Ông Hà Xuân Định và câu chuyện “Sống là phải cho đi”

     Ông Hà Xuân Định (86 tuổi, trú tại thôn Từ, Phú Xuyên, Hà Nội) bao năm nay vẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kĩ để tìm gặp và đưa hơn hai nghìn năm trăm em  khuyết tật về dạy nghề tại hợp tác xã khảm trai Ngọ Hạ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, cha mất sớm, mẹ vì quá nghèo mà bán ông đi từ khi lên 13 tuổi nên ông Định luôn có khao khát cháy bỏng là làm sao cống hiến hết sức mình để giúp đỡ những mảnh đời còn bất hạnh.

Những lúc rảnh, ông Định thường chăm sóc cây cối trong vườn

Chúng tôi tìm gặp ông Định trong một buổi chiều khi ông đang mải cuốc đất sau nhà. Năm nay đã ở cái tuổi 86 mà trông ông vẫn nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Rót ly trà xanh, ông nhâm nhi tâm sự, công việc tìm và đưa các em khuyết tật về dạy nghề tự đến với ông khá bất ngờ. Thời trẻ, ông làm việc ở Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Phú Xuyên, sau khi về hưu cũng nhàn rỗi, ngày ngày chỉ quanh quẩn với ruộng vườn.

Năm 2001, chương trình Mary Knool do tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã cam kết tài trợ cho Hợp tác xã sơn khảm Ngọ Hạ dưới hình thức đào tạo nghề miễn phí cho trẻ khuyết tật. Vốn có ý định nung nấu từ lâu nên ông đã đăng kí tham gia làm tình nguyện viên. Lúc đầu người ở tổ chức không cho ông tham gia vì lí do tuổi tác, ông già rồi còn cho đi tình nguyện lỡ có mệnh hệ gì ai lo, làng xã cũng xì xào bàn tán nói ông dở hơi, là lo chuyện bao đồng.

Ông Hà Xuân Định – người cưu mang, giúp đỡ cho hơn 2.000 trẻ em khuyết tật. Ảnh: Phạm Nga

Lúc đó, ông buồn và suy nghĩ nhiều lắm nhưng quãng thời gian khó khăn mà ông đã trải qua càng thôi thúc ông phải giúp những đứa trẻ khó khăn, gặp bất hạnh trong cuộc sống. Nghĩ là làm, ông Định đạp xe khắp huyện Phú Xuyên, thậm chí còn vượt hàng trăm cây số đến các tỉnh lân cận như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nam Định… để tìm kiếm những mảnh đời khốn khó. Gặp ai ông cũng hỏi thăm về những số phận cơ nhỡ, nhờ họ chỉ đường để tìm đến những nhà điều kiện còn khó khăn để tìm kiếm các em học sinh của mình. Để tiết kiệm tiền, ông không thuê nhà trọ, nhờ cậy toàn bộ vào lòng tốt của người dân địa phương.

Nhưng với ông đó chưa phải là điều khó khăn nhất. Ông kể thử thách lớn nhất là làm sao thuyết phục được lòng tin của người dân. Không ít người nghi ngờ ông lừa lấy con của họ đem bán nên nhất định không tin. Nhiều lần, ông phải nhờ cậy chính quyền địa phương bảo lãnh thì mới thuyết phục được.

Công việc vất vả, nay đây mai đó mà tuổi ông ngày càng cao khiến người nhà không khỏi lo lắng. Nhiều lần vợ và các con khuyên nhủ ông nên nghỉ ngơi để người khác tiếp tục nhưng ông nhất định không chịu mà vẫn kiên quyết theo đuổi, càng về sau, hiểu được niềm đam mê của ông, người thân đã đồng ý để ông được tiếp tục công việc này.

Hơn 15 năm qua, ông Định vẫn mải miết với công việc tìm kiếm của mình, đi đến đâu, tìm được cháu nào ông đều ghi chép tên tuổi, quê quán, ngày tháng nhận các cháu vào một cách cẩn thận. Không chỉ dùng lại ở việc giúp các cháu có cái nghiệp để sau này có thể tự kiếm sống, ông còn là cầu nối giúp cho trên 4 đôi bạn trẻ kết duyên trong năm vừa qua.Vì thế các em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn tại đây luôn có sự biết ơn sâu sắc và kính trọng đối với ông.

Hiểu rõ điều đó nên mỗi ngày khi tỉnh dậy ông đều tự dặn lòng phải cố gắng, cố gắng hơn nữa. Dù gia đình còn nghèo, nhưng với ông hạnh phúc của đời người chính là sức khỏe, trí tuệ và lòng nhân ái. Đó là tài sản quý giá mà ông đang cố gắng vun trồng cho những thế hệ sau.

Nguyễn Toan – Sao Style