Quảng Ninh quyết lập lại trật tự du lịch bằng “bàn tay sắt”

     Ngày 25/10 vừa qua, UBND Thành phố Hạ Long đã có văn bản yêu cầu 12 cơ sở kinh doanh, bán hàng phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố phải đóng cửa và dừng ngay các hoạt động vì chưa đảm bảo các tiêu chí hoạt động theo quy định của chính quyền thành phố.

12 cơ sở này bao gồm điểm mua sắm Ngọc Rồng, điểm mua sắm Hương Đường Thăng Long, cơ sở bán hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồng Tâm Hạ Long (cùng ở phường Hùng Thắng), điểm mua sắm Thủ công mỹ nghệ ở khu 3 chợ Vườn Đào, 2 điểm mua sắm Ngọc Bảo (cùng ở phường Bãi Cháy), điểm mua sắm Trung tâm thương mại Việt Hưng (phường Tuần Châu), điểm mua sắm Việt Thái, điểm bán hàng 68 của Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Quốc tế Thiên Cung và điểm bán hàng tại tổ 96 khu Đồn Điền của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Linh Chi (cùng ở phường Hà Khẩu).

Thu hút khách du lịch quốc tế, các dịch vụ tại Hạ Long luôn cần được kiểm soát để đảm bảo chất lượng

Cùng với động thái này, thành phố Hạ Long cũng lập hòm thư nóng tại địa chỉ [email protected] để tiếp nhận toàn bộ báo cáo, phản ánh, kiến nghị, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.

Trước đó, vào 31/3, thành phố Hạ Long từng dừng hoạt động toàn bộ 15 cửa hàng trên địa bàn chỉ chuyên tiếp đón khách Trung Quốc. Trong quá trình kiểm tra, các cửa hàng này bị phát hiện không đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch theo Quy chế tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành đoàn khách Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ của tỉnh Quảng Ninh.

Chỉ trước đó một ngày, vào 30/3, với sự tham dự của các ngành chức năng và Hiệp hội Du lịch, Sở Du lịch Quảng Ninh đã tổ chức họp với 30 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Móng Cái. Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đã ký cam kết không “bắt tay” với các doanh nghiệp của Trung Quốc để nhận tour dưới giá thành, cạnh tranh phá giá, gây lũng đoạn thị trường du lịch; không sử dụng hướng dẫn viên không được cấp thẻ theo quy định; hướng dẫn viên du lịch phải nghiêm túc tuân thủ những quy định nghề nghiệp, cam kết không dẫn khách du lịch tới những điểm bán hàng thiếu chất lượng, không đúng cam kết theo hợp đồng tour.

Thực tế, thời gian qua, dư luận đã nhắc tới sự xuất hiện của loại hình “tour 0 đồng” đang tồn tại ở Quảng Ninh. Chủ yếu hướng tới khách du lịch Trung Quốc, tour du lịch này không thu tiền vé, nhưng lại dành hầu hết thời gian để đưa khách vào các cửa hàng “dành riêng cho khách Trung Quốc” và bán sản phẩm chất lượng thấp với giá đắt.

Hy vọng, với quyết tâm của mình, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ sớm loại bỏ được nạn lừa đảo, bắt chẹt du khách từ những đơn vị kinh doanh lữ hành hám lợi, từ đó mang lại cái nhìn công bằng hơn về du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.

Theo Thethaovanhoa.vn