Rắn chưa thay da, nhưng “Mẹ Chồng” Thanh Hằng thì đã thực sự lột xác rồi!

      Quay lại với điện ảnh sau 2 năm, Thanh Hằng đã có màn lột xác ngoạn mục với vai diễn phức tạp trong phim điện ảnh “Mẹ chồng”.

Sau Cô Ba Sài Gòn, Mẹ Chồng của Lý Minh Thắng với sự tham gia diễn xuất của dàn cast “khủng” Thanh Hằng, Lan Khuê, Midu, Diễm My, Ngọc Quyên, Song Luân, Lâm Vinh Hải… chính là tác phẩm điện ảnh tiếp theo khiến dư luận xôn xao. Lấy chủ đề mẹ chồng nàng dâu vốn đã có nhiều uẩn ức, phim còn khai thác dưới bối cảnh phong kiến, mang màu sắc “đấu đá gia tộc” như những bộ phimTrung Quốc nên càng khiến người ta tò mò.

Khoan nhận xét phim hay hay dở, bởi sau khi xem phim, ai cũng sẽ có cùng một cảm giác này: Thanh Hằng diễn sắc sảo quá! 

Vào nghề từ năm 2004 với phim Những cô gái chân dài, Thanh Hằng lúc đó đã gây ấn tượng với khán giả ngay vai diễn đầu tay, nhưng đấy là với… đôi chân dài 1m12 chứ không phải diễn xuất, mà bản thân nhân vật đó cũng không đặc biệt. Sau đó, cô liên tục xuất hiện trong các phim của Vũ Ngọc Đãng và Nguyễn Quang Dũng, từ vai thứ đến toàn vai chính như Tuyết nhiệt đới, Nụ hôn thần chết, Những nụ hôn rực rỡ, Mỹ nhân kế, Siêu nhân X.

Hai trong số những phim trên đã ghi được kỉ lục doanh thu phòng vé thời bấy giờ nhưng diễn xuất của Thanh Hằng hầu như lại không được đánh giá cao. Sở hữu gương mặt đẹp, có nét riêng, Thanh Hằng cũng không ngại lăn xả đầu tư vào nhân vật như tập bay nhảy trong Nụ hôn thần chết và Mỹ nhân kế, tập hát hò trong Những nụ hôn rực rỡ. Ấy thế mà đối với công chúng, Thanh Hằng vẫn chỉ là một người mẫu đóng phim, rằng chẳng qua cái thời của cô chưa có nhiều hot girl, chưa có nhiều lựa chọn về gương mặt, nhan sắc nên cô được chú ý hơn và cứ thế “gồng mình” để làm nữ chính. Tuy nhiên, những ai tinh ý quan sát cô theo thời gian, sẽ nhận thấy Thanh Hằng có tố chất của một diễn viên thực thụ nhưng chưa được mài giũa đúng cách để toả sáng. 

Với vai Ba Trân trong Mẹ Chồng, Thanh Hằng phải đối diện với một vai diễn khó nhất trong sự nghiệp. Cái khó là ở tuổi đời nhân vật trải dài từ lúc chưa chồng đến khi trở thành mẹ chồng, ở các sắc thái cảm xúc của vai này buộc phải đa dạng nhưng lại không được thể hiện ra quá suồng sã. Từ khi xem trailer, khán giả đã có thể mường tượng được đôi nét về nhân vật này. Phải làm sao để có được sự hung hãn trong ánh mắt như Diêu Kim Linh của Cung tâm kế, có được cái bình tĩnh đủ khiến người khác e dè như Tiêu Ngọc của Hoả vũ hoàng sa, được cái khí chất quý phái, đến bước đi cũng làm người ta run sợ tựa Như Phi trong Kim chi dục nghiệt? Thế mà “trăm điều khó” kể trên, Thanh Hằng đã hoàn thành khá trọn vẹn ở Mẹ Chồng. 

Vai Ba Trân không chỉ mang đến vẻ đẹp cuốn hút trong mọi khuôn hình từ lúc còn là cô gái ngây thơ, có học cho đến khi trở thành mợ cả quyền lực, đầy mưu sự, ưu tư mà còn cho khán giả “diện kiến” một Thanh Hằng rất khác biệt trong diễn xuất. Tinh tế hơn, tiết chế hơn nhưng lại thuyết phục hơn. Dù đôi lúc khán giả vẫn còn nhìn thấy đâu đó bóng dáng nàng Kiều Thị của Mỹ nhân kế qua cách liếc mắt, qua điệu cười nhưng thiết nghĩ đó là đặc trưng của riêng Thanh Hằng. Với Ba Trân, Hằng đã diễn nhiều hơn bằng mắt, bằng thái độ, bằng dáng bộ, động tác. Những cảnh Ba Trân thị uy gia đình nhưng lại yếu mềm trước đứa con trai, tàn bạo trước mẹ chồng con dâu nhưng lại gục ngã với cảm xúc khát khao nơi gian phòng vắng đều được “xà mẫu” Thanh Hằng lột tả rất thuyết phục.

 

Không đơn thuần là mẹ chồng như tên phim, Thanh Hằng còn thành công khi thể hiện một cuộc đời cay đắng của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Ở cái thời mà người ta phải sống trong lễ nghĩa Nho giáo, trọng nam khinh nữ, thì đàn bà cũng không khác gì một “cỗ máy đẻ”. Lấy chồng mà không sinh được con trai thì chồng sẽ mang tội bất hiếu, còn bản thân thì phải chấp nhận san sẻ người đàn ông cho (những) người phụ nữ khác để họ làm tròn hiếu đạo. “Cây độc không trái, gái độc không con”, phụ nữ ngày xưa sống mà lúc nào cũng phải xù lông lên để bảo vệ mình, Ba Trân cũng như thế. 

Thanh Hằng chưa có gia đình nhưng cô lại khiến người xem cảm nhận được rõ rệt hình ảnh một “rắn mẹ” quyền uy, dữ dội, thâm độc nhưng cũng nhiều khát khao, lúc khác lại sầu muộn, một mẹ chồng tàn ác mà cũng đáng thương, khiến khán giả càng xem càng thấy cảm thông cho nhân vật, cho câu chuyện của mỗi người. Xuân hạ thu đông, đời người con gái được mấy mùa vui? Có tàn nhẫn đến đâu, vẫn có những lúc yếu mềm. Có minh mẫn đến đâu, cũng có những khi bất chấp. Có đau đớn đến đâu, họ vẫn không thể thoát khỏi cái vòng quay định kiến. Những cuộc tranh đấu của họ sẽ không thể nào dừng lại, chừng nào còn chưa bước đến vị trí cao nhất mà có thể ở đó chỉ có sự cô độc, hoặc một thực tại vỡ tan. Ba Trân của Thanh Hằng mang đầy đủ những cảm xúc này, tạo nên một nhân vật khó nhất và ấn tượng nhất trong nghiệp diễn của Thanh Hằng từ trước đến nay. 

Trong phim có một câu thoại khá ấn tượng của nhân vật Chín Tị (Tiết Cương) dành cho Ba Trân khi bà thị uy với hắn, đó là câu “Rắn chưa thay da đâu! Một khi dì Hai Lịnh còn sống thì con đàn bà như ngươi đừng hòng trở thành chủ của cái Huỳnh gia này!”. Đúng vậy, rắn sẽ chưa thay da chừng nào Ba Trân chưa trở thành người có quyền lực tuyệt đối trong dòng họ Huỳnh. “Rắn” cũng sẽ chưa thay da nếu như bộ phim gây ấn tượng với truyền thông, dư luận này thực chất chỉ là một bộ phim có cố gắng trong thể loại nhưng vẫn còn bị yếu tính sáng tạo. Nhưng với bản thân Thanh Hằng, cô thật sự đã thay da, lột xác để có một vai diễn để đời, xứng đáng nhận được tràng pháo tay giòn giã nhất cho màn hoá thân không hề dễ này. Nói theo kiểu Chi Pu, thì từ hôm nay hãy gọi Thanh Hằng là diễn viên, và còn là danh xứng với thực. 

Mẹ chồng khởi chiếu từ ngày 1/12/2017.

Theo Kenh14.vn