Disney bị hacker tống tiền vì “Pirates of the Carribean 5”

     Bị dọa tống tiền và tung lên mạng trước ngày ra rạp, phần phim mới về gã thuyền truyển Jack Sparrow của hãng Walt Disney đang đứng trước nguy cơ… mất trắng.

Các hacker vừa thừa nhận họ đã “nắm” trong tay bộ phim phiêu lưu, hành động rất được chờ đợi của Disney là Pirates of the Caribbean: Dead Men Tell No Tales và dọa sẽ sớm tung nó lên mạng sớm nếu hãng phim không chịu trả tiền chuộc.

Loạt phim Cướp biển vùng Caribbean là một trong những thương hiệu thành công nhất của Disney với khoảng 3,7 tỷ USD cho tổng cộng 4 phần đã ra mắt. Trong đó, có hai phần phim đạt mốc trên 1 tỷ USD là phần 2 Dead’s Man Chest (2006) với 1,066 tỷ USD và phần 4 On Stranger Tides (2011) với 1,045 tỷ USD.

Disney bị hacker tống tiền vì Pirates of the Carribean 5 - Ảnh 1.

Là phần phim được Disney đặt rất nhiều kỳ vọng với kinh phí đầu tư gần 320 triệu USD, nhưng Dead Men Tell No Tales lại đang đứng trước nguy cơ bị… tung ra sớm trước hai tuần so với ngày ra rạp dự kiến vào 26/5. Theo tin từ THR, Giám đốc điều hành Disney là Bob Iger đã có một cuộc họp khẩn cấp với các nhân viên tại đài ABC để thông báo tin bộ phim bom tấn quan trọng của hãng đã bị đánh cắp.

Các hacker yêu cầu Disney phải trả một số tiền chuộc rất lớn bằng Bitcoin. Nếu không, họ sẽ lần lượt tung ra 5 phút đầu của phim, rồi 20 phút cho tới khi những đòi hỏi được đáp ứng. Bob Iger tuyên bố Disney từ chối trả tiền.

Disney không phải là nạn nhân duy nhất trong cuộc chiến với các hacker. Trước đó, dịch vụ trực tuyến Netflix cũng vừa đối mặt với chuyện bị tống tiền khi các hacker tuyên bố đã nắm trong tay rất nhiều bộ phim và chương trình truyền hình. Bao gồm cả 10 tập phim trong phần mới nhất của series nổi tiếng Orange is the New Black sắp ra mắt. Giá đề nghị của các hacker là 50 bitcoin (90.000USD). Netflix đã từ chối trả số tiền này.

Disney bị hacker tống tiền vì Pirates of the Carribean 5 - Ảnh 2.

Trước Disney, Netflix cũng từng là nạn nhân khốn khổ vì hacker

Trên Deadline, cựu hacker Hector Mosegur – người đã quay sang làm việc cho FBI nói rằng sẽ rất mất thời gian để truy lùng ra đường dây hacker đã làm việc này: “Chuyện đó là gần như không thể bởi chúng có mặt ở rất nhiều nơi. Chúng cũng biết rất rõ những kỹ thuật dùng để hạ bệ mình. Giống như chuyện, có một hacker người Ai Cập sử dụng phần mềm của người Nga để tạo ra danh tính mình đang ở Nga nhưng thực ra, hắn lại đến từ Ai Cập”.

 

Hector, hiện đang là giám đốc một công ty an ninh mạng, lý giải nguyên nhân của tình trạng phim bị đánh cắp này là do: các công ty lớn như Disney, Netflix… tuy sở hữu đội ngũ bảo mật rất tốt nhưng đối tác của họ – các công ty sản xuất nhỏ lại không có đủ kinh phí để đầu tư bảo vệ và để hacker đột nhập dễ dàng. Chưa kể, làn sóng “tấn công bất ngờ” mà virus tống tiền Wanna Cry gây ra khiến nhiều người không kịp trở tay.

Đối với Disney, bây giờ là lúc “dầu sôi lửa bỏng” trong cuộc chiến căng thẳng với các hacker nhằm bảo toàn tính mạng của “đứa con cưng” Pirates of the Caribbean trước ngày ra rạp cận kề. Đồng thời, vụ tống tiền này còn đặt ra lời cảnh báo quan trọng không chỉ cho Disney mà còn với các hãng phim khác. Nếu không cẩn thận trong bảo mật, thì những sự kiện như thế này sẽ còn diễn ra và sẽ gây ra tác hại cực kỳ lớn cho sự thịnh vượng tài chính của ngành công nghiệp điện ảnh.  

Nguồn: Trí Thức Trẻ.