Theo thống kê của Digital (số liệu tính tới thời điểm tháng 01/2021), số lượng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là 72 triệu người, tương đương 73,7% tổng dân số. Trong đó, thanh thiếu niên và sinh viên chiếm một phần không nhỏ. Song, bên cạnh các mặt tích cực mà mạng xã hội đem đến, thì sự thiếu ý thức trong việc sử dụng mạng xã hội của một bộ phận người dùng đã và đang đặt ra những báo động về văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

Nhận thức được điều này, trong khuôn khổ dự án “Hành trang pháp luật – RULE 901”, Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và Hội Sinh viên Khoa Luật ĐHQG Hà Nội đã tổ chức cuộc thi “Sáng tạo video, clip tuyên truyền pháp luật trên không gian mạng”. Xoay quanh một chủ đề nóng của xã hội hiện nay, cuộc thi đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia hưởng ứng. Minh chứng cho điều này là chỉ sau 15 ngày kể từ khi phát động cuộc thi (10/10 – 25/10), Ban Tổ chức đã nhận được 64 bài dự thi của các đội đến từ nhiều đơn vị khác nhau, với tổng số lượng sinh viên tham gia lên đến con số 300 người.

Chia sẻ về lý do tham gia cuộc thi, bạn Minh Phương đến từ đội thi “Bất chấp mọi Deadlines” thuộc trường Đại học Ngoại ngữ cho hay: “Bản thân mình không có nhiều kiến thức liên quan đến pháp luật, và mình nhận thấy nhiều bạn sinh viên cùng trang lứa cũng vậy. Do đó, mình tham gia cuộc thi với hai mục đích. Thứ nhất, mình coi đây là một cơ hội để bản thân có thể tìm hiểu thêm về pháp luật. Thứ hai, mình muốn góp sức lan tỏa, đưa vấn đề pháp luật và mạng xã hội đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là sinh viên”.

Khác với Minh Phương, là một người đã có những kiến thức nhất định về luật pháp, Tuấn Long – đại diện đội thi “CLC EMPIRE” của Khoa Luật, ĐHQGHN chia sẻ lý do: “Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như ngày nay, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu đối với nhiều người. Song, mạng xã hội cũng đem lại cho chúng ta nhiều thách thức và vấn đề. Đối diện với điều này, những sinh viên học chuyên ngành Luật như chúng mình cũng cảm thấy sự cần thiết của Luật An ninh mạng và muốn đóng góp một phần nhỏ trong việc tuyên truyền pháp luật trên không gian mạng đến mọi người xung quanh. Và cuộc thi này chính là một cơ hội để chúng mình thực hiện được điều đó.”

Có thể thấy, không chỉ đơn giản coi đây là một cuộc thi, hơn tất cả, các bạn sinh viên tham gia đều nhận thức được rất rõ vai trò của pháp luật và trách nhiệm của bản thân trên không gian mạng. Từ đó, các bạn mong muốn có thể đóng góp sức mình trong việc lan tỏa những giá trị nhân văn, kiến thức về luật pháp và văn hóa ứng xử đúng mực trên mạng xã hội đến với cộng đồng.

Tham gia cuộc thi, mỗi đội lại đem đến một thông điệp cụ thể khác nhau. Nhưng với sự đầu tư về mặt nội dung cũng như hình thức trình bày, các video/clip được gửi về đều đã truyền tải trọn vẹn thông điệp chung mà cuộc thi muốn gửi gắm, đó là: “Mạng ảo – Luật thật”. Trong đó, có 4 đội thi xuất sắc nhất đã lọt vào vòng Chung kết, gồm: đội Black Mirror, đội Themis, đội Dazzel và đội CLB Ulis TV.

Tạ Đức Anh – đại diện đội thi Black Mirror chia sẻ: “Ban đầu mình khá bất ngờ khi biết đội mình lọt vào vòng chung kết. Nhưng với sự nỗ lực và cố gắng của toàn bộ thành viên trong đội thì mình nghĩ đó cũng là một sự đền đáp xứng đáng. Mặc dù trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức cũng diễn ra khó khăn hơn. Nhưng với tinh thần học hỏi và trải nghiệm, Black Mirror sẽ cố gắng hết mình cho trận chung kết sắp tới và tiếp tục lan toả thông điệp của chương trình tới gần hơn với mọi người”.

Không chỉ “Black Mirror” mà đến hiện tại, cả 3 đội thi còn lại cũng đều đang gấp rút chuẩn bị kỹ càng cho buổi Chung kết của cuộc thi. Chắc chắn rằng, với tài năng, trí tuệ, và nhiệt huyết tuổi trẻ, 4 đội thi sẽ có được những phần thi thật tốt và để lại được những ấn tượng sâu sắc của riêng mình.

Được tổ chức trực tuyến 100%, vượt qua mọi khó khăn và khoảng cách vì dịch bệnh Covid-19, dự án tuyên truyền pháp luật của các bạn sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn đang tiếp tục gặt hái được những thành công nhất định. Với sự nỗ lực hết mình của Ban Tổ chức cùng sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các bạn sinh viên, cuộc thi “Sáng tạo video, clip tuyên truyền pháp luật trên không gian mạng 2021” nói riêng và dự án “Hành trang pháp luật – RULE 901” nói chung đang góp phần không nhỏ trong việc giáo dục và nâng cao hiểu biết của học sinh, sinh viên về pháp luật và văn hóa ứng xử trên mạng xã hội ở Việt Nam.

Lê Trang Anh