Lại chuyện áo dài cách tân

 “Áo dài cách tân” và những lùm xùm tranh cãi quanh vấn đề này vẫn đang rất được dư luận quan tâm trong suốt thời gian qua, nhưng có phải đến bây giờ áo dài mới được cách tân hay không ? Có phải chỉ Việt Nam mới cách tân quốc phục ? Cách tân để thay thế hay để bảo tồn ? Hãy cùng Sao Style tìm hiểu qua bài viết này.

Áo dài cách tân đã được biết đến từ mùa xuân năm 2016, nhưng phải nói đến Xuân Đinh Dậu, áo dài cách tân mới có một bước đột phát lớn, tràn ngập trên khắp thị trường. Đặc biệt năm nay có một cách phối hợp mới đã và đang chiếm được rất nhiều cảm tình của phái đẹp – Đó là sự kết hợp giữa áo dài với váy hoặc quần bó, hay tạm được gọi là áo dài cách tân.

Những mẫu áo dài đang hot hiện nay (Nguồn Internet)

           

Dù áo dài cách tân đang trở thành một trào lưu dịp tết song bên cạnh đó vẫn có khá nhiều ý kiến trái chiều về việc này. Một bên ủng hộ áo dài cách tân khi cho rằng nó vừa đẹp vừa năng động, phù hợp với hoàn cảnh trong khi số khác lại thấy đó là sự kết hợp phi lý, là thảm họa thời trang, như là “mắm tôm pha với cacao”. Bài viết này hi vọng có thể giúp các bạn có được câu trả lời cho riêng mình.

Có phải đến bây giờ áo dài mới được cách tân?

Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm văn hiến với bao lần thay đổi triều đại vậy nên mỗi thời kì lại có những cách ăn mặc khác nhau. Tiền thân của áo dài là chiếc áo giao lãnh xuất hiện vào thế kỉ 17, áo rộng, có bốn vạt và mặc với yếm đen. Sau này chiếc áo được cách tân trở thành áo tứ thân dành cho tầng lớp nông dân và áo ngũ thân dành cho tầng lớp quan lại và quý tộc. Đến cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 đất nước có nhiều biến thiên, áo dài cũng có sự “chuyển biến” mạnh mẽ. Không còn là phom dáng rộng như thời trước, áo dài thời kì này bắt đầu chiết eo, chỉ còn 2 vạt thậm chí còn có tay phồng như áo dài Le Mur của họa sĩ Cát Tường, hay khoét cổ thuyền như áo dài bà Nhu… Và dần dần hình thành nên chiếc áo dài hiện đại như bây giờ.

Áo dài Việt Nam từ thế kỉ 17 đến đầu thế kỉ 20  (Nguồn Internet)

Như vậy không phải đến thế kỉ 21 chiếc áo dài mới có sự cách tân mà song hành cùng diễn tiến của lịch sử nó luôn luôn được đổi mới, hoàn thiện để phù hợp với người phụ Việt trong từng thời đại. Vậy chẳng có lí do gì để chúng ta phản đối chuyện cách tân áo dài, nhất là trong thời kì tự do, dân chủ như bây giờ. Áo dài được cách tân cũng là để phù hợp với hình ảnh người phụ nữ trẻ trung, năng động trong thời đại mới.

Đâu chỉ riêng người Việt mới cách tân quốc phục?

Đơn cử như nước láng giềng của chúng ta là Nhật Bản cũng có nhiều loại kimono khác nhau để mặc trong từng hoàn cảnh phù hợp. Như Furisode – kimono chỉ dành cho các cô gái độc thân, Yukata-Kimono dùng để mặc trong mùa hè, Houmongi – kimono dành cho các cô gái đã kết hôn, hay Shiromaku- trang phục truyền thống của các cô gái Nhật khi tổ chức cưới.

Một số loại kimono thông dụng ở Nhật Bản (Nguồn Internet)

Chính thế nên người Nhật có riêng từng loại kimono để mặc trong từng hoàn cảnh , vẫn tôn vinh được vẻ đẹp của người phụ nữ và cũng không làm mất đi giá trị của dân tộc. Cho nên việc cách tân áo dài không phải để phủ nhận áo dài truyền thống mà là để có người phụ nữ Việt có nhiều lựa chọn hơn, mỗi loại áo dài sẽ có cách phục sức riêng phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.

Thay đổi để còn mãi…

Điều khiến áo dài trở thành quốc phục  ngoài ý nghĩa về lịch sử, văn hóa còn có lí do là được mặc phổ biến và rộng rãi. Nhưng trong hoàn cảnh và môi trường làm việc như ở Việt Nam hiện nay, đôi khi áo dài không còn là sự lựa chọn hàng đầu nếu so với những trang phục khác (như quần Tây, áo sơ mi…) về sự tiện lợi, cho nên ta chỉ thấy áo dài được mặc vào những dịp trọng đại hay các sự kiện lớn. Điều này cũng phần nào làm cho quốc phục mất đi giá trị của mình. Bởi vậy, áo dài cách tân ra đời để khắc phục được sự bất tiện ấy, đem lại sự thoải mái, năng động mà vẫn thấy được sự uyển chuyển, duyên dáng của người phụ nữ Việt. Giờ đây ta lại được chứng kiến sự thịnh hành của áo dài trên khắp nẻo đường của tổ quốc. Áo dài xem ra lại trở thành sự lựa chọn số một cho phái nữ trong mọi công việc hay những chuyến đi hàng ngày. Chúng ta không thay đổi để mất đi, mà thay đổi để còn mãi, để áo dài là biểu trưng cho vẻ đẹp, cho sự trẻ trung và năng động của người phụ nữ hiện đại Việt Nam./.

Minh Phương – Sao Style