Với tâm niệm sưu tầm những kỉ vật đã gắn liền với cuộc đời của người lính, của đồng đội trong chiến đấu, cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã bỏ hơn 20 năm đi tìm và xây dựng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Đây là nơi trưng bày nhiều hiện vật quí giá và là nơi để các cựu chiến binh từng chung chiến đấu gặp gỡ, cùng ôn lại những ngày tháng của một thời khói lửa.
Nhập ngũ từ năm 18 tuổi, những năm tháng tuổi trẻ chiến đấu tại chiến trường đã để lại trong ông Hiệp nhiều kí ức vui, buồn. Hơn 20 năm sau khi trở về với đời thường, nhưng những kỉ niệm về một thời máu lửa, về đồng đội luôn hiện hữu trong đầu người cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp. Với ý định lưu giữ những kỉ vật, hình ảnh trong chiến đấu và đời sống sinh hoạt của mình và những đồng đội chiến đấu tại Mặt trận Trị Thiên đã thôi thúc ông tìm kiếm và lập nên Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Bảo tàng được xây dựng vào năm 2011. Đến nay, bộ sưu tập trong bảo tàng đã có hơn 1000 hiện vật bao gồm: bom, đạn, máy phát điện, bộ đàm liên lạc, vỏ máy bay, đồ dùng sinh hoạt của bộ đội ta cũng như của lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên,…và rất nhiều bức ảnh về những người lính, đồng đội và những trận chiến ác liệt diễn ra trên mặt trận Trị Thiên. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh này cũng được đặt tại chính ngôi nhà đang ở của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp.
Theo ông Hiệp công việc ông làm chỉ đơn giản xuất phát từ cái tâm, là sự tri ân đồng đội, những người đã hi sinh trong chiến trường năm xưa. Ông Hiêp tâm sự, thời gian đầu khi ông mới bắt đầu sưu tầm thì kinh tế gia đình còn khó khăn, ông phải cố gắng tận dụng thu thập những hiện vật, ảnh,… từ đồng đội, hay từ những chuyến đi về thăm lại chiến trường xưa. Nhớ lại những lần để mất kỉ vật vì hoàn cảnh đi lại và đức tính tin người, ông Hiệp không khỏi áy náy với đồng đội và tiết nuối với bản thân.
Mỗi đêm nằm ngủ, giấc mơ đồng đội thúc giục ông đi tìm kỉ vật lại tìm về, nó tiếp thêm động lực, động viên ông trong công việc tìm kiếm. Vì thế, cứ ở đâu nghe có kỉ vật chiến tranh, ông đều đến tìm đến. Mỗi năm, ông đều tổ chức 4-5 chuyến đi lặn lội vào Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,…vừa để thắp hương cho các đồng đội đang yên nghỉ tại nghĩa trang, vừa sưu tầm thêm hiện vật.
Công việc khác người nên nhiều lần ông Hiệp bị người đời chê cười là “hâm, dở, phí tiền đi tìm những cái người ta bỏ đi” nhưng may mắn có người bạn đời là bà Phan Hồng Liên hết lòng ủng hộ. Mỗi lần ông đi, bà đều chuẩn bị đồ dùng, tài chính chu đáo. Ngay bản thân bà cũng ủng hộ công việc của ông Hiệp đang làm. Theo bà Liên, đây là công việc nhiều ý nghĩa, bởi con người phải có sông có cội, phải uống nước nhớ nguồn. Giờ mình được sống trong hòa bình là nhờ những người hi sinh, vì vậy mình phải gìn giữ, tôn trọng quá khứ.
Nguyễn Toan – Sao Style