Nhà văn Bỉnh Khôi: Thành công nhờ học trái ngành

Gặt hái được không ít thành công ở tuổi đời còn rất trẻ, nhà văn Bỉnh Khôi cho biết một trong những nguyên nhân giúp mình thành công chính là việc học trái ngành.

Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Ngữ văn năm 24 tuổi, là cựu sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM, sở hữu công ty quảng cáo riêng chuyên hỗ trợ tư vấn truyền thông cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng trong nước như Sendo, Gapo, Thế giới di động, Ofood,… Lại là tác giả của tập truyện “”Những chuyến tàu mùa hè”” vừa được tái bản cuối năm 2020 với hơn 500 quyển được xuất sang Nhật Bản, gặt hái được rất nhiều thành công ở tuổi đời còn rất trẻ, tác giả Bỉnh Khôi chia sẻ: “Tất cả đến từ việc học trái ngành”.

Nhà văn Bỉnh Khôi – Tác giả của quyển sách “Những chuyến tàu mùa hè”

Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ Văn tại trường Đại học Sư Phạm TPHCM, khoá K36, năm 2014. Sau khi tốt nghiệp hơn 50% bạn bè cùng lớp với tôi đều xuất ngoại hoặc chọn theo đuổi công việc nhà giáo, phù hợp với những kiến thức các bạn đã học ở trường. Riêng tôi đã chọn làm việc trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo. Năm đó khi vừa học xong tôi cũng dự định sẽ đi dạy nhưng thời điểm ấy vài người bạn bảo với tôi rằng muốn vào được biên chế phải mất một số tiền. Vì nhà quá nghèo nên tôi đã bảo với bố mẹ mình không đi dạy nữa, rồi quyết định xin vào làm việc tại một hãng phim truyền hình Việt.Chào Bỉnh Khôi, bạn có thể nói rõ hơn bạn đã học ngành gì và quá trình làm việc sau gần 10 năm ra trường của bạn ra sao không?

Cơ duyên nào đã đưa một đứa ngoại bang như bạn vào làm việc tại một hãng phim truyền hình chứ không phải là một trường tư thục chẳng hạn?

Lúc đó tôi đã chạy khắp nơi để xin việc, qua lời giới thiệu của một người thầy tôi biết đến tin tuyển dụng của một hãng phim rồi làm liều chạy đến nộp hồ sơ xin việc thôi. Tôi rải nhiều hồ sơ lắm, tôi nghĩ lạc quan trong tâm thế của một bạn sinh viên mới ra trường rằng trong 100 nơi mà mình nộp chẳng lẽ không ai gọi mình hay sao. Nhưng cuối cùng đúng là không có công ty truyền thông nào gọi tôi phỏng vấn cả, thay vào đó là những nơi cần nhân viên làm thời vụ hoặc buôn bán nhà đất, mà đó thì không phải công việc tôi yêu thích. Trong lúc cùng cực đó tôi nhận được lời giới thiệu từ thầy tôi về một cuộc phỏng vấn tại hãng phim truyền hình của người quen.

Theo như lời bạn kể thì mình mình học trường Sư Phạm, vậy lí do gì để hãng phim này tuyển dụng bạn?

Nghe bảo người quen của thầy nhưng khi tôi đến nhân sự đã phỏng vấn tôi rất nhiều bởi vì người ta trả lương cho bạn thì phải biết bạn làm được việc gì chứ. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn từ lúc nhận việc cho đến quá trình làm việc tại hãng phim. Tôi nhớ lúc đó một chị giám đốc sản xuất đã hỏi tôi: “Em biết viết kịch bản không?”, “Em biết chạy quảng cáo Facebook không?”, “Em biết viết thông cáo báo chí không?”,… Lúc đó tôi lo lắng và hụt hẫng bảo rằng mình không biết bất cứ điều gì cả, kể cả kiến thức cơ bản về phim ảnh. Nhưng tôi bảo rằng tôi muốn học hỏi và có thể làm thử việc với chị trong vòng một tháng không lương, thế là tôi được cho cơ hội thử sức. Và trong vòng một tháng đầu tiên ngoài việc học cách viết bài quảng cáo, tôi còn xung phong lăng xả ngoài phim trường để chụp ảnh, quay các video hậu trường, tạo các chiến dịch viral ở quy mô vừa và nhỏ, trong hết khả năng của tôi cho các bộ phim của công ty.

Bạn có thể chia sẻ rõ hơn về những khó khăn trên con đường “biến hoá” để thích nghi từ một người học trái ngành hay không?

Tôi làm tại hãng phim truyền hình này chưa đầy hai tháng đã được thông báo kí hợp đồng chính thức. Như tôi kể trên, lúc đó dù kiến thức không có nhưng tôi luôn cố gắng học hỏi, tích góp mỗi ngày và luôn sẵn sàng nhận việc mới khi được giao. Sau này tôi nhận ra cuộc sống rất công bằng, chỉ cần bạn nỗ lực hết mình thì sẽ có người nhìn thấy và giúp đỡ bạn. Tôi rất thích một câu nói trong truyện Nhà Giả Kim: “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó”. Dù không có kiến thức nhưng tôi thừa nhận mình rất đam mê ngành truyền thông, tôi có thể dành rất nhiều thời gian cuối tuần để đến thư viện đọc sách chuyên ngành về truyền thông hoặc tìm cơ hội gặp gỡ các anh chị đang làm trong nghề để học hỏi. Chính những kinh nghiệm từ sách vở và người quen giúp tôi dần được sếp tin tưởng hơn. Năm 2015 tôi rời hãng phim truyền hình khi nhận được lời mời từ một chị quản lí truyền thông cho một công ty quảng cáo đa ngành nghề. Lí do tôi được chọn vì chị vô tình đọc được những bài viết của tôi về phim ảnh trên trang quảng cáo của hãng phim. Tại đây tôi lại phải tiếp tục đối diện với nhiều thử thách. Vì là một công ty truyền thông đa ngành nghề như tôi nói trên nên ngoài việc làm truyền thông cho phim ảnh, tôi còn phải học thêm các kiến thức về thời trang, làm đẹp, bất động sản,… để có thể làm truyền thông cho các thương hiệu nổi tiếng trong nước, cũng là tập khách hàng của công ty như Công Trí, Lâm Gia Khang, Tuần lễ thời trang quốc tế việt Nam; Các dự án makerting cho những thương hiệu như P/S, TRESemmé, Innisfree,… Tôi nhớ có những đêm tôi đã nằm gục khóc trên bàn làm việc của công ty khi các thông cáo báo chí của mình bị sếp gạch đỏ, sửa chi chít từng câu từng chữ cùng những lời phàn nàn dày đặc. Có thời điểm tôi còn chán nản và áp lực đến mức xin nghỉ việc bởi vì kiến thức chuyên môn không có, ngoại ngữ thì dốt nên dẫn đến làm việc không hiệu quả. Thậm chí về cách ăn mặc giao tiếp của tôi cũng không phù hợp với môi trường giải trí, truyền thông.

Lỗi lớn nhất mà bạn đã phạm phải trong lúc loay hoay vừa học vừa làm là gì?

Lỗi lớn nhất mà tôi từng phạm phải đó là một lần được cử nhiệm vụ đến phỏng vấn một nhạc sĩ nổi tiếng trong nước, trong bài viết của mình tôi đã ghi thông tin không chính xác phát ngôn của nhạc sĩ đó, đó là một sự kém chuyên nghiệp và vi phạm quy tắc làm việc của báo chí. Sau đó tôi đã bị phàn nàn và phải đi năn nỉ từng phóng viên gỡ bài viết của mình. May mắn vì thấy tôi đã nỗ lực sửa sai nên sếp vẫn không đuổi việc. Sau sự việc đó, khi gặp các khách hàng cần phỏng vấn để đi bài thì sếp luôn cử tôi đại diện để làm. Điều đó giúp tôi nhận ra khi bạn nhìn rõ lỗi lầm và nỗ lực sửa sai thì bạn vẫn còn cơ hội.

Có quá nhiều khó khăn, vậy điều gì đã giữ chân bạn ở lại?

Tôi nghĩ đó là đam mê. Dù công việc ở agency rất cực, mỗi ngày có khi tôi làm việc đến 1-2 giờ sáng là bình thường, rồi đi làm cả cuối tuần. Nhưng điều tôi thấy sướng nhất là sau mỗi chương trình, mỗi sự kiện tôi lại có thêm nhiều bạn bè mới, nhiều kĩ năng mới, nhiều bài học mới. Cũng chính những người bạn đó đã giúp đỡ và giới thiệu khách hàng cho tôi khi sau này tôi mở công ty riêng. Đặc biệt sau quá trình học hỏi, khi kiến thức vững hơn tôi cảm thấy mình có giá trị hơn. Chỉ trong vòng một năm tôi được tăng lương đến ba lần sau mỗi sự kiện lớn của công ty. Mà tăng lương không phải vì tôi giỏi nhất, mà vì tôi tiến bộ nhanh. Cảm giác được đứng trên sân khấu nhận phần thưởng nhân viên xuất sắc của năm làm tôi cảm thấy vô cùng tự hào.

Điều gì thôi thúc bạn nghỉ làm và chuyển sang kinh doanh riêng?

Đó là sở thích và nhu cầu muốn hoàn thiện bản thân. Tôi là kiểu người có rất nhiều sở thích và đam mê. Tôi vừa thích vẽ tranh, đàn hát, sáng tác văn chương lại thích buôn bán quần áo đẹp,… Mà đi làm văn phòng mỗi ngày phải dành gần như 8 tiếng ở công ty khiến tôi không có thời gian làm những việc mình yêu thích. Nên tôi đã chọn nghỉ việc để kinh doanh riêng những cái mà tôi thích. Dù lúc đó tôi đã có kinh nghiệm làm việc ở rất nhiều công ty nổi bật với mức lương tốt như Yeah1, Zalo, Sendo,… Bên cạnh đó tôi cảm thấy mình đã học trái ngành nên mình phải dành nhiều thời gian đi học thêm nữa nếu muốn đi thật xa trong lĩnh vực truyền thông. Việc kinh doanh riêng cho tôi thời gian để đi học ngoại ngữ, các khoá học ngắn hạn về Digital Makerting chẳng hạn,…

Qua lời bạn kể thì bạn vẫn đang trong quá trình khởi nghiệp, mà lại ngay thời điểm mùa dịch Covid-19 vừa qua, chắc hẳn cũng phải có nhiều khó khăn?

Đúng là có nhiều khó khăn khi không ít khách hàng thân thiết của tôi đã cắt hẳn ngân sách makerting hoặc công ty bị giải thể. Tuy nhiên cũng có nhiều hi vọng, mùa dịch mọi người ở nhà thì các nhãn hàng chuyển sang hướng makerting online. Nhìn chung có khó khăn nhưng cũng có nhiều hi vọng để tôi tiếp tục.

Một ngày cơ bản của bạn thế nào?

Nói một cách chân thành từ lúc làm kinh doanh riêng tôi dành khoảng 50% thời gian trong ngày cho việc học. Sáng tôi dậy sớm check E-mail, giải quyết công việc xong. Sau khi công việc tạm ổn tôi chuyển giao cho các bạn nhân viên hỗ trợ, tôi chỉ xuất hiện khi có việc gấp. Thời gian còn lại của mình tôi đến lớp học tiếng Anh rồi cả tiếng Hoa nữa. Bên cạnh đó là các lớp học bổ sung kiến thức về truyền thông như tôi nói trên.

Vậy tóm lại bạn nghĩ việc học trái ngành là một bất lợi hay một điều vô cùng ích lợi?

Tôi không bảo rằng việc học ngành này rồi ra trường làm một ngành khác là nên hay là không nên, hoặc may mắn hay là không may mắn. Tuy nhiên nếu như chúng ta đã lỡ lựa chọn sai ngành học thì cũng không có vấn đề gì cả. Chỉ cần bạn nỗ lực hết mình thì bạn vẫn có thể thành công. Việc học trái ngành bắt buộc tôi phải nỗ lực nếu không muốn thua kém, nó đưa ra cho bản thân tôi một thách thức rất lớn, đó là tôi phải chinh phục nhiều thứ mà tôi chưa bao giờ biết. Nhưng khi đã vượt qua rồi, nhìn lại tôi thấy mình có được rất nhiều kiến thức và kĩ năng mới. Lắm lúc tôi nghĩ nếu như ngày xưa tôi học đúng chuyên ngành quảng cáo, truyền thông để đi làm đúng công việc này thì quá may mắn và dễ dàng rồi, nhưng việc trải qua những thử thách đã rèn luyện cho tôi nhiều kĩ năng sống, cũng như khả năng vượt lên ý chí để làm những điều mà mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được. Và cảm giác chinh phục thì rất thú vị. Từ khoá mà tôi nghĩ đến trong suốt quá trình gần 10 năm sau tốt nghiệp và đi làm của mình là: “Đam mê”, không quan trọng bạn học ngành nào, chỉ cần bạn có đam mê và tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi thì bạn sẽ có thể chạm tay vào giấc mơ của mình.