Sự đổ bộ của người mẫu “lệch chuẩn” phá vỡ định kiến về vẻ đẹp hoàn hảo

Những người mẫu “lệch chuẩn” ngày càng có nhiều cơ hội thể hiện bản thân trên các sàn diễn thời trang, như một cách tôn vinh sự đa dạng và vẻ đẹp phi chuẩn mực.

Trong lĩnh vực thời trang, người mẫu giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Họ là những người thay mặt nhà thiết kế thể hiện tinh thần và nét đẹp của trang phục tới công chúng.

Người mẫu được xem là đại diện cho cái đẹp hoàn hảo. (Ảnh: Báo Người Lao động)

Suốt một thời gian dài, hình ảnh người mẫu được rập khuôn là những người có vẻ ngoài hấp dẫn, chiều cao lý tưởng, vóc dáng “chuẩn vàng” v.v. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, những người có thân hình ngoại cỡ, người khuyết tật, người mắc các bệnh đặc biệt cũng hoàn toàn có thể tự tin tỏa sáng trên các sàn diễn thời trang.

Xu hướng thay đổi từ quốc tế tới Việt Nam

Thực tế, những sân khấu thời trang đặc biệt như vậy đã xuất hiện từ lâu. Cách đây hơn 2 thập kỷ, nhà thiết kế người Anh Alexander McQueen đã có buổi diễn để đời trong sự nghiệp của mình mang tên “No.13” (tạm dịch: Số 13), với sự góp mặt của vận động viên khuyết tật Aimee Mullins.

Aimee Mullins trên sàn diễn “No.13” năm 1999. (Ảnh: Alexander Mcqueen)

Trước sự chứng kiến của nhiều khách mời, Mullins tự tin sải bước trên sàn diễn trong bộ trang phục ấn tượng cùng đôi chân giả bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo. Màn trình diễn của cô tạo nên một cơn sốt trong giới mộ điệu khi ấy. Thời trang dường như đã xóa mờ đi sự khác biệt giữa Mullins và những người mẫu khác.

Dù “No.13” được đánh giá là một trong những tuyệt tác mọi thời đại của làng mốt thế giới, McQueen vẫn nhận về vô số chỉ trích khi quyết định đưa một người mẫu khuyết tật lên sàn diễn. Người ta cho rằng ông đã biến buổi trình diễn thời trang thành một “chương trình quái dị”. Tuy nhiên, bất chấp những phản ứng dữ dội, Mullins tiếp tục là “nàng thơ” được McQueen ưu ái cho tới tận khi ông qua đời.

Cho đến nay, hình tượng người mẫu ngoại cỡ hay người mẫu khuyết tật đã không còn xa lạ với công chúng. Nhiều gương mặt sáng giá của làng mốt như Ashley Graham, Winnie Harlow, v.v dù mang vẻ ngoài “lệch chuẩn” vẫn được những thương hiệu lớn “chọn mặt gửi vàng” ở các sự kiện thời trang quốc tế.

Winnie Harlow vượt qua căn bệnh bạch biến để tỏa sáng rực rỡ với vai trò một người mẫu. (Ảnh: SHUTTERSTOCK)

Người mẫu ngoại cỡ Tess Holliday tự tin trình diễn trong bộ váy có in chữ “sample size” (tạm dịch: kích cỡ tiêu chuẩn) tại Tuần lễ thời trang New York 2019. (Ảnh: Getty Images)

Làng mẫu Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng thay đổi này với những buổi trình diễn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu thời trang.

Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2020 có sự góp mặt của mẫu nhí bạch tạng Anna. (Ảnh: vietgiaitri.com)

Một người mẫu nữ xinh đẹp sải bước trong đêm diễn “Darkness and Light” của nhà thiết kế Hà Duy năm 2020. (Ảnh: Diemnhanh.com)

Sự đổ bộ của dàn mẫu đặc biệt trên các sàn diễn đang dần thay đổi định kiến của mọi người về cái đẹp. Bởi thời trang vốn đi liền với thẩm mỹ, mà quan niệm về vẻ đẹp hoàn hảo thì luôn thay đổi qua mỗi thời kỳ. Dù vậy, nó không thể và cũng không nên trở thành một thước đo áp đặt lên bất kỳ ai, vì mỗi người đều có những nét đẹp riêng của mình.

Không phải chỉ có vẻ ngoài thu hút, ưa nhìn mới được xem là đẹp, chính sự khác biệt vốn bị đánh giá “lệch chuẩn” lại là điểm tạo nên dấu ấn, cá tính riêng của mỗi người. Chỉ cần con người trân trọng và yêu cả những khiếm khuyết của bản thân, chúng ta sẽ biết cách giúp mình trở nên đẹp hơn.

Sinh viên trường Báo với quan niệm về sự hoàn hảo

Cũng giống như hành trình theo đuổi cái đẹp hoàn mỹ của thời trang, con người luôn mong muốn đạt đến sự vẹn toàn trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vốn không dễ thỏa mãn với bản thân. Điều đó khiến ta bị cuốn vào một “cuộc đua” không hồi kết để tìm đến cái đích mơ ước của mình.

Những người trẻ mang trong mình nhiều hoài bão và khát vọng khẳng định bản thân chắc chắn sẽ là những người khao khát một cuộc sống hoàn hảo hơn ai hết.  Điều đó có thể là động lực để họ cố gắng mỗi ngày, nhưng cũng có thể trở thành nỗi ám ảnh đeo bám họ.

Lấy cảm hứng từ thực tế trên, sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền quyết định lựa chọn “The Error” (có nghĩa là lỗi) làm chủ đề chính cho đêm hội Halloween năm nay.

Halloween 2022 với thông điệp gần gũi, hấp dẫn

Thông qua chương trình, Ban Tổ chức Halloween 2022: The Error mong muốn gửi gắm thông điệp: “Hoàn hảo là một vạch đích mơ hồ mà hầu hết chúng ta đều mong muốn chạm tới. Thế nhưng, thay vì tìm kiếm sự vẹn toàn không có thật rồi tự dày vò, hạ thấp giá trị của bản thân, con người cần học cách làm quen và chấp nhận những khiếm khuyết. Bởi chính những vết nứt mới là nơi ánh sáng có thể lọt vào”.

Sau một năm phải tổ chức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh, Halloween 2022: The Error sẽ diễn ra trực tiếp, hứa hẹn đem đến một lễ hội ma đáng nhớ cho khán giả.