‘Kim Ji Young 1982’: ‘Bản án’ hiện thực mà người phụ nữ phải gánh chịu, bộ phim tâm lý tìm kiếm sự đồng cảm nhân văn

Cốt truyện giản dị, hiện thực đầy cảm xúc, ‘Kim Ji Young 1982’ của Gong Yoo và Jung Yoo Mi là bộ phim tình cảm đáng xem nhất tháng 11.

Nếu như trong Silenced và Train To Busan, Gong Yoo và Jung Yoo Mi vào vai những người bạn, người đồng nghiệp cùng nhau đấu tranh vì số phận thì trong Kim Ji Young 1982, hai người là cặp vợ chồng tìm kiếm sự đồng cảm trong cuộc sống. Từ khi ra trailer, Kim Ji Young 1982 được gắn mác ‘phim Nữ quyền’, nhưng thực chất bộ phim mang lại nhiều hơn thế, một bộ phim tâm lý tình cảm, về những điều người phụ nữ phải chịu đựng, về căn bệnh trầm cảm và về những thông điệp đáng suy ngẫm về hôn nhân, gia đình và xã hội.

Bất bình đẳng luôn là vẫn đề nóng, nữ quyền cũng là đề tài đang được đề cao trong phim ảnh như gần đây có phim Những thiên thần của Charlie, Phi vụ nữ quyền,… nhưng cách truyền tải của Kim Ji Young 1982 lại vô cùng khác biệt. Những bộ phim nữ quyền khác tôn lên quyền lực người phụ nữ, phô diễn những nhân vật cực ‘ngầu’, nhưng Kim Ji Young 1982 lại là câu chuyện nhẹ nhàng nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ.

Kim Ji Young, Born 1982 (Tựa Việt: Kim Ji Young 1982) xoay quanh câu chuyện về Kim Ji Young (Jung Yoo Mi thủ vai). Kim Ji Young từng là người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, có việc làm ổn định trong công ty PR nhưng cô phải tạm ngưng công việc để ở nhà chăm sóc con gái 26 tháng tuổi. Hàng ngày chỉ làm những công việc nội trợ lặp đi lặp lại, cuộc sống cô chỉ như một đường thẳng không có ngã rẽ, Kim Ji Young có những triệu chứng trầm cảm và rối loạn đa nhân cách. Xuyên suốt bộ phim là quá trình nhìn lại cuộc đời và cách Kim Ji Young đối mặt với căn bệnh của mình, không thể kể tới sự đồng cảm lớn lao của người chồng Dae Hyun (Gong Yoo thủ vai).

Bất bình đẳng giới và sự chịu đựng của người phụ nữ

Trong cuộc sống của người Châu Á, dù cho nói là bình đẳng nam nữ nhưng thực chất tư tưởng cổ hủ ‘trọng nam khinh nữ’ vẫn hiện hữu như được ‘mặc định’. Kim Ji Young sau khi sinh con phải ở nhà để chăm sóc con và không có thời gian làm công việc cô mơ ước, cô cảm tưởng như đang bị giam cầm trong chính ngôi nhà của mình. Ngày qua ngày, không có cách nào để Kim Ji Young thoát ra khỏi 4 bức tường vô hình đang ghì chặt trái tim cô, khiến cô đuối đi từng ngày mà cố tỏ ra hạnh phúc.

Tưởng chừng Kim Ji Young trở nên kiệt quệ đến mức trầm cảm là do cuộc sống nội trợ, hôn nhân nhưng bộ phim đã vạch lại những tiểu tiết về những điều Ji Young phải chịu đựng. Từ nhỏ, ăn sâu trong tiềm thức của Ji Young là những lời nói ‘tôn vinh’ đàn ông của bà nội, của họ hàng và ngay cả bố của mình. Sống trong một gia đình với tư duy cổ hủ, Ji Young đã chịu nhiều cực khổ, đến cả sở thích ăn uống cũng không ai biết, đến cả bố ruột cũng chỉ chăm sóc cho người em trai duy nhất trong gia đình.

Không chỉ Kim Ji Young, mà những người phụ nữ trong bộ phim đều được tác giả khắc họa lại trong xã hội ‘trọng nam khinh nữ’. Như những cô đồng nghiệp của công ty luôn bị những người đàn ông soi mói, cho rằng những người phụ nữ thành công thì con cái sẽ không được phát triển đầy đủ, phụ nữ phải làm nội trợ, không nên kiếm tiền. Hay những người phụ nữ độc lập không muốn kết hôn lại bị lời qua tiếng lại từ họ hàng, làng xóm. Những câu chuyện này chúng ta có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, là câu chuyện của người đồng nghiệp, của bạn bè, hay của chính chúng ta và gia đình.

Tác giả Cho Nam Joo đã xuất sắc xây dựng cả tuyến tình tiết phụ đắt giá, không thừa thãi đến một giây chứ không chỉ xoay quanh câu chuyện của Kim Ji Young. Nếu như trong truyện, những dòng văn không thể hiện được hết sự bức bối, khó chịu thì khi chuyển thể thành phim, suốt hơn 2 tiếng là câu chuyện quá đỗi bình thường nhưng có khả năng thay đổi bản chất, biến hóa tâm lý của con người.

Hành trình đối mặt với hiện thực và sự đồng cảm nhân văn

Kim Ji Young phải sống trong sự cổ hủ của gia đình từ bé gái đến khi trở thành người mẹ, tất cả mọi người xung quanh cô đều mang tư tưởng ‘trọng nam khinh nữ’ nhưng có 2 người phụ nữ đã vượt khỏi điều đó là chị gái Eun Young và trưởng phòng Kim. Eun Young và trưởng phòng Kim đều là những người phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp nhưng lại phải chịu đựng những lời khắt khe từ xã hội về cuộc sống và hôn nhân nhưng họ đã vượt qua và sống tốt.

Hai người chính là hình mẫu, là động lực để Kim Ji Young tiếp tục gắng gượng nhưng cuối cùng, Kim Ji Young thể hiện những triệu chứng của trầm cảm và rối loạn nhân cách. Đôi khi, cô như biến thành người khác, từ mẹ mình, chị gái đến người bạn đã khuất, nói cách khác là những người phụ nữ xung quanh cô và nói ra tiếng lòng bị chôn vùi bao lâu nay. Điều thú vị tác giả mang lại là những người phụ nữ này, chưa từng được một lần bày tỏ nỗi niềm của mình, về sự chịu đựng gần như quá sức, Kim Ji Young đã giúp họ làm điều đó. Chi tiết này xứng đáng được điểm cộng, là yếu tố đặc sắc của bộ phim.

Song song với Kim Ji Young là người chồng Dae Hyun, người đàn ông thương vợ nhưng không thể dựa vào sự thương yêu đó mà chữa được bệnh cho Ji Young. Anh là cầu nối, là người đồng cảm cho vợ mình, giúp đỡ cô trong hành trình tìm kiếm con người thật, bộc lộ tiếng nói sâu trong tiềm thức. Tác giả xây dựng cốt truyện có phần tiêu cực nhưng đã tô điểm màu sắc ấm áp bằng nhân vật Dae Hyun, mang lại nguồn hi vọng, niềm tin vào cuốc sống cho khán giả.

Thông điệp đắt giá, ý nghĩa

Những bộ phim tâm lí, tình cảm Hàn Quốc đều để lại những thông điệp hay, đẹp cho con người, cuộc sống và xã hội nhưng không bộ phim nào đào sâu vào đề tài phụ nữ mắc chứng trầm cảm trong xã hội bất bình đẳng. Kim Ji Young 1982 đã mang lại những bài học văn minh, đắt giá và vô cùng ý nghĩa, như đã nói đây là một bộ phim nhẹ nhàng nhưng lại ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ.

Bộ phim khiến khán giả nghĩ đến chính người gần mình nhất là người mẹ của mình. Người luôn hi sinh tất cả vì gia đình, vì con cái. Kim Ji Young sẽ khiến khán giả phải rơi nước mắt, một phần vì uất ức với tư duy bất bình đẳng vẫn còn hiện hữu, tồn tại trong xã hội, một phần cũng vì nghĩ đến những người phụ nữ xung quanh đã phải gồng mình gánh chịu. Thực chất, chỉ những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống, cách đối nhân xử thế của người thân với mình cũng có thể khiến trái tim yếu mềm của họ bị quá sức. Đôi khi, thứ họ cần chỉ là được nghỉ ngơi và có một cái ôm động viên ấm áp.

Mặc dù đang vướng phải những ý kiến trái chiều gay gắt từ nam giới Hàn, nhưng bộ phim đã phong tỏa phòng vé, đạt 2 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày khởi chiếu đủ để hiểu sự tuyệt vời của nó. Kim Ji Young 1982 là bộ phim mà bất kể nam giới, nữ giới châu Á đều phải ra rạp xem ít nhất một lần. Những người phụ nữ đã làm mẹ, sắp làm mẹ hay những cô gái trẻ tuổi đôi mươi hãy ra rạp để cảm nhận được những điều phụ nữ phải chịu đựng để tìm kiếm nguồn động lực sống mạnh mẽ hơn. Những người đàn ông đã, đang và sẽ có một nửa của mình nên ra rạp để có thể hiểu được nỗi lòng của người phụ nữ, để ngày càng yêu thương, quan tâm họ hơn, bù đắp lại những điều họ đã hi sinh trong cuộc sống.

Kim Ji Young 1982 không chỉ là bộ phim nữ quyền mà còn mang giá trị nội dung sâu sắc khiến khán giả rơi nước mắt khi hòa cùng xúc cảm chân thật nhất của nhân vật. Gong Yoo và Jung Yoo Mi đã mang đến khán giả thêm một bộ phim kết hợp xuất sắc nữa. Đặc biệt diễn xuất của Jung Yoo Mi trong Kim Ji Young 1982 thật sự nổi bật, thậm chí có phần làm lu mờ cả tài tử điện ảnh Gong Yoo.

Phim hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 1/11, hãy ra rạp và cảm nhận được những thông điệp quá đẹp, quá nhân văn, quá tuyệt vời từ Kim Ji Young 1982

Nguồn: Tiin.vn