Theo thống kê của Wearesocial, tính đến tháng 6 năm 2015, Việt Nam đứng thứ 22 thế giới với 31,1% số người sử dụng các trang mạng xã hội và mức độ truy cập mỗi ngày là 3,1 giờ. Nhưng trong số này, có bao nhiêu người làm thiện nguyện đúng mục đích hay lại biến từ thiện thành phương tiện để lừa đảo kiếm tiền thông qua các trang mạng xã hội?
Sức ảnh hưởng của mạng xã hội tới cuộc sống chúng ta là điều không cần phải bàn cãi. Việc truy cập vào các trang mạng xã hội mỗi ngày như: Facebook, Twitter, Youtube lâu dần đã trở thành thói quen của rất nhiều người.
Khi thiện nguyện được sử dụng đúng mục đích trên mạng xã hội
Phải thừa nhận rằng, nhờ có mạng xã hội mà các chương trình thiện nguyện đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn, thông tin về các sự kiện này cũng dễ dàng đến với công chúng. Đơn cử là việc giúp đỡ các trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Rất nhiều những bác sĩ đã lên tận nơi để chữa bệnh cho các em, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ tiền bạc để các em được đến trường. Hay như chương trình “Thiện nhân và những người bạn” nhiều năm qua đã được công chúng biết đến rộng rãi nhờ có mạng xã hội. Sự kiện đấu giá tranh từ thiện gây quỹ cho chương trình này là một ví dụ điển hình. Các nhà hảo tâm có thể không cần tới trực tiếp sự kiện mà vẫn tham gia đấu giá bằng hình thức online. Chính vì vậy, buổi đấu giá đã thu hút được nhiều nhà hảo tâm bởi sự thuận tiện, nhanh chóng trong cách thức gây quỹ. Từ đó cho thấy, mạng xã hội là một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho công tác từ thiện ngày nay.
Khi công tác thiện nguyện bị biến thành công cụ kiếm tiền trên mạng xã hội
Nhưng nếu nói rằng nhờ có mạng xã hội mà các chương trình, các sự kiện thiện nguyện đang diễn ra đúng mục đích thì chưa hẳn đã đúng. Nhắc tới điều này, nhiều người có thể nhớ ngay tới câu chuyện của báo Dân Trí.
Trong số báo ra ngày 11/11/2015, ở chuyên mục “Tấm lòng nhân ái”, báo Dân Trí có kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ cho anh Lê Tuấn Anh có vợ bị tai nạn giao thông đang nằm cấp cứu trong tình trạng nguy kịch ở bệnh viện 198 (Hà Nội) và con gái mới chỉ 2 tháng tuổi đang khát sữa mẹ từng ngày. Nhưng không lâu sau khi bài viết này đến với độc giả, một tài khoản facebook Vũ Thị Phương Anh đã ngang nhiên sao chép toàn bộ nội dung của báo Dân Trí, sau đó thay đổi địa chỉ cần ủng hộ thành số tài khoản của mình. Sự việc này nhanh chóng bị bại lộ, tuy nhiên số tiền mà facebooker này nhận được sau khi làm giả các thông tin cũng xấp xỉ 17 triệu đồng.
Vậy mới thấy, bên cạnh những tác động tích cực mà mạng xã hội mang lại cho công tác thiện nguyện, cũng có rất nhiều người sử dụng phương tiện này như một công cụ kiếm tiền bằng các chiêu trò lừa đảo đơn giản. Chỉ bằng một vài hình ảnh “đáng thương”, chỉ bằng một vài dòng “xót xa” là rất nhiều những nhà hảo tâm đã bị đánh lừa và số tiền họ bỏ ra không đáp ứng được mục đích từ thiện.
Mạng xã hội là công cụ cần thiết trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt trong công tác thiện nguyện. “Thiện Nhân và những người bạn” là một chương trình như vậy. Bởi nhờ có mạng xã hội, sự kiện này đã tới gần hơn với tất cả mọi người, để những hoàn cảnh khó khăn nhận được sự giúp đỡ cần thiết từ cộng đồng . Tuy nhiên, đây luôn là con dao hai lưỡi ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Sức ảnh hưởng của mạng xã hội là rất lớn, điều này ai cũng rõ. Chỉ hy vọng rằng phương tiện này được sử dụng đúng mục đích, để số tiền mà các nhà hảo tâm bỏ ra đáp ứng được mong muốn từ thiện của họ, chứ không phải là các chiêu trò lừa đảo để thu về những khoản tiền không thuộc về mình.
Lê Tuấn Mạnh – Sao Style