Thưởng thức nhạc cổ điển không còn trọn vẹn nếu bạn không biết những điều này

     Bởi sự khác biệt lớn giữa văn hóa Đông – Tây, việc thưởng nghe nhạc cổ điển tại nhà hát có nhiều quy tắc riêng  mà chúng ta thường không nắm rõ.

Sau cuộc xâm chiếm thuộc lần thứ nhất, văn hóa Pháp – văn hóa Tây phương dần du nhập vào nước ta và để lại những dấu ấn khó có thể phủ định. Theo đó, âm nhạc cổ điển (nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng,…) được biểu diễn ngày càng nhiều tại Việt Nam, nhất là sau quyết định thi công và khánh thành Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trước đây, âm nhạc cổ điển thường được biểu diễn chủ yếu phục vụ giới quan lại thượng lưu Pháp và một số ít người Việt giàu có. Đến nay, khi chất lượng cuộc sống nâng cao, nhạc cổ điển được biết đến rộng rãi hơn và đối tượng thưởng thức dòng nhạc này càng được nhân lên. Đáp ứng nhu cầu của khán giả, những chương trình hòa nhạc ở nước ta diễn ra thường xuyên với những nghệ sĩ tên tuổi cùng khâu tổ chức chuyên nghiệp, điển hình là chương trình “CELLO Fundamento concert II” sẽ diễn ra vào mùa thu này ngày 30/08 tại Nhà hát Lớn.

Bởi sự khác biệt lớn giữa văn hóa Đông – Tây, việc thưởng nghe nhạc cổ điển tại nhà hát có nhiều quy tắc riêng  mà chúng ta thường không nắm rõ. Hôm nay, Saostyle cùng bạn đọc chia sẻ … nguyên tắc khi nghe nhạc cổ điển để khán giả có thể thưởng thức một buổi hòa nhạc trọn vẹn nhất.

Nguyên tắc chung

Những nguyên tắc chung được in sẵn trên vé, hoặc booklet của mỗi buổi diễn, thường là những nguyên tắc phổ biến như:

  1. Không chụp ảnh, quay phim
  2. 15 phút sau khi mở màn buổi diễn, nhà hát sẽ đóng cửa.
  3. Không nói chuyện riêng hoặc phát ra tiếng động lớn trong suốt buổi diễn
  4. Không sử dụng điện thoại di động trong giờ diễn

Thậm chí ở Sân khấu Idecaf, người ta còn ghi rõ: Không giải quyết cho trẻ dưới 8 tuổi vào xem – rất khắt khe, nhưng thẳng thắn.

Đến đúng giờ

Đến đúng giờ được hiểu là đến trước khi buổi hòa nhạc diễn ra 15 phút. Việc đến sớm giúp chúng ta từ tốn ổn định chỗ ngồi trước khi buổi diễn diễn ra đồng thời được tránh được những trục trặc hi hữu, không mong đợi. Khi đến đúng giờ, khán giả sẽ cảm thấy thư thái hơn trong cả quá trình thường thức đêm diễn.  Nếu chẳng may đến muộn, hãy đợi đến khi kết thúc một chương hoặc kết thúc một bản nhạc, khi dàn nhạc tạm nghỉ, và nhẹ nhàng vào chỗ ngồi.

Trang phục

Ăn mặc lịch sự và chỉnh chu nhất có thể là điều căn bản mỗi khi bước vào nhà hát. Nơi đây được coi là thánh đường của âm nhạc nên đừng mặc những trang phục bạn không thể khoác lên người khi đi chùa hay đến nhà thờ. Hãy tránh những trang phục làm từ vải bò hay áo thun dù nó phổ biến. Ăn mặc nghiêm túc nhưng không có nghĩa là quá nghiêm trang, hãy mặc những trang phục bạn cảm thấy thoải mái và có một tâm trạng tốt, sẵn sàng để thưởng thức âm nhạc. Trên thực tế  khi đến nhà hát, nam vẫn thường mặc vest trong khi nữ mặc váy dự tiệc.

Vỗ tay – lời tán dương tuyệt vời nhất

Vỗ tay là một hình thức tán thưởng ở mức rất cao. Những tràng vỗ tay càng dài và càng lớn càng thể hiện sự tâm đắc, tán thưởng buổi biểu diễn của các nghệ sĩ.  Ở những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ đẳng cấp, đôi khi thính giả phấn khích tới mức vỗ tay liên tục và hô “Bravo” (hoan hô) không dứt, các nghệ sĩ, dù đã lui ra sau cánh gà, vẫn phải trở lại nhiều lần để chào khán giả. Nhiều trường hợp được thính giả vỗ tay kéo dài, các nghệ sĩ tiếp tục ra và biểu diễn thêm một bản nhạc nữa (ngoài chương trình) rồi mới chính thức vào sau cánh gà. Thế giới đã từng ghi nhận kỷ lục cho tràng vỗ tay dài nhất, là trong buổi biểu diễn của danh ca Luciano Pavarotti tại Nhà hát Opera Berlin, kéo dài suốt hơn 40 phút.

Tuy nhiên, cách vỗ tay sao cho đúng, là vấn đề khó nói và khá phức tạp. Đúng nhất, chúng ta vẫn nên vỗ tay cuối bản nhạc, khi nhạc công đã dừng buổi diễn và âm thanh đã hoàn toàn lặng xuống. Việc vỗ tay rào rào khi chỉ huy chưa ngưng đũa sẽ phá vỡ sự toàn vẹn của mỗi tác phẩm cũng như chính không gian thưởng thức âm nhạc, điều này được coi là thiếu tôn trọng với nhạc công và âm nhạc nói chung.

Ngoài ra, những thể loại biểu diễn nghệ thuật cổ điển khác nhau có những nguyên tắc vỗ tay riêng.

Tặng hoa

Trong các buổi biểu diễn chuyên nghiệp, chúng ta chỉ lên tặng hoa các nghệ sĩ khi buổi diễn đã hoàn toàn kết thúc, các nghệ sĩ cùng ra sân khấu để chào thính giả. Lúc này nếu muốn tặng hoa, hãy đi hẳn lên trên sân khấu và tặng trực tiếp, thay vì đứng dưới và với hoa lên, buộc nghệ sĩ phải cúi xuống nhận.

Trên đây là một vài nguyên tắc nền tảng khi tham dự một buổi hòa nhạc cổ điển. Kết lại, nghe nhạc là một hoạt động tinh thần đặc biệt, và không chỉ ở nhà hát mà ở bất kì nơi đâu, chúng ta cũng cần cư xử một cách có văn hóa.

Tham khảo: ngaunhien.info