Những “cơn ác mộng” mà bất cứ sinh viên nào cũng phải đối mặt

     Cho dù bạn là sinh viên năm nhất “ngây thơ” hay năm cuối “cáo già” thì ắt hẳn bạn đều đã trải qua những “nỗi sợ quen thuộc” này.

  • Điểm danh

Khác với môi trường trung học, đa số kết quả học tập của sinh viên đều được đánh giá theo ba cột: chuyên cần, điểm giữa kỳ và điểm cuối kỳ. Tuy nhiên, nếu bạn “đen đủi” vắng mặt vào những buổi thầy cô điểm danh, bạn sẽ không đủ điều kiện để dự thi giữa kỳ, càng không có cơ hội thi cuối kỳ. Bởi vậy, câu hỏi “huyền thoại” mà bất cứ sinh viên nào đều từng hỏi và/hoặc từng hỏi bạn mình chính là: “Hôm nay đi học cô có điểm danh không vậy?”

  • Ác mộng thi cử

Cả kỳ học nhẹ nhàng, “bình chân như vại” đến cuối kỳ mới chạy nước rút, nhồi nhét cả tá kiến thức, đề cương luôn là một hình ảnh gắn liền với sinh viên.  Bên cạnh đó, dù đã ôn bài cẩn thận, đầy đủ nhưng một số các bạn sinh viên mắc hội chứng “sợ thi cử”, cứ vào phòng thi là hồi hộp lo lắng, thậm chí chóng mặt, khó thở… Vì thế,  theo nhiều cách khác nhau, những kỳ thi luôn là nỗi sợ muôn thuở của bất kì sinh viên nào.

  • Gánh team

Bên cạnh việc những môn học đại cương khá khô khan và “khó nhằn”, sinh viên còn phải đối mặt với cơn ác mộng bài tập nhóm. Bởi vì là bài nhóm nên không khó để bắt gặp một số đối tượng ỉ lại vào bạn làm chung hay nộp bài cho có, trình bày lộn xộn, nội dung thiếu sót, sai lung tung. Vì vậy, để cứu lấy điểm số của mình, những “con ong chăm chỉ” lại trải qua hàng đêm thức khuya “gánh team”. Dần dà, việc làm bài nhóm với những bạn sinh viên ấy trở thành một nỗi sợ khi mình phải “nai lưng” làm rất nhiều trong khi điểm số cũng chỉ bằng những bạn chẳng làm gì cả.

  • Sau này mình làm gì ?

Ác mộng của việc thất nghiệp và mất dần ý chí tuổi trẻ luôn là một cơn ác mộng đáng sợ của rất nhiều sinh viên. Đây là một nỗi sợ hãi thực sự phổ biến của sinh viên mới vào trường. Trong khi bạn chẳng hề biết gì về nghề nghiệp mà mình sẽ làm trong tương lai, bạn sẽ có rất nhiều thời gian để tìm hiểu và phát hiện khả năng, sở trường của mình và lựa chọn một nghề nghiệp trong tương lai. Còn với sinh viên năm cuối, bằng đại học thôi nhiều khi vẫn chưa đủ để “lọt vào mắt xanh” của các nhà tuyển dụng. Những câu chuyện thất nghiệp, làm việc trái nghề trải dài trên khắp các mặt báo và các phương tiện truyền thông, khiến những sinh viên luôn trong tình trạng lo lắng, không biết tương lai mình sẽ đi đâu, về đâu. 

Tuy nhiên dù khó khăn thế nào, khi ra trường, mỗi người cũng đều sẽ nhìn lại và thấy được “thanh xuân” của mình. Và rồi những “cơn ác mộng” ngày nào sẽ trở thành những kỷ niệm khó quên, những tấm huy chương cho một thời “huy hoàng” của tuổi trẻ.

Thùy Dương – Saostyle.vn