Hà Tiên tổ chức sân khấu nghệ thuật tưởng niệm 260 năm ngày mất của bà Mạc Mi Cô

Để tưởng niệm 260 năm ngày mất của bà Mạc Mi Cô, loạt hoạt động nghệ thuật sân khấu quy tụ hơn 100 ca sĩ, diễn viên múa ở Hà Tiên gây ấn tượng mạnh.

Mỗi năm cứ vào những ngày 27-29/9 âm lịch, người dân Hà Tiên tổ chức lễ giỗ truyền thống để tưởng niệm ngày mất của bà Mạc Mi Cô (hay còn gọi là Cô Năm). Đây là ngày hội có ý nghĩa văn hóa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân vùng đất Kiên Giang. Để tưởng niệm, người dân cùng ban lãnh đạo đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có sân khấu văn hóa, văn nghệ quy tụ số lượng lớn người tham gia.

Ngày 10/11 vừa qua, sân khấu ca múa nhạc nằm trong khuôn khổ Lễ hội truyền thống kỷ niệm 260 năm ngày mất của bà Mạc Mi Cô (1763-2023) đã được diễn ra với chủ đề Quê hương mùa lễ hội. Đêm diễn được thực hiện bởi Ban bảo vệ di tích danh thắng núi Bình San với sự chỉ đạo của đạo diễn trẻ Kim Thành. Các tiết mục văn nghệ có sự góp mặt của hơn 80 diễn viên múa, 20 ca sĩ cùng hàng trăm người phụ trợ trên sân khấu.

Chương trình ca múa nhạc tưởng niệm 260 năm ngày mất của bà Mạc Mi Cô nhận được nhiều đánh giá khách quan bởi quy mô tổ chức hoành tráng. Toàn bộ chương trình được chia thành 3 phần chính theo thứ tự là Hùng ca sử Việt, Xuôi dòng phương Nam và Nơi tôi sinh ra. Ở mỗi phần bao gồm 5-6 tiết mục biểu diễn đa dạng thể loại như ca cổ, tân cổ, múa, liên khúc… Một số tiết mục nổi bật như ca cổ Hồn thiên người trinh nữ do Vũ Bằng biểu diễn, trích đoạn cải lương Nhị Kiều tướng quân

Theo đại diện tổ chức chương trình cho biết, các tiết mục văn nghệ đều hướng về mục đích ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như người dân vùng đất Kiên Giang – Hà Tiên nói riêng. Từ đó, thông qua những thông điệp trong các tiết mục góp phần kêu gọi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của nước nhà, nhắn nhủ đến thế hệ mai sau mãi mãi nhớ về những chiến công hiển hách cũng như giai thoại của các nhân vật truyền kỳ trong lịch sử và dân gian.

Được biết, Kim Thành là người phụ trách lên kịch bản, tổng đạo diễn và dàn dựng những tiết mục trong đêm nhạc tưởng niệm 260 năm ngày mất của bà Mạc Mi Cô lần này. Trước đó, anh thường được biết đến như một stylist trẻ tài năng của showbiz Việt. Thời gian qua, Kim Thành đã nghiên cứu về công việc đạo diễn và được cơ quan địa phương tin tưởng giao cho trọng trách đạo diễn chương trình tưởng niệm 260 ngày mất của bà Mạc Mi Cô.

Nhắc đến việc đảm nhận một sân khấu quan trọng, Kim Thành chia sẻ có thời điểm gặp không ít khó khăn và trở ngại, đặc biệt là vấn đề thời tiết. Ngoài ra, việc quy tụ hơn 100 con người trên cùng một sân khấu, mà những người này đa số là dân không chuyên thì rất khó.

“Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ ban bảo vệ di tích danh thắng núi Bình San cũng như lãnh đạo địa phương nên cuối cùng đêm nhạc đã kết thúc thành công tốt đẹp. Kim Thành hy vọng tất cả những khán giả xem chương trình có thể cảm nhận được thông điệp ý nghĩa mà Thành cũng như mọi người muốn truyền tải”, đạo diễn Kim Thành chia sẻ.

Theo truyền thuyết dân gian của người dân Hà Tiên, bà Mạc Mi Cô (hay được gọi là Cô Năm) là con gái của Tổng binh Đại đô đốc trấn Hà Tiên – Mạc Thiên Tứ và phu nhân Hiếu Túc, cũng là cháu nội của Mạc Cửu – người có công khai phá vùng đất Hà Tiên. Khi mới sinh ra, bà Mạc Mi Cô đã có vẻ ngoài đẹp như tiên nữ, mái tóc dài đen nhánh và biết nói như một đứa trẻ 7-8 tuổi. Tuy nhiên bà Mạc Mi Cô mệnh yểu, qua đời khi còn rất nhỏ khiến nhiều người tiếc thương.

Người dân Hà Tiên truyền rằng bà Mạc Mi Cô rất có linh tính và bảo vệ, che chở cho mọi người trong vùng. Nhờ vậy mà dù trải qua bao khó khăn, gian khổ, bị kẻ địch oanh tạc thì vùng đất nơi đây vẫn bình yên vô sự. Ngày nay, mộ của bà Mạc Mi Cô được xây đắp chung khu mộ của dòng họ Mạc nhưng lúc nào cũng được thờ phụng hương khói nghi ngút.