Ninh Đức Hoàng Long “sao chép thông tin là ăn cắp chất xám và liên đới tới cả xã hội”

     Từng gây bão với video hát ngẫu hứng ca khúc Tổ Quốc Tôi (tiếng Hungary) và được báo chí nước bạn ca ngợi hết lời, anh chàng Ninh Đức Hoàng Long đã có một buổi trò chuyện rất thú vị với Saostyle về bản thân, cuộc sống và những vấn đề xoay quanh chuyện bản quyền trong thời đại số.

Ninh Đức Hoàng Long xuất hiện trên báo Hungary

Ninh Đức Hoàng Long là ai?

Ninh Đức Hoàng Long sinh năm 1991 tại Ninh Bình, là một nghệ sĩ Opera. Một trong những lưu học sinh Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học đại học tại Hung-ga-ri từ tháng 10/2013 theo diện Hiệp định giữa hai Chính phủ.

Sinh viên xuất sắc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Một trong 10 sinh viên xuất sắc của Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc và nhận được học bổng của Ngân hàng Trung Quốc trị giá 500.000ft.

Giải nhất cuộc thi thanh nhạc quốc tế năm 2016 tại Hungary

Gây bão với video hát ca khúc Tổ Quốc Tôi (tiếng Hungary) với hàng triệu lượt share.

Lý do tại sao anh lại lựa chọn chuyển hướng từ học tự nhiên sang con đường âm nhạc?

Khi học THPT, mặc dù tập trung ôn luyện khối tự nhiên nhưng mình vẫn năng nổ tham gia các hoạt động văn nghệ, hoạt động xã hội của trường và thành phố. Một cậu thanh niên mới từng ấy tuổi khó có thể nghĩ được tương lai xa xôi có thành công hay thất bại, mình lúc đó đơn giản chỉ nhận thấy hai điều. Thứ nhất, mình chẳng có chút đam mê hay bất kỳ năng khiếu gì trong ngành học tự nhiên. Thứ hai, thời của mình lúc đó phải tới 80% các bạn ôn thi khối A, còn khối N – năng khiếu cả tỉnh được vài bạn. Vì vậy mình quyết định chuyển hướng đơn giản vì không muốn theo đuổi một ngành học mình không thích và phải cạnh tranh cao, tuy nhiên đến thời điểm này mình nhận ra chính cái ngành mình “ngẫu hứng” chọn năm nào lại cạnh tranh rất rất khốc liệt. Nhưng chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ hối hận.

Nhận giấy khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary. Ảnh Trần Minh Tâm

Động lực lớn nhất của anh khi chuyển sang con đường âm nhạc là gì?

Sau khi thi đỗ vào trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, mình chỉ muốn ra trường rồi trở thành một thầy giáo dạy nhạc tại các trường THCS. Và có lẽ bước ngoặt có ảnh hưởng lớn nhất với mình không phải là chuyển từ ngành tự nhiên sang ngành âm nhạc mà là quyết định ôn thi vào Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam. Trong thời gian đó, mình có tham gia 2 năm trong dàn hợp xướng Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chuyên đi biểu diễn nhiều nơi, cùng dàn nhạc hát đệm cho các nghệ sĩ hát solo. Mỗi lần lên sân khấu là một lần mình mơ ước sẽ được đứng hát ở vị trí soloist – bên cạnh là một dàn nhạc, phía sau là một dàn hợp xướng và đằng trước là sân khấu chật kín khán giả.

May mắn là đến thời điểm này mình đã bắt đầu tiến dần đến cái đích thành công. Mình đạt được ước mơ ban đầu – được hát cùng hợp xướng và dàn nhạc, thậm chí còn được hát cùng các bạn “tây” nữa. Nhưng bạn biết đấy lòng tham của con người luôn vô đáy, nên mình sẽ tiếp tục mơ thêm nhiều điều lớn hơn nữa để chinh phục.

Gặp mặt thủ tướng Hungary

Theo anh, khó khăn lớn nhất khi phát triển sự nghiệp âm nhạc ở nước ngoài là gì?

Sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ là rào cản lớn nhất, đặc biệt ở Hungary tiếng Anh không thực sự thông dụng. Sau thời gian ngắn ngủi học tiếng, phải chuyển thẳng vào đại học để nghe giảng và giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Hung là điều khó khăn nhất với mình khi bắt đầu.

Là một người trẻ làm nghệ thuật, chắc hẳn anh cũng có rất nhiều suy nghĩ về vấn đề sao chép bản quyền trong thời đại số. Vậy anh nghĩ sao về vấn đề bản quyền tại Việt Nam?

Trong vài năm gần đây, khi có khá nhiều vụ kiện tụng vấn đề bản quyền trên mạng của Việt Nam đã được coi trọng hơn. Đặc biệt, với số lượng báo mạng “hùng hậu” như hiện nay vấn đề bản quyền lại càng quan trọng hơn nữa. Trong 1 bài trả lời phỏng vấn báo NLĐ đã có một chút sai sót trong thông tin cá nhân mình, chỉ vài tiếng sau khi phát hiện mình ngay lập tức báo lại với nhà báo để sửa bài, tuy nhiên bài báo với thông tin sai đã được nhiều báo khác đăng lại, vậy nên mình không thể sửa hết được. Việc sao chép lại thông tin của người khác sẽ vừa vi phạm vấn đề ăn cắp “chất xám”, vừa ảnh hưởng đến người xem. Nói hơi quá nhưng hệ lụy của chuyện này liên đới đến cả xã hội.

Biểu diễn tại Count down 2017

Những video nhạc của anh trên Youtube đã bao giờ bị sao chép trên mạng?

Mình cũng có thói quen hay đưa các clip cổ điển lên YouTube, video của mình cũng bị sao chép và thú thật mình cũng đã từng sao chép của người khác. Tuy nhiên chính sách bản quyền của Youtube đã thắt chặt, những video vi phạm bản quyền đều bị nhắc nhở, tài khoản cũng sẽ bị khóa nếu vi phạm lại.

Việc bản quyền ở Việt Nam chưa được “tôn trọng” xuất phát một phần vì mặt bằng dân trí thấp, anh nghĩ sao về điều này?

Mình không nghĩ thế, nguyên nhân chính theo mình là luật pháp. Khi việc vi phạm bản quyền bị xử lý và xử phạt nặng, mình nghĩ sẽ ít người dám vi phạm.

Biểu diễn Tết Đinh Dậu 2017 tại Hungary. Ảnh Trần Minh Tâm

Là một người làm âm nhạc, đâu là lý do lớn nhất để anh quan tâm đến việc bản quyền ở Việt Nam như vậy?

Ở Việt Nam mình bạn có thể mua CD lậu ở nhiều nơi, album của các nghệ sĩ phát hành hôm trước ngay hôm sau sẽ có đĩa sao chép lại với giá một phần mười. Điều này trái ngược với Hungary hay các nước phương Tây, tìm thấy được đĩa lậu, đĩa sao chép là chuyện khó như hái sao trên trời. Các nghệ sĩ nổi tiếng ở nước ngoài có nguồn thu nhập rất lớn từ doanh thu bán đĩa. Khi khán giả nước ngoài bỏ một khoản tiền không nhỏ ra mua đĩa gốc, nghệ sĩ sẽ có động lực để tiếp tục sản xuất những sản phẩm âm nhạc mới, nền âm nhạc cũng từ đó mà thêm phát triển.

Ảnh: Nguyễn Anh Tú

Trong một thời gian gần đây, vấn đề bản quyền đã được quan tâm nhiều hơn, hiện tượng băng đĩa lậu tuy vẫn còn nhưng đã giảm rất nhiều. Mình hy vọng tương lai sắp tới, các nghệ sĩ Việt có thể mạnh dạn sản xuất album mà không sợ “lỗ vốn”.

Bơ – Saostyle.vn