Nghề báo – Nhặt kiếm lên và đi vào rừng thẳm

     Không phải ngẫu nhiên mà nghề báo lại trở thành một trong những nghề hiếm hoi được chọn một ngày kỷ niệm hàng năm: Ngày Nhà báo Việt Nam 21/6. Có lẽ đó là ngày cả Việt Nam cảm ơn những con người chọn cây bút làm vũ khí chiến đấu vì xã hội, trong vất vả thử thách vẫn một  lòng hướng về sự thật.  

Khi thử thách và hiểm nguy chọn bạn làm kẻ đương đầu…

Nhà báo Thanh Hương của báo Bảo hiểm xã hội đã chia sẻ về sự khác biệt hoàn toàn giữa nghề báo trong tưởng tưởng thời sinh viên và khi vào đấu trường thực sự.

“Hồi ấy, tôi nghĩ nghề báo chỉ đơn giản là được đi nhiều rồi viết những gì tai nghe mắt thấy từ thực tế. Nhưng qua thời gian, tôi nhận ra rằng, làm báo vất vả thật. Vất vả đâu chỉ bởi phải đi tác nghiệp bất kể nắng mưa hay những hôm viết bài tới 1 đến 2 giờ sáng mà còn là không ít lần phải chạy ngược, chạy xuôi “săn” tin mà khi về nhà mệt nhoài vẫn không được việc.”

Nhà báo luôn phải đối mặt với nguy hiểm

Nhưng vất vả thôi chưa đủ, làm báo nghĩa là đối mặt với nguy hiểm bất cứ lúc nào. Chị Hương kể lại lần đi tác nghiệp đầu tiên ở bãi sông Hồng, khi một mình len lỏi qua con đường đất hẹp, đi qua những nhóm người đang túm năm tụm ba ở một vài góc khuất để thỏa mãn cơn “thèm thuốc”.

Ở bất cứ đâu chứ không riêng gì Việt Nam, nhà báo cũng là một nghề“chơi với lửa”. Dublin những năm giữa thập niên 90 là thời kỳ lộng hành của nhiều băng đảng tội phạm. Veronica Guerin, nữ nhà báo người Ailen, đã khám phá ra tội ác của những tên trùm ma tuý, nhưng cô đã bị chúng sát hại.

Thử thách nở hoa thành niềm tự hào

Tuy nhiên, nếu ai cũng sợ những rủi ro và nguy hiểm mà nghề báo mang lại thì những sự thật, những góc khuất của xã hội nữa đã chẳng còn được phơi bày nữa. Gạt khó khăn sang một bên, nói một cách công bằng, làm báo mang lại cho con người những trải nghiệm đáng quý không phải ai cũng có được.

Hầu hết sinh viên báo chí, khi được hỏi lý do chọn nghề này đều trả lời rằng vì muốn được đi đây đi đó, tiếp xúc với nhiều người. Không phải ai cũng được có mặt ở Trường Sa đầu sóng ngọn gió, trực tiếp tìm hiểu về cuộc sống của các chiến sĩ hải quân mà không phải qua màn hình TV. Không phải ai cũng được tiếp xúc với nhân vật nhanh nhất khi có bất kỳ sự kiện nóng hổi nào xảy ra.

Bên cạnh những trải nghiệm, nghề báo còn giúp con người được tự do sáng tạo. “Là một phóng viên văn hóa nghệ thuật, đã từng có thời gian cộng tác, làm việc với những nghệ sĩ Điện ảnh, tôi lại càng hiểu hơn về tình yêu nghề, sự say mê sáng tạo, tâm huyết và cố gắng của họ. Phản ánh một sự việc dưới 2 góc nhìn, tôi nghĩ nó cần thiết với bản thân tôi khi là một phóng viên văn hóa – văn nghệ.” Biên tập viên Vũ Ly Ly của VTV chia sẻ.

Nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa

Nhặt kiếm lên và đi vào rừng thẳm

Đã có không ít những nhà báo, phóng viên phải bỏ nghề vì gia đình, vì áp lực công việc hoặc không chịu được những hiểm nguy mà nghề mang lại. Nói dẫu sao thì làm báo cũng là một công việc đầy cám dỗ, rất dễ khiến con người ta sa chân vào con đường sai trái.

Ngòi bút chính là vũ khí của nhà báo

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, bên cạnh báo giấy, chúng ta còn báo mạng. Bên cạnh những trang tin truyền thống, chúng ta còn vô vàn báo “lá cải” mọc lên. Trong khi những nhà báo chân chính vất vả chạy ngược chạy xuôi để tiếp cận sự thật, phơi bày một góc khuất xã hội nào đó, thì có rất nhiều “nhà báo” chỉ cần ngồi nhà xào nấu thông tin, thêm thắt câu từ để đăng tải và nhận nhuận bút. Giữa bối cảnh ấy, làm sao để các nhà báo giữ được lương tâm nghề nghiệp đã là chuyện khó, làm sao để họ không bỏ cuộc vì những bất công quanh mình còn khó hơn.

Nhìn chung, nghề báo không dành cho người thiếu sự bản lĩnh và gan dạ, và quan trọng hơn là phải có đam mê. Dù rằng báo chí Việt Nam hiện nay đang ở “thời loạn”, nhưng tin rằng vẫn có những nhà báo trẻ dám nhặt kiếm lên và bước vào rừng thẳm, dám dùng câu chữ bảo vệ sự thật và quyết tâm một ngày thay đổi cục diện báo chí nước nhà.

Hải Anh – Sao Style