Tập 72 “Bác sĩ gia đình” với chủ đề “Mối liên hệ giữa người bệnh tiểu đường và người béo phì” có sự tham gia tư vấn của bác sĩ chuyên khoa 2 – Ngô Thế Phi – Trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Thủ Đức.
Mở đầu tiểu phẩm, khán giả được chứng kiến cảnh tượng dở khóc dở cười khi nhân vật Việt Hương, Tuyền Mập và Phi Phụng đang “chen chúc” chụp ảnh tự sướng. Do nhân vật Tuyền Mập “mập” đúng như cái tên của cô nên khi cả 3 cùng chung một khung hình thì diện tích vô cùng eo hẹp. Chính vì thế, nhân vật Việt Hương ngồi ở giữa nên bị cả hai chèn cho méo mó cả mặt.
Chưa gặp 6 ngày mà dài tựa một tháng, bộ ba Việt Hương, Phi Phụng và Tuyền Mập mới được gặp lại nhau nên Phi Phụng đã mang tới 2 hộp bánh su kem để “chiêu đãi” Việt Hương và Tuyền Mập. Tuyền Mập vừa định đưa bánh vào miệng ăn thì bị Việt Hương khoát tay ngăn lại và nói “Phải kiềm lại, ngửi thôi đừng có ăn, tiểu đường nó không trừ một ai hết nên ngửi thôi nhé” khiến cô chỉ dám hít hà miếng bánh mà không dám ăn.
Thấy vậy, Phi Phụng quay sang Tuyền Mập bảo: “Con nhỏ này mập bị tiểu đường còn thấy có lý, còn bà Hương ốm nhom ốm nhắt mà vẫn bị tiểu đường. Vậy là do số chứ không phải cứ mập là bị tiểu đường đâu. Cứ ăn đi”. Phi Phụng vừa dứt lời, nhân vật Việt Hương tỏ ra ngao ngán và mắng cô bạn mình “ngang ngược” vì nói chuyện không có lý chút nào.
Cả Việt Hương và Tuyền Mập đều đưa ra dẫn chứng về những người xung quanh do ăn ngọt nhiều nên dẫn đến vừa bị béo phì vừa bị tiểu đường nhưng Phi Phụng nhất quyết không tin. Hết cách, Tuyền Mập bèn đề xuất tìm đến bác sĩ chuyên khoa để nhờ tư vấn.
Chứng chiến cảnh đôi co của các nhân vật trong tiểu phẩm, bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Phi – Trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Thủ Đức cho biết: “Béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho bệnh nhân dễ dàng mắc bệnh tiểu đường do kháng insulin. Lượng mỡ trong cơ thể người béo phì quá nhiều làm việc chuyển hóa đường trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Ở những người béo phì, khả năng tổng hợp insulin của tuyến tụy giảm kéo theo khả năng chuyển hóa glucose cũng giảm theo. Điều này khiến cho những người thừa cân béo phì có nguy cơ cao dư thừa lượng đường huyết, biến những đối tượng này thành nạn nhân của bệnh tiểu đường”.
Ở những người vừa thừa cân vừa bị bệnh đường huyết, ngoại việc tuân thủ chế độ ăn uống và tập thể dục thì việc kiểm soát cân nặng vô cùng quan trọng. Người bệnh cần giảm cân và hạn chế các đồ ăn nhiều năng lượng như đồ chiên, xào, giảm bớt lượng cơm tiêu thụ, bổ sung thêm rau xanh, cá. Ngoài ra, bệnh nhân vừa béo phì vừa bị tiểu đường cần phải có chế độ tập luyện tích cực hơn những người bị bệnh tiểu đường khác, khoảng 60 phút một ngày để đạt hiệu quả tốt hơn”- bác sĩ Ngô Thế Phi cho biết thêm.
Nghe bác sĩ tư vấn xong, Việt Hương thấy Phi Phụng còn ngồi ngẩn ra nên nói thêm: “Em nói chị rồi, béo phì với tiểu đường là hàng xóm của nhau, chúng bước qua ăn sinh nhật nhau hoài vậy đó”. Tuyền Mập cũng nói thêm “Bác sĩ cũng nói rồi, người béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn người bình thường rất rất nhiều lần”. Nghe hai người người nói xong Phi Phụng xây xẩm mặt mày đáp: “Bây giờ tôi mới thấy tôi liều. Trước giờ tôi ăn không có kiêng khem gì hết, đồ ngọt, đồ dầu mỡ, đồ xào… gì cũng ăn”.
Tập 73 chương trình “Bác sĩ gia đình” sẽ được phát sóng lúc 12h50 chủ nhật ngày 19/4 trên kênh THVL1 với chủ đề “Bí quyết giúp người tiểu đường an tâm khi đi du lịch xa”.
Mạnh Long