Jun Phạm rủ bố lên rừng cắm trại, hoài niệm một nghìn chín trăm hồi đó

Mới đây, Jun Phạm đã phát hành MV mới mang tên “1900 hồi đó”.

1900 hồi đó, chúng ta làm gì?

“1900 hồi đó” là một sáng tác của nhạc sĩ Huỳnh Hiền Năng, có giai điệu tươi vui nhẹ nhàng. Bài hát mang đặc trưng trong cách sáng tác của Huỳnh Hiền Năng, với câu hát chủ “1900 hồi đó” đề được lặp lại xuyên suốt, cùng đoạn nhạc intro réo rắt gợi nhớ đến bài nhạc chủ đề phim hoạt hình Doraemon. Tất cả như một “cỗ máy thời gian” đưa người nghe trở về những không gian đầy tính hoài niệm của tuổi thơ và những điều mà giờ đây gần như đã không còn tồn tại. 

Hồi đó, ta đã làm gì? 

Hồi đó, mình đã là ai?

Những câu hỏi này đôi lúc xuất hiện trong đầu, nhất là khi chúng ta đang đứng trước những bước ngoặt quan trọng, hoặc trước những thay đổi lớn của cuộc sống. Thuộc thế hệ 8x, thế nên 1900 hồi đó của Jun Phạm là những ngày tháng mà giờ đây đang dần trở thành ký ức. Nhiều thứ từng nằm trong nếp ngày giờ tìm đỏ mắt cũng chẳng còn ở đâu. 1900 hồi đó, không quá xa nhưng cũng thật khó để kéo lại gần thêm nữa. 

“Có những lúc tôi cảm giác mình như một người đến từ quá khứ, một chàng trai của thế kỷ 20 đang sống giữa những điều hào nhoáng. Ca khúc của Huỳnh Hiền Năng như một sự chữa lành cho tâm hồn của tôi, khiến tôi tự tin về những gì mình đã có để làm tốt hơn những nhiệm vụ của mình” – Jun Phạm tâm sự. 

Bắn bi ngoài ngõ, ngồi chải tóc bên quạt gió, nhiều thứ mua chẳng có, một bữa cơm thịt kho thì rất chi là này nọ… những điều đã từng rất bình dị ở những năm “1900 hồi đó” bây giờ không còn dễ tìm thấy trong đời sống đô thị thời đại 4.0 nữa. Giờ đây chúng ta dễ dàng có tất cả mọi thứ trong tầm tay, nhưng đồng thời cũng dễ dàng khiến mọi thứ trôi qua kẽ tay theo nhịp chảy quá nhanh của cuộc sống. 

Sau quãng thời gian khủng hoảng vì đại dịch, những xu hướng dịch chuyển quay ngược bắt đầu lan toả. Con người ngày càng nhìn vào bên trong chính mình nhiều hơn, hoài niệm nhiều hơn, chắt chiu nhiều hơn. Nhưng hoài niệm không có nghĩa để luyến tiếc hay trách cứ hiện tại, mà để thay đổi tương lai một cách tích cực hơn. 

“1900 hồi đó” ra đời cũng trong tâm thế đó. Bài hát không mang sứ mệnh cao cả gì mà chỉ đơn giản là những tâm sự chắt chiu của Huỳnh Hiền Năng cũng như Jun Phạm, như một lời cảm ơn những điều hay ho trong quá khứ, những điều đã tạo nên những con người ở hiện tại. 

Cùng bố đi khắp thế gian

MV “1900 hồi đó” cũng được xây dựng đơn giản, không cầu kì, với những hình ảnh thân thuộc như khoảnh khắc cả nhà quây quần cùng xem tivi, một chuyến du lịch cùng bố mẹ, những lúc vui đùa ca hát như trẻ con mà có thể đã rất lâu rồi chúng ta không còn làm nữa. 

Là một người lớn lên với truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản, Jun Phạm muốn tri ân tuổi thơ của mình bằng chính những ký ức ngọt ngào đó. Anh diện một chiếc áo ghi-lê có hoạ tiết của bộ truyện One Piece trong MV; chiếc poster và hình ảnh chủ đề của bài hát được thiết kế theo phong cách bìa truyện Doraemon. Đây đều là những tác phẩm đình đám gắn liền với tuổi thơ của hàng triệu người. Là những điều đã đắp xây nên một quá trình trưởng thành của Jun Phạm ngày hôm nay. 

Trong MV “1900 hồi đó”, Jun cùng bố đi qua những địa điểm đẹp và nổi tiếng ở Đắk Lắk như Bảo tàng cà phê, ngồi cắm trại trên những đại ngàn lộng gió như những người bạn hạnh phúc. Tự do thể hiện mình với bố, làm trò trước mặt bố và cùng bố ghi lại những cột mốc hạnh phúc, trưởng thành của mình đối với Jun Phạm vừa là “tài sản” mà cũng là một điều đầy tự hào. 

Không chỉ trong MV “1900 hồi đó”, bố cũng là một “nhân vật” đặc biệt sẽ góp mặt xuyên suốt trong dự án lần này của Jun. Hai bố con sẽ cùng nhau tạo nên những kỉ niệm đẹp, lộng gió và đầy mùi hương thiên nhiên tại Buôn Mê Thuộc. Hành trình này sẽ kéo dài từ 24/11 đến Tết Nguyên đán 2023, và “1900 hồi đó” chính là “cánh cửa thần kỳ” để mở màn.

Jun cùng ekip mong rằng những hoài niệm trong trẻo của “1900 hồi đó” cùng series sắp ra mắt sẽ là “chất xúc tác” để các khán thính giả, những anh chị báo chí, bạn bè đồng nghiệp được cảm thấy thư giãn, tiến lại gần hơn với gia đình của mình, với “chiếc nôi” đã nuôi dưỡng tất cả chúng ta nên người.