Tục “bắt vợ” của người H’mong – Phong tục hay hủ tục?

Từ xa xưa, tục “bắt vợ” là một nét đẹp văn hóa độc đáo của người H’mông, thế nhưng những năm gần đây, phong tục này dường như đã bị biến tướng, bị lợi dụng trở thành hủ tục.

“Bắt vợ” –  Nét văn hóa độc đáo từ ngàn năm để lại

Tục bắt vợ xưa nay đã được nhắc đến nhiều trong văn học Việt Nam, điển hình là trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của tác giả Tô Hoài. Bắt vợ từ lâu đã được xem là một nét văn hoá đặc trưng trong hôn nhân của người H’Mông. Người con trai sẽ tìm đến người con gái mà họ thích để bắt về làm vợ.

Tục “bắt vợ” của người H’mong

Tục “bắt vợ” có thể coi như lối thoát cho những hoàn cảnh nghèo không đủ tiền thách cưới, cũng thể hiện cho sự tự do hôn nhân của người H’mông. Nếu đôi trai gái yêu thương nhau từ trước nhưng không đủ tiền thách cưới hoặc bố mẹ cô gái không đồng ý, 2 người sẽ cùng bàn kế để chàng trai làm lễ bắt vợ. Đến ngày hẹn, chàng trai sẽ xuất hiện cùng bạn bè để “bắt” cô gái về nhà. Cô gái mặc dù biết trước nhưng vẫn tỏ ra bất ngờ đồng thời giả vờ kêu khóc. Quan điểm của người H’Mông cho rằng nếu trong cuộc bắt vợ, cô gái khóc càng to và phản ứng càng quyết liệt thì sau này vợ chồng họ sẽ càng hạnh phúc và có “bắt” vợ thì người đàn ông mới chứng minh được tình yêu với cô gái và lòng dũng cảm của mình.

Nếu chàng trai là người yêu đơn phương và “bắt” đối tượng thương yêu mình, cô gái sẽ tìm cách trốn hoặc chàng trai sẽ cố tình để cô gái trốn thoát. Khi đó gia đình nhà chàng trai sẽ phải làm lễ vật đem sang nhà cô gái để “đền danh dự”. Còn sau 3 hôm bị “bắt”, cô gái không trốn hoặc là không trốn được thì nhà trai sẽ đến nhà gái và bàn việc cưới.

Chàng trai bắt vợ nhưng cô gái không ưng, họ sẽ thách cưới rất cao, chàng trai không đáp ứng được sẽ bị dân làng phạt vạ thường sẽ phải khao cả dân làng ăn uống trong tận 7 ngày liên tiếp.

Có thể nói tục “bắt vợ” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khẳng định sự tự do hôn nhân, góp phần xóa đi các hủ tục như: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, thách cưới, môn đăng hộ đối…

Phong tục có đang trở thành hủ tục?

Hiện nay, nhiều đối tượng thiếu văn hóa, kém hiểu biết về pháp luật,.. hoặc những đối tượng xấu đã lợi dụng tục “bắt vợ” để gây ra một số tệ nạn xã hội như tục tảo hôn, xâm hại tình dục hay lừa phụ nữ bán ra nước ngoài.

Trong những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao clip ghi lại cảnh bắt vợ của những nhóm thanh niên miền núi gây bất bình trong dư luận. Sự việc được ghi nhận ở San Sả Hồ ( Sa Pa, Lào Cai).

Cảnh tượng nữ học sinh lớp 9 tên V người Sa Pả bị một gia đình ở San Sả Hồ bắt về làm vợ cho con

Cụ thể, ngày 5 tháng 2 vừa qua một nữ học sinh lớp 9 tên V người Sa Pả ( Sa Pa, Lào Cai) đã bị một gia đình ở San Sả Hồ bắt về làm vợ cho con. Mặc cô bé van khóc như mưa, lăn lộn dưới đất vì không đồng ý lại thêm sự can ngăn của thầy giáo hiệu phó của V và du khách, gia đình người đi bắt vợ cho con vẫn quyết tâm kéo cô bé đi. Sự việc chỉ kết thúc khi có sự can thiệp của bố mẹ em và chính quyền địa phương. Hiện V đã được đón về nhà, tâm lý ổn định và đi học trở lại.

Những sự việc như vậy không hề hiếm ở những tỉnh miền núi, nơi tục “bắt vợ” bị lợi dụng trở thành một công cụ phục vụ những mục đích xấu.

Trước đó, một cô gái ở Nghệ An cũng bị một nhóm thanh niên bắt về làm vợ khi đang trên đường vào Nam làm việc.

Có thể thấy, những sự việc vừa rồi, chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà chức trách, các cá nhân, về sự lạm dụng phong tục tập quán cho những hành vi sai trái. “Bắt vợ” vốn là một nét đẹp văn hóa những lại bị biến tướng nhằm phục vụ mục đích xấu xa. Mong rằng những hiện tượng như vậy sẽ được xóa bỏ để phong tục giữ nguyên được nét đẹp vốn có của nó.

 

Diệp Anh – SaoStyle.vn