‘Phố tây’ Sài Gòn vẫn bán SIM rác, không cần chụp ảnh người mua

     SIM kích hoạt sẵn vẫn được bày bán trên nhiều cửa hàng ở vỉa hè phố tây Sài Gòn. Đây đều là những SIM 3G ngắn ngày, không yêu cầu chụp ảnh chân dung hay đăng ký thông tin.

Điểm mới từ Nghị định 49/2017/NĐ-CP yêu cầu người dùng đăng ký số điện thoại mới phải cung cấp đầy đủ thông tin về giấy tờ tùy thân, đặc biệt là “ảnh chụp chân dung chính chủ”, cùng với đó là các những tiêu chí mới nhằm “khai tử” những cửa hàng nhỏ lẻ, tự phát ở vỉa hè đang tiếp tay cho nạn SIM rác.

Tuy nhiên, dù các nhà mạng đang triển khai việc chụp ảnh các thuê bao đăng ký mới, SIM kích hoạt sẵn vẫn còn được bán nhiều nơi trên vìa hè ở TP.HCM, người dùng dễ dàng mua mà không cần bất kỳ thủ tục nào. 

'Pho tay' Sai Gon van ban SIM rac, khong can chup anh nguoi mua hinh anh 1
Một điểm bán SIM vỉa hè đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM trưa ngày 20/6. Ảnh: Duy Tín.

Dạo một vòng quanh “phố tây” Bùi Viện, quận 1, TP.HCM, người mua có thể dễ dàng bắt gặp nhiều tiệm tạp hoá bán SIM của cả ba nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone. Một số cửa hàng chuyên dịch vụ cho thuê xe máy cũng bán SIM 3G cho khách có nhu cầu. 

Theo Nguyễn Thanh Vy, nhân viên một cửa hàng ở “phố tây”, khách nước ngoài hay khách Việt đều có thể mua SIM kích hoạt sẵn nếu chỉ dùng 3G. Đây đều là những SIM có thời hạn không quá một tháng, có sẵn khoản 10 GB dung lượng 3G, giá khoảng 120.000 đồng/SIM. 

“Khách ngước ngoài họ mua và chỉ dùng khoảng vài ngày, hoặc một tuần rồi về nước nên không cần đăng ký gì cho phức tạp. Cứ trả tiền nhận SIM rồi dùng Những ai muốn dùng lâu thì tự mang SIM này ra cửa hàng của nhà mạng đăng ký lại thông tin”, nhân viên này cho biết. 

'Pho tay' Sai Gon van ban SIM rac, khong can chup anh nguoi mua hinh anh 2
Cùng với các dịch vụ thuê xe gắn máy, giặt ủi hay đặt tour, SIM 3G/4G là mặt hàng được nhiều du khách quan tâm. Họ không cần phải đăng ký thông tin vì đây đều là những SIM kích hoạt sẵn.

Khác với những cửa hàng bán SIM khuyến mãi thường thấy, SIM ở “phố tây” thường có thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ trong vòng 1 tháng kể từ ngày kích hoạt sẽ bị nhà mạng khoá dịch vụ, thu hồi số. Do đó, người kinh doanh loại SIM này phải hỏi rõ du khách xem họ ở Việt Nam trong bao nhiêu ngày, để đưa ra những chiếc SIM có hạn dùng phù hợp. 

Sau khi biết đến Nghị định 49, nhiều cửa hàng tại đây tỏ ra không mấy bận tâm. Có nơi tuy đề bảng bán SIM, nhưng bên trong không còn hàng hoặc chỉ nhập về rất ít do quy định nhà mạng ngày càng khó, đặc biệt là từ nhà mạng MobiFone. Một số SIM 4G của Viettel cũng hay bị “khoá nhầm” trước hạn sử dụng, nhưng đều được “đầu mối” (dân buôn SIM kích hoạt sẵn số lượng lớn) bù tiền, hỗ trợ đổi trả. 

Nói với Zing.vn, bà Ngọc Mai, chủ cửa hàng trên đường Phạm Ngũ Lão, việc bán SIM thực chất không lời nhiều như trước. “Khách tây giờ khó lắm, họ trả giá rất sát nên đừng mong bán được SIM với giá cao. Cửa hàng cũng chỉ nhập cầm chừng 5-10 chiếc SIM data để bán chiều khách, thu nhập chủ yếu từ cho thuê xe máy”, bà Mai chia sẻ. 

Nghị định 49/2017/NĐ-CP nêu rõ những tiêu chí mà điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cần có, bao gồm: Biển hiệu, số điện thoại, niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu; có hợp đồng uỷ quyền được doanh nghiệp viễn thông cung cấp và chứng thực; đủ trang thiết bị để nhập thông tin, số hoá giấy tờ, chụp ảnh… của các cá nhân, tổ chức.

Nói một cách đơn giản, những điểm bán nhỏ lẻ, tự phát, không do nhà mạng uỷ quyền sẽ không đủ điều kiện để bán SIM, cung cấp dịch vụ di động như trước. SIM siêu khuyến mãi, giá siêu rẻ ở vỉa hè, tiệm tạp hoá sẽ “tuyệt chủng” ( trong trường hợp nhà mạng có kế hoạch thu hồi triệt để những SIM kích hoạt sẵn còn dư trong cách kênh bán lẻ). 

Việc siết chặt các điểm giao dịch sẽ khiến các nhà mạng chỉ còn lại cửa hàng trực tiếp và các đại lý được uỷ quyền. Do đó, tình trạng quá tải có thể diễn ra nếu có nhiều thuê bao cùng đến điểm giao dịch để chụp ảnh chân dung. 

Nguồn: Zing News