Triển lãm “Chạm”: tình yêu, thông điệp và sự thấu hiểu

      Khai mạc vào ngày 4/3/2017 tại Cúc Gallery – tầng 5 Bảo tàng phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội), triển lãm “Chạm” là tất cả tình yêu và sự tâm huyết của những bà mẹ mạnh mẽ, với mong ước có thể truyền đi những thông điệp và sự thấu hiểu cho trẻ tự kỉ.

Tình yêu

“Chạm” là câu chuyện về 6 con người – 5 trẻ tự kỉ Việt Nam và 1 người đàn ông tự kỉ Nhật Bản: Gia Bảo, Trung Hiếu, Hoàng Minh, Bình Minh, Nem và Ujita Masato. Đó còn là 6 góc nhỏ, 6 cảm xúc, 6 tâm hồn, 6 cách nhìn nhận về cuộc sống đã đưa khách tham quan đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.

Nhưng để làm nên được một buổi triển lãm công phu và chu đáo như vậy, thực sự không dễ dàng. “Điều này thực sự rất khó khăn bởi các mẹ chẳng có ai làm về nghệ thuật cả, cũng chưa ai từng đứng ra tổ chức một sự kiện nào” – chị Mai Anh chia sẻ. Chính vì thế mà dù rất muốn giới thiệu tác phẩm của các con tới cho công chúng, nhưng các mẹ vẫn luôn băn khoăn “Bằng cách nào?”

Đằng sau “Chạm” là sự cố gắng nỗ lực rất nhiều của các gia đình có người tự kỉ. Phải giàu lòng yêu thương và niềm tin, khát khao để con được sống có ý nghĩa và hạnh phúc như thế nào, các cha mẹ mới có thể đầu tư nhiều thời gian, công sức, vật chất và cả tâm huyết vào đó để đem lại cơ hội cho các con thể hiện bản thân và giao tiếp qua nghệ thuật. Phía sau dự án ấy là tất cả tình yêu, hi vọng và cả sự tin tưởng mà các mẹ đã gửi gắm.

Có lẽ chính vì thế mà không gian buổi triển lãm vừa trang trọng, nghệ thuật mà vẫn vừa ấm áp yêu thương của tất cả mọi người.

Không gian triển lãm tràn ngập tiếng cười và tình yêu của mọi người.

Thông điệp và sự thấu hiểu

Khi được hỏi về cơ duyên đưa chị đến với việc tổ chức buổi triển lãm, chị Mai Anh – đại diện cho Ban Tổ chức đã chia sẻ: “Con của bọn chị đều có điểm chung là có năng khiếu hội họa. Những tác phẩm của các bạn ấy dù không đẹp như của những đứa trẻ bình thường khác nhưng nó thực sự chứa đựng những thông điệp rất lớn về thế giới của các bạn ấy, để chứng tỏ tuy mắc chứng tự kỉ nhưng các bạn vẫn có khả năng làm những việc như trẻ bình thường”.

 Tác phẩm “Đồng lúa chân núi Ba Vì” của bạn Trung Hiếu
Tác phẩm “Linh dương ăn cỏ” của bạn Phạm Bình Minh
 “Xuân Đinh Dậu” – tác phẩm của bé Gia Bảo (Danh Lâm)

Rõ ràng, trong thực tế người ta vẫn nghĩ “Trẻ tự kỉ là vứt đi”, “Những người tự kỉ chỉ nuôi để đó thôi chứ chẳng biết làm gì”, hay người ta vẫn thường quan niệm “Tự kỉ là bệnh” và vì thế việc tổ chức những buổi triển lãm như thế này thực sự rất quan trọng đối với công cuộc thay đổi nhận thức, hành vi và thái độ của mọi người. Đến với buổi triển lãm, ngắm nhìn những bức tranh, cũng là những góc nhìn, những cách giải tỏa cảm xúc của người tự kỉ, ta sẽ thêm hiểu và thông cảm với họ hơn. Người tự kỉ cũng giống như chúng ta, cũng có cảm xúc, sở trường và những khả năng riêng. Sự khác biệt có chăng đến từ lối sống và cách thể hiện mà thôi. Chứng tự kỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp và học tập của họ, vì thể phải trải qua những chặng đường rất dài và gian nan, họ mới có thể “Chạm” tay vào nghệ thuật và mong muốn “Chạm” vào cảm xúc của mọi người.

 Khách tham quan viết lại những cảm xúc của mình về buổi triển lãm
 Minh Đạt – một khách tham quan chia sẻ “Qua buổi triển lãm này, mình đã hiểu thêm về thế giới của những người tự kỉ cũng như thấy được những khó khăn của họ trong việc hòa nhập với thế giới”

“Cha mẹ cần hiểu rằng, tự kỉ không phải là thảm họa, mà sự không hiểu biết về tự kỉ mới là thảm họa ”

Là mẹ của người con mắc chứng tự kỉ, cũng là một trong số những người đứng ra tổ chức buổi triển lãm, qua buổi triển lãm này, chị Mai Anh cũng muốn gửi gắm thông điệp tới những cha mẹ đang có con tự kỉ: “Cha mẹ cần hiểu rằng tự kỉ không phải là thảm họa, mà sự không hiểu biết về tự kỉ mới là thảm họa. Điều đầu tiên là cha mẹ phải biết mở lòng, chấp nhận con mình. Và mình phải thực sự kiên trì. Bố mẹ nào cũng yêu thương con nhưng kiên trì và nhẫn nại thì không phải ai cũng có được. Cuối cùng, phải biết  bình ổn về cả kinh tế, các mối quan hệ và cả tình cảm trong gia đình.”

Rõ ràng, buổi triển lãm này đã là bước tiên phong cho việc đưa chứng tự kỉ đến gần hơn với mọi người nhưng chặng đường ấy vẫn còn rất nhiều khó khăn và thử thách. Điều này cần sự chung tay của không chỉ một người mà của tất cả chúng ta, để cùng nhau “Chạm” vào một thành công nho nhỏ, “Chạm” vào niềm hi vọng rất lớn của các gia đình và “Chạm” vào cả thế giới tâm hồn của những người tự kỉ.

Triển lãm bắt đầu từ 10h ngày 4/3/2017 đến 12h ngày 12/3/2017 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam số 36 Lí Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trọng Lâm – Saostyle.vn