Bắt đầu từ những chia sẻ chân thật xoay quanh những môn học thích và không thích ngày còn đến trường, các khách mời đã đưa ra những quan điểm khác nhau về điểm số. “Điểm số” trong giáo dục được xem là công cụ để đánh giá năng lực của một học sinh. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng nhiều người ngày càng chạy đua theo điểm số, Kim Duyên chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, ba mẹ thường mong muốn con phải học thật là giỏi, điểm số phải thật cao. Nếu điểm thấp thì sẽ nghĩ con mình học dở, con mình không chú tâm. Việc bị đánh giá dựa trên thành tích, điểm số ở Việt Nam vẫn còn coi trọng quá”.

Á hậu cũng thẳng thắn chia sẻ nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam chưa quan tâm đến việc giáo dục cho con em mục đích thật sự của việc học. Thay vì chạy đua theo bảng điểm số thì vai trò của học là để thu nạp, tích lũy kiến thức để hoàn thiện bản thân.

Hoa hậu Phương Khánh

Đồng tình với ý kiến của Kim Duyên, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho rằng: “Điểm số là một trong những vấn đề rất lớn trong nền giáo dục Việt Nam. Chạy theo thành tích từ trên xuống dưới, không chỉ riêng mỗi các em nhỏ. Ảnh hưởng từ người lớn sẽ khiến các bạn nhỏ cảm thấy áp lực, không hứng thú với việc học”. Nếu cứ tiếp tục chạy theo điểm số thì không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên sẽ không còn hứng thú với giáo dục.
Hoa hậu Phương Khánh cũng thổ lộ mong muốn giáo dục sẽ thay đổi, thay vì chạy đua theo điểm số thì nên tạo nên các sân chơi, hoạt động thực hành để rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh. Cung cấp thêm những kiến thức tin học, hỗ trợ nền tảng cho việc học đại học, cao học.

Trước câu hỏi liệu “Có hay không bất bình đẳng giới trong giáo dục hiện nay?”, Hoa hậu Phương Khánh đã chia sẻ nhanh câu chuyện mà chính bản thân cô trải qua. “Trước đây, Khánh tạm nghỉ 2 năm để học tiếng Pháp, chuẩn bị giấy tờ sang đó định cư với mẹ. Sau đó, vì trục trặc nên Khánh quyết định đi học trở lại. Tuy nhiên, khi hỏi ý kiến mọi người trong nhà thì nhận được câu trả lời là “Con gái không cần học nhiều đâu, học đến đó được rồi!”. Tuy nhiên, Khánh đã thuyết phục và nói ra nguyện vọng được đi học của mình. Từ đó gia đình mới hiểu vai trò thật sự của việc học và mới đồng ý”.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh

Dựa trên câu chuyện của Hoa hậu Phương Khánh, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cũng nhấn mạnh thêm sự ảnh hưởng của việc truyền thông, giáo dục phụ huynh học sinh về chuyện bình đẳng trong giáo dục, đặc biệt là đối với nữ giới.

Thể hiện sự trăn trở về việc các bé gái ở miền Tây thường có xu hướng bỏ học sớm do điều kiện gia đình khó khăn, Kim Duyên hi vọng có thêm điều kiện để tiếp cận và thay đổi tư tưởng của các em về vấn đề học tập.

Các khách mời tham gia đã đưa ra góc nhìn về tầm quan trọng của giáo dục nhưng đứng trước câu hỏi “giáo dục có phải là con đường duy nhất tiến đến thành công?” thì cả ba đều đồng loạt khẳng định “Không”.
“Giáo dục không phải là con đường duy nhất nhưng nó là bàn đạp, là bước đệm quan trọng để tạo nên thành công. Đặc biệt, đối với phụ nữ, ngoài sắc đẹp thì trí tuệ và kiến thức chính là chìa khóa khai mở thành công” – Á hậu Kim Duyên đưa ra cái nhìn về sự thành công của phụ nữ hiện đại. Cô cũng đưa ra mong muốn phụ nữ hiện đại nên nhìn nhận một cách sâu sắc hơn về vẻ đẹp tri thức, sự thông minh. Đó là nhân tố quan trọng giúp phụ nữ hiện đại có được thành công.

Tiếp lời Kim Duyên, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh phân tích thêm tại sao giáo dục lại là chìa khóa, đó là bắt đầu từ những hiểu biết, đặc biệt là hiểu biết về con người, nếu không việc đánh giá vấn đề sẽ bị sai, khiến con người phát triển bị lệnh lạc và ảnh hưởng bởi những tiêu cực của đám đông.

Hoa hậu Phương Khánh cũng đề ra tầm quan trọng của việc “Giáo dục như thế nào để cho các trẻ em nữ, và phụ nữ có sự thay đổi về cái đẹp, chuẩn mực cái đẹp”. Cô đồng ý rằng giáo dục là chìa khóa quan trọng giúp phụ nữ dễ dàng chinh phục thành công, nhưng trước khi làm điều đó thì phụ nữ cần hiểu rõ về vai trò và sức mạnh của giáo dục đối với bản thân mỗi người.

Á hậu Kim Duyên

Trước những chuẩn mực để đánh giá một phụ nữ đẹp, Kim Duyên bày tỏ: “Hoa hậu, á hậu thì phải là những người truyền cảm hứng, phải có được nội tại giống như một “Speaker”. Phải mạnh mẽ nói lên quan điểm, bảo vệ điều đó”. Để có được sự tự tin đấy thì hoa hậu, á hậu cần phải học tập để thể hiện thần thái của bản thân, bộc lộ vẻ đẹp của sự tự tin. Hoa hậu nếu chỉ đẹp, chỉ cân đối thì chưa hẳn là “đẹp”.

Bằng kinh nghiệm tại các đấu trường sắc đẹp, Hoa hậu Phương Khánh cho biết “Không có chuẩn mực để định nghĩa một phụ nữ đẹp”. Có thể họ đẹp ở bề ngoài, ở bên trong, ở bất kì một phương diện và khía cạnh nào đó. Mỗi người đều có một vẻ đẹp riêng, không thể mang vẻ đẹp của mình để so sánh với bất kỳ ai và ngược lại. Càng không thể dùng tiêu chuẩn của riêng mình để đánh giá vẻ đẹp của một ai đó.

Phương Khánh tâm sự: “Ở các cuộc thi hoa hậu hiện tại, họ tìm một người phụ nữ can đảm, có trái tim vì mọi người. Hơn thế nữa, cô ấy phải mạnh mẽ nói ra, truyền cảm hứng đó đến với những người xung quanh”. Thay vì đánh giá cô ấy gầy bao nhiêu, cao bao nhiêu thì mới là đẹp, hãy nhìn nhận và đánh giá những việc cô ấy làm có thật sự tốt hay không.

Kim Duyên cũng liên tục đưa ra những câu hỏi: “Cô ấy làm được gì nếu cô ấy là Hoa hậu?, Cô ấy làm được gì cho cộng đồng?, Cô ấy nói lên được tiếng nói của mình?, Có truyền cảm hứng cho những người sắp gặp?” và đồng ý với hai khách mời rằng, một người phụ nữ đẹp và một hoa hậu mà các cuộc thi tìm kiếm không phải chỉ cần vẻ đẹp bên ngoài, mà còn cần tri thức, khả năng truyền cảm hứng và lan tỏa năng lượng tích cực. Chỉ khi hội tụ đủ vẻ đẹp nội tại và sắc đẹp bên ngoài, cô ấy mới tìm thấy “chìa khóa” của riêng bản thân mình.

Không có chuẩn mực nào dùng để đánh giá phụ nữ, vì “cái đẹp là vô cùng” – Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh nêu rõ quan điểm.