Tìm hiểu nguyên nhân và các phương pháp điều trị sỏi thận

Sỏi thận là bệnh rất phổ biến trong dân số, thận có chức năng lọc và bài tiết nước tiểu ra ngoài. Trong nước tiểu có các thành phần muối, khoáng chất, chất cặn hoà tan. Khi những chất này kết tinh lại tạo thành tinh thể và lắng đọng xuống tạo thành sỏi.

Chương trình Bác sĩ gia đình với chủ đề “Tìm hiểu các phương pháp điều trị sỏi thận” có sự tham gia tư vấn của Bác sĩ CK2 Trần Thanh Phong – Phó trưởng khoa Ngoại niệu – Bệnh viện Nhân dân 115 – TP.HCM.

Mở đầu tình huống, người chồng than thở về chứng đau lưng dạo gần đây, vợ lên phòng khách gọi chồng chuẩn bị ăn sáng. Thấy chồng tay ôm lưng, mặt nhăn nhó, vợ liền hỏi thăm thì chồng trả lời: “Tôi đang đau lưng, dạo này đau nhiều hơn nữa, đau nhói nhói dữ lắm”. Người vợ lo lắng đoán rằng do người chồng tập thể dục nhiều, khom lưng lên xuống, chạy tới chạy lui nên mới dẫn đến đau lưng. Cô khuyên nhủ bảo con trai chở chồng đi khám bệnh.

Sau đó, người con trai bưng món ăn sáng lên cho ba thưởng thức, vừa nếm miếng đầu tiên ông tặc lưỡi chê nhạt và đòi nêm mặn hơn mặc dù người con cho biết nước món bún thịt nướng được mua chỗ người quen vốn pha nước mắm rất đậm đà. Anh con trai lên tiếng: “Như vậy là con thấy vừa ăn rồi, ba ăn mặn mà ba uống rất ít nước nên bây giờ bị huyết áp, cũng có thể là sỏi thận nữa”. Mẹ nghe vậy nhanh chóng liên kết vấn đề với chứng đau lưng để thuyết phục chồng đi khám bệnh nhưng người chồng vẫn không tin và chống đối lại suy đoán của hai mẹ con. Vì vậy người vợ liền mời bác sĩ có chuyên môn để tư vấn về vấn đề ba đang gặp phải.

Chia sẻ về nguyên nhân mắc chứng sỏi thận, Bác sĩ CK2 Trần Thanh Phong cho biết: “Đây là một bệnh rất phổ biến trong dân số, thận có chức năng lọc và bài tiết nước tiểu ra ngoài. Trong nước tiểu có các thành phần muối, khoáng chất, chất cặn hoà tan. Khi những chất này kết tinh lại tạo thành tinh thể và lắng đọng xuống tạo thành sỏi. Sỏi thận được chia thành 4 loại dựa theo thành phần cấu trúc của viên sỏi. Thứ nhất là sỏi canxi rất phổ biến, dạng sỏi thứ hai là sỏi Struvite (sỏi nhiễm trùng) có thành phần chính là ammonium magnesium phosphate. Thứ ba là dạng sỏi Uric xuất hiện trên cơ thể có hàm lượng axit uric cao, bị bệnh gút. Dạng thứ 4 là sỏi Cystin được tạo thành do tăng bài tiết trong thận và kết tủa”.

Nói về độ mặn trong thức ăn mà nhiều người hay nghĩ liên quan đến bệnh sỏi thận và một số dấu hiệu nhận biết bệnh này, bác sĩ Trần Thanh Phong chia sẻ: “Trong khẩu phần ăn có độ mặn tức là muối Natri Clorid, khi ăn mặn quá nhiều sẽ tạo yếu tố thuận lợi để hình thành sỏi trong cơ thể chúng ta. Dấu hiệu nhận biết đối với những viên sỏi nhỏ thì không có triệu chứng gì, chúng ta thường đi kiểm tra sức khỏe và tình cờ phát hiện. Tuy nhiên, đối với những viên sỏi lớn gây bế tắc thì có thể khiến chúng ta đau vùng sau lưng, tiểu ra máu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây sốt, đi tiểu buốt, nhiễm trùng toàn thân”.

Bác sĩ chia sẻ thêm về phương pháp điều trị phù hợp với các kích thước viên sỏi khác nhau. Cụ thể, bác sĩ Trần Thanh Phong nói rằng: “Để quyết định việc điều trị viên sỏi cần nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, kích thước sỏi là yếu tố chính để quyết định phương pháp điều trị. Có hai phương pháp điều trị chính là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Trong điều trị nội khoa, không có loại thuốc nào có thể hoà tan hoàn toàn 100% viên sỏi mà nó chỉ giúp chống viêm, chống phù nề, giảm đau, chống co thắt làm cho đường tiểu thông thoáng, giãn rộng hơn giúp tống xuất viên sỏi dễ dàng. Nếu kích thước quá lớn, điều trị nội khoa bên cạnh thuốc thì bác sĩ sẽ dùng phương thức ít xâm lấn hơn cho đến những phương thức mổ mở để lấy viên sỏi. 

Phương pháp thứ hai là tán sỏi thận nội soi ngược dòng với ống soi mềm. Chúng ta sử dụng máy nội soi đi từ lỗ tiểu ngược lên tới thận, tiếp cận sỏi và tán nát viên sỏi và lấy chúng ra con đường tự nhiên. Phương thức thứ ba là tán sỏi thận qua da dành cho viên sỏi kích thước 2cm trở lên. Đối với những viên sỏi phức tạp chúng ta nên chọn phương pháp này ngay từ đầu, định vị viên sỏi rồi sau đó tạo một đường hầm từ ngoài da đi thẳng vào trong. Tiếp tục sử dụng máy soi thận tìm cục sỏi, tán vỡ và lấy viên sỏi ra theo đường hầm đó”.

Những lưu ý giúp phòng ngừa và điều trị sỏi mật, Bác sĩ CK2 Trần Thanh Phong cho biết: “Nếu những thói quen, chế độ ăn không phù hợp kèm các bệnh lý chưa giải quyết thì vấn đề tạo sỏi sẽ diễn ra và tái phát. Để tránh hiện tượng sỏi tái phát, chúng ta cần hạn chế ăn quá mặn với thành phần chứa nhiều chất canxi. Thứ hai, chúng ta nên uống đủ nước, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh. Hằng ngày, chúng ta tăng cường vận động thể chất. Đặc biệt, chúng ta phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện và điều trị sỏi thận sớm tránh để hiện tượng sỏi lớn gây điều trị khó khăn hơn, tốn kém hơn và hiệu quả hạn chế”.

Bác sĩ gia đình được phát sóng định kỳ lúc 12h50 chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Công ty Truyền Thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.