Bạn đã từng bao giờ ước mơ trở thành người lớn như bao đứa trẻ khác? Một ước mơ bình thường của mọi trẻ con, nhưng cũng có lúc thật tàn nhẫn… Đó là những gì đã diễn ra trong bộ phim “Vanishing Time” của nam diễn viên Kang Dong Won.
Tháng 11/2016, trước khi bom tấn Ông Trùm (Master) của Lee Byung Hun, Kang Dong Won và Kim Woo Bin công phá phòng vé thì chàng tài tử kín tiếng họ Kang đã giới thiệu đến người hâm một một tác phẩm đầy chất thơ cùng một nỗi buồn mang mác – Vanishing Time: A Boy Who Rerurned (tạm dịch: Thời Gian Biến Mất).
Soo Rin (Shin Eun Soo) là một đứa trẻ mồ côi, sống với bố dượng. Do lí do công tác mà hai người phải chuyển đến một hòn đảo. Vốn là một cô bé khép kín và tin vào những chuyện kì bí nên Soo Rin không có bạn bè ở trường. Cho đến khi cô bé gặp được Seung Min (Lee Hyo Je), một cậu bé bị cha đưa đến cô nhi viện. Đồng cảm vì hoàn cảnh, Soo Rin chia sẻ với Seung Min trang blog bí mật nơi cất giấu những điều không biết tỏ cùng ai. Còn Seung Min với một sự lạc quan và niềm tin vào mọi chuyện đã trở thành tia sáng trong cuộc sống tối tăm của Soo Rin.
Một ngày nọ, theo lời rủ rê của nhóm bạn mà Seung Min và Soo Rin đi vào rừng, nơi người ta đang đặt thuốc nổ thi công. Tại đây, bọn nhỏ gặp một chuyện kì lạ. Hôm sau, người được cứu sống duy nhất là Soo Rin. Vài ngày sau đó, một anh chàng lạ mặt (Kang Dong Won) xuất hiện trước mặt Soo Rin và bảo mình là Seung Min-đã-lớn. Mọi người trong làng cùng bố mẹ những đứa trẻ khác đều cho rằng chính người đàn ông ấy là kẻ bắt cóc và Soo Rin đang che giấu cho hắn ta.
Với chủ đề kì ảo lồng trong một câu chuyện “vĩ mô” về tình bạn, sự tin tưởng và thời gian, bộ phim đã gặp những khó khăn trong phần đầu khi khán giả chưa thể tập trung vào mạch truyện. Phim mở đầu hơi dài dòng khi mô tả về Soo Rin và Seung Min, dù điều này là cần thiết. Nhưng do những sắp đặt về tình tiết cũng như đường dây cảm xúc của mối quan hệ này chưa đủ mạnh nên hơi nhàm chán. Phải đến khi những bí ẩn xảy ra thì khán giả mới bắt đầu tò mò, sau đó thì đạo diễn mới bám được vào mạch phim chắc chắn hơn, thuyết phục khán giả hơn vào một câu chuyện nghiêng về xúc cảm.
Nhưng dựng phim cũng chính là điểm yếu duy nhất trong Thời Gian Biến Mất. Việc dùng cách mở đầu là lời thuật lại của nhân vật chính Soo Rin cùng những hình ảnh đám đông xôn xao dễ khiến khán giả tưởng nhầm đây là một bộ phim hình sự hoặc đề tài xã hội. Vì thế, sẽ không tránh khỏi việc cảm thấy đuối khi về sau phần “điều tra” không được nhấn mạnh.
Linh hồn của bộ phim này không phải những ồn ào của cuộc điều tra hay lí giải những bí ẩn. Mà là những khái niệm rất lãng mạn về ước mơ của trẻ con, về những lời hứa, sự tin tưởng mà càng đến cuối phim nó càng chín muồi. Ngày còn nhỏ, bạn đã bao giờ mơ ước trở thành người lớn thật nhanh? Hoặc ước có bảo bối thần kì của Doraemon để thời gian xung quanh ngưng lại và mình chính là “bá chủ thế giới”, muốn làm gì cũng được? Hay đơn giản hơn nữa là ước mơ sau này lớn lên sẽ cao trên 1m8, kiếm thật nhiều tiền để sống thật an nhàn?
Chắc chắn là có! Và những ước mơ này được đưa vào Thời Gian Biến Mất theo một cách vừa kì ảo mà cũng rất hiện thực. Bộ phim sẽ thỏa mãn những ước mơ đó cho bạn bằng những tình tiết mà chúng ta hay tưởng tượng: khi mọi người đều đứng yên và chúng ta sẽ thỏa thích tung hoành đường phố, tự do lấy đồ trong cửa hàng hay thậm chí là “xin” của người khác vài tờ tiền phòng thân, trẻ con mà!
Nhưng mộng mơ chưa bao lâu thì những hệ lụy của việc này nhanh chóng được đạo diễn phơi bày. Đó chính là sự cô độc, sự mông lung trong tất cả mọi thứ khi chẳng biết chuyện này chừng nào mới chấm dứt, sự mệt mỏi đến cùng cực khi mỗi ngày chỉ biết đếm thời gian trôi qua giữa một thế giới thinh lặng. Kinh khủng hơn khi trong cái không gian mơ ước đó bắt đầu xuất hiện những cái chết, những sự gục ngã gặm nhấm bản thân qua từng ngày dù mình đã thực sự trở thành một-người-lớn.
Hệ thống ngôn ngữ kí hiệu chỉ riêng 2 người hiểu do Soo Rin sáng tạo là một chi tiết thú vị trong phim
Làm người lớn! Nhưng không phải một-kẻ-trưởng-thành. Càng khó khăn hơn khi tưởng như đã chạm đến tận cùng sự tuyệt vọng và được giải thoát thì mở mắt ra phải trở về với cuộc sống của một tên tội đồ. Khi thời gian bị cướp mất và chẳng ai nhận ra bạn nếu không có một niềm tin. Biên kịch vô cùng tài tình khi xây dựng hình tượng hai nhân vật chính ở thế đối lập: Soo Rin trong hình hài bé gái 14 tuổi nhưng luôn chững chạc, còn Seung Min là một kẻ trưởng thành nhưng thực chất vẫn là một đứa trẻ. Sự đối lập về hình thể và cách diễn đạt khiến cho tuyến tính trong đường dây tình cảm tăng dần về sau. Shin Eun Soo đã vượt qua hơn 300 bạn diễn đồng lứa để giành được vai này, và cô bé đã chứng minh mình xứng đáng với nội lực diễn xuất được bung tỏa đồng đều.
Kang Dong Won, trai đẹp đã đóng trên dưới 20 bộ phim với khả năng được công chúng thừa nhận, hóa thân vào vai cậu bé to xác vô cùng thuyết phục. Ánh mắt e sợ cả thế giới, sự ngập ngừng khi phải đối mặt với cô bạn thân hay nỗi bất lực gửi vào tiếng gào thét trong những tháng ngày cô độc đều được Kang Dong Won thể hiện xuất sắc. Chẳng cần những câu thoại để chứng minh mình là đứa nhỏ bị “nuốt mất thời gian”, Kang Dong Won cho khán giả thấy một Seung Min chơ vơ giữa thế giới bằng khả năng nhập vai tự nhiên. Đặc biệt là những cảnh cả hai chìm trong không gian riêng ở căn nhà gỗ bỏ hoang, thần thái của Kang Dong Won y hệt một đứa trẻ ngây thơ đang hạnh phúc bên cô bạn gái.
“Loveline” (đường dây tình cảm) trong phim này nếu không khéo sẽ dễ khiến người xem có “ác cảm” do chênh lệch tuổi tác. Nhưng đạo diễn Uhm Tae Hwa khá khéo léo khi “kiềm” được sự bay bổng của hai nhân vật chính, khiến cho cảm xúc giữa cả hai chỉ dừng lại ở cảm thông và che chở. Seung Min lúc nhỏ đã cho Soo Rin một điểm tựa, và ngược lại Soo Rin chính là người chở che cho Seung Min to xác đang bị người đời truy đuổi. Những ý tình gợi lên giữa họ rất nhẹ, chảy len lỏi qua những ánh mắt, nụ cười, quyển nhật kí bí mật chứ không phải là những lời hoa mỹ hay nụ hôn nồng cháy nào cả. Do đó mà dù đoạn cuối hơi nhiều nước mắt nhưng lại tạo ra nỗi buồn man mác về tình bạn thay vì những dang dở nặng nề của tình yêu. Còn kết thúc có hậu hay không thì tùy ở cách mỗi người cảm nhận, bởi vì trong mọi mối quan hệ thì “hội ngộ” luôn là điều quý giá. Chỉ cần nhận ra nhau thì chẳng rào cản nào trở nên khó khăn.
Bên cạnh tương tác giữa hai nhân vật chính thì sự thay đổi trong quan hệ của Soo Rin và người bố sau cũng quan trọng. Đó là những sự nghi kị của trẻ con hay đôi khi là sự tức giận của người lớn, nhưng chỉ cần chân thành thì sẽ có ngày đơm trái. Dù “đoạn kết” của mối quan hệ này hoàn toàn có thể đoán trước nhưng cách nó thay đổi rất tự nhiên.
Song, một thứ gia trị khác chính là “niềm tin” của mỗi người trong xã hội. Ý đồ này được diễn giải bằng câu chuyện nhóm trẻ em bị mất tích, sự phẫn nộ của các bậc phụ huynh để lên án định kiến của con người. Những thứ bất định hình này chính là “vai phản diện” của bộ phim, cũng chính là vai phản diện của cuộc đời mỗi chúng ta. Đề nghị của cảnh sát trưởng dành cho Soo Rin ở cuối phim chính là chi tiết thấm thía nhất khi nói về sự định kiến, đó là đôi khi lòng tin nên được tạo ra từ những lời nói dối.
Tuy nhiên, điểm cộng lớn nhất của bộ phim lại chính là hình ảnh, những “concept art” rất ấn tượng. Đặc biệt là phân đoạn khi Seung Min kể lại quãng thời gian biến mất của mình. Sự dàn dựng chi tiết kết hợp với kĩ xảo cùng những ý tưởng cực kì “thơ” đã tạo cho bộ phim này một vẻ đẹp đặc biệt. Phân cảnh ấn tượng nhất phải kế đến khi hai đứa nhỏ cột xác của cậu bạn vào sợi dây rồi kéo bay trên trời như quả bóng khiến cho nỗi đau lúc đó vừa buồn mà vừa đẹp lại rất thơ. Cách mà đạo diễn “focus” vào những giọt nước – thứ vật chất khiến ta dễ dàng nhận ra sự ngưng lại của thời gian nhất – cũng tạo ra được cảm giác nghèn nghẹn. Cảnh Soo Rin và Seung Min ngồi ở căn nhà gỗ hay lúc Soo Rin đứng trước con sóng bạc đầu, khi Seung Min nhảy xuống biển, v.v… tất cả đều đẹp như những bức tranh nghệ thuật.
Vì thế mà dù hơi yếu ở mạch phim nhưng “Thời Gian Biến Mất” lại đầy đặn về mỹ thuật và tâm hồn. Một bộ phim đẹp như thơ, buồn như mây trời nhưng cũng ấm áp như gió lùa qua tóc.
Nguồn: Trí thức trẻ