Thầy Văn Như Cương đã qua đời, nhưng những kỷ niệm đẹp sẽ ở lại mãi với mỗi cựu học sinh trường Lương Thế Vinh

     Hơn lúc nào hết, những kỷ niệm về thầy được chia sẻ lại lúc này khiến người đọc càng thêm xúc động. Lứa học sinh mới thì tiếc vì không được trực tiếp học thầy, còn những người đã từng theo học – mỗi người lại có một kỷ niệm riêng về người thầy mang linh hồn của mái trường Lương Thế Vinh.

Hôm nay sẽ là một ngày buồn với tất cả các thế hệ học sinh của trường THPT Lương Thế Vinh khi thầy Văn Như Cương vừa qua đời vào rạng sáng ngày 9/10. Sau hơn 3 năm kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư, “ông tiên tóc bạc” của trường Lương Thế Vinh đã ra đi mãi mãi. 

Với những người từng là học trò của thầy hay theo học tại trường Lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương luôn là một tấm gương đáng quý, một người thầy luôn dành tình yêu thương cho học trò và cả đời phấn đấu, hi sinh về sự nghiệp giáo dục. Thầy Văn Như Cương nghiêm khắc và kỷ cương, nhưng cũng chính thầy Cương là người luôn gần gũi, quan tâm tới đời sống của học sinh dù là ở trường hay trên mạng xã hội, làm gì cũng hết lòng vì học sinh trước nhất. Bởi vậy nên ở trường Lương Thế Vinh, ai cũng yêu và kính trọng thầy. Sự ra đi của thầy Cương sẽ là niềm tiếc thương khó nguôi ngoai đối với tất cả các thế hệ học sinh và thầy cô của trường. 

Hơn lúc nào hết, những kỷ niệm về thầy được chia sẻ lại lúc này khiến người đọc càng thêm xúc động. Lứa học sinh mới thì tiếc vì không được trực tiếp học thầy, còn những người đã từng theo học – mỗi người lại có một kỷ niệm riêng về người thầy mang linh hồn của mái trường Lương Thế Vinh. 

Cụ Dumbledore vĩ đại của trường Lương Thế Vinh

Bao dung, nhân hậu, gần gũi, dí dỏm và luôn tận tâm với học trò, đau đáu vì sự nghiệp giáo dục con người… đó là lí do vì sao thầy Văn Như Cương hay được ví như Dumbledore – vị hiệu trưởng vĩ đại trong truyện Harry Potter. 

Tôi nhìn qua ống kính máy ảnh, thấy sao mà thương yêu đến thế cái dáng thầy gầy gò, với bộ râu bạc trắng, hệt như GS Dumbledore trong truyện Harry Potter. Tôi đã vào Lương Thế Vinh là để được làm học trò của thầy, được học trong môi trường học tập mà thầy đã tạo ra. Với tôi, thầy Văn Như Cương là ‘Trường Lương Thế Vinh’, và ngược lại cũng đúng’ – (Vân Anh – Diệu An (Cựu học sinh Lương Thế Vinh – trích trong bài viết “Thầy Dumbledore” Văn Như Cương và ngôi trường mới” trên website của trường Lương Thế Vinh).

Người thầy luôn gần gũi với tất cả các học sinh

PGS Văn Như Cương đã dành trọn cả đời mình cho học trò, giáo dục, cho ngôi trường Lương Thế Vinh. Mỗi thế hệ học trò đều được thầy tận tâm dạy bảo từng chút một.  Đặc biệt, thầy Văn Như Cương luôn có tư tưởng quản lý tâm lý, hiểu học trò và chấp nhận những sai sót của học trò, nhất là luôn bình tĩnh trong bất kỳ hoàn cảnh ‘nước sôi lửa bỏng’.

Hoàng Ngọc Giang (cựu học sinh khoá 2007 – 2011) kể: “Thầy nhìn thấy học sinh vi phạm đồng phục đều không bắt phạt hay mắng mỏ gì mà nhắc nhở rất nhẹ nhàng. Có hôm mình bị phạt đứng ngoài lớp, thầy còn đến hỏi tại sao rồi nói chuyện với giáo viên xin cho mình vào. Thầy cực kì hóm hỉnh và thân thiện với học sinh, nếu như chào các giáo viên khác các thầy cô chỉ gật đầu rồi đi, còn thầy thì sẽ quay lại vẫy tay cười tươi chào lại, thậm chí còn đến gần hỏi các em đang làm gì rồi chơi cùng học sinh. Nói chung là thầy hiền hậu, đúng mực, thân thiện và hóm hỉnh lắm!”.

Phạm Việt Phương Linh (CHS Lương Thế Vinh, 1997 – 2005) không thể quên hình ảnh thầy giáo già hay đi lang thang trong sân trường trong những giờ giải lao. “Mỗi lần gặp học trò đang ngồi chơi, thầy lại gần và thường kể chuyện hoặc đố vui về toán, ngôn ngữ. Có lần mình được thầy đố từ đơn nào dài nhất?… Cách nói chuyện của thầy không hề áp đặt, rất gần gũi thân thiện và luôn khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, cảm giác như người cha già hiền hậu mẫu mực vậy.”

Giáo viên đặc biệt với những bài giảng không ai có thể quên

Đối với thế hệ cựu học sinh Lương Thế Vinh ra trường từ hơn chục năm về trước, nhắc tới thày Cương là nhắc tới những tiết hình học thú vị. Dù chỉ được học duy nhất 1 tiết do thầy Cương đứng lớp nhưng anh Lương Thế Việt, cựu học sinh niên khóa từ 1999-2002, tới giờ vẫn không thể nào quên: Thầy vào lớp thông báo dạy thay 2 tiết nhưng chỉ có thời gian dạy 1 tiết. Thầy đặt câu hỏi: “Có bạn nào biết thế nào là ‘điểm’ – “point”? Cả lớp ngồi im! Thày đặt câu hỏi tiếp: “Thế nào là ‘đường’ – “line?”. Có người xung phong và thày lắng nghe học sinh định nghĩa. Đến câu hỏi thứ 3: “Thế nào là ‘mặt phẳng’ – “flat”?. Lại có một vài câu trả lời và thầy chăm chú lắng nghe. 

Sau đó, nhiều học sinh trong lớp ngồi ngẩn tò te vì học đến lớp 11 mà không hiểu được khái niệm ngày ngày vẫn dùng. Ngẫm về tiết học đặc biệt ấy, sau này, anh Việt mới tìm được đáp án: “Thực ra, thày muốn tiết học đó giúp học sinh có được cách suy xét các vấn đề khác nhau của cuộc sống. Từ những việc đơn giản đến phức tạp người ta đều có thể tìm được nguyên nhân – kết quả”.

Nói về phương pháp sư phạm của PGS Văn Như Cương, người học trò, giờ đây là đồng nghiệp của thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên toán trường Lương Thế Vinh nhận định: “Thầy có phương pháp sư phạm tuyệt vời, luôn biến cái phức tạp thành đơn giản. Trong lời giảng luôn có sự liên hệ với thực tế, biến những thuật toán thành những câu đố vui, những câu chuyện gần gũi trong đời sống, thậm chí thành trò chơi khiến học sinh hứng thú, dễ học, dễ hiểu.”

Người thầy luôn mạnh mẽ đấu tranh cho một ngành giáo dục phát triển hơn

Là trường tư thục đầu tiên của cả nước, Lương Thế Vinh cũng nổi tiếng bởi chủ trương: “Dạy thật, học thật”, do chính thầy Văn Như Cương đề ra. Để chống bệnh thành tích, người hiệu trưởng ấy không hô hào bằng khẩu hiệu mà đi vào ngay trong từng việc làm hành động, thể hiện tất cả bằng chính chất lượng đầu ra của học sinh. Tư duy giáo dục ấy ảnh hưởng sâu sắc tới cách làm việc của toàn thể giáo viên trong trường. “Thầy Cương không cổ vũ giáo viên soạn chung giáo án, nếu dạy 5 lớp cùng 1 khối thì cũng phải soạn 5 giáo án khác nhau, cập nhật trong mỗi tiết dạy. Hơn hết, thày vẫn luôn nhấn mạnh: Giáo án rõ nhất là ở trong đầu của giáo viên”, thầy Tùng cho hay.

Không những là con người kỷ luật, nghiêm minh, thầy Cương còn là tấm gương về lối sống giản dị, chân thành. Luôn thẳng thắn nhận lỗi và sửa lỗi nều mình còn sai sót.

Có một câu chuyện như thế này, năm 2013, thầy Cương bị học trò nhìn thấy ông đang kẹp ba đi xe máy trên đường mà không đội mũ bảo hiểm. Cô học trò này viết thư cho thầy. Bức thư có nội dung như sau: ‘Hôm trước, em qua nhà sách Đông – Tây dự hội sách, đến chiều em thấy thầy và bác Đoàn Tử Huyến kẹp ba đi về phía đường Trần Quý Kiên mà không đội mũ bảo hiểm. Em thấy việc đó rất nguy hiểm và phạm luật giao thông. Thầy tuổi đã cao, kính mong thầy cẩn trọng. Em kính chúc thầy sức khỏe và thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người’. Nhận thư, thầy Cương thật sự bất ngờ và cảm động. Thầy viết thư trả lời ngay ‘Cám ơn em đã có lời nhận xét và phê bình… Thầy có lỗi!’.

Bây giờ, thầy đã ra đi, rất nhiều thế hệ đang gửi lời chia buồn tới gia đình cũng như thể hiện niềm thương tiếc của mình với người thẫy đáng kính. Trên Facebook cá nhân, bạn Cù Hiền chia sẻ tuy ngắn gọn nhưng xúc động:

Mấy lần gọi điện phỏng vấn, giọng thầy rất yếu, mình hỏi thăm sức khỏe thầy vẫn thều thào: “Tôi khỏe”.

Nhiều lần trò chuyện với thầy, biết tin thầy ốm, hỏi thầy địa chỉ đến thăm, thầy vẫn bảo: “Tôi có sao đâu mà thăm với hỏi…”

Bao nhiêu câu “mấy lần”, bao nhiêu đợt trì hoãn, vẫn chưa một lần gặp thầy, những lời thăm hỏi chỉ gửi qua cuộc nói chuyện.

Vĩnh biệt thầy, chia buồn cùng gia đình…

Nguồn: Zing.vn