Trở lại với đường đua Vpop sau một thời gian dài vắng bóng, Hòa Minzy ra mắt MV đầu tư nhất trong sự nghiệp. “Không thể cùng nhau suốt kiếp” được đạo diễn Kawaii Tuấn Anh cùng ekip xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật trong lịch sử. MV đã đưa khán giả quay ngược trở lại thời Nguyễn, kể câu chuyện giữa Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu.

Hoàng đế Bảo Đại (1913 – 1997), tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Thụy, là vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn và của chế độ quân chủ tại Việt Nam. Ông là người con duy nhất của Hoàng đế Khải Định. Khác với những người tiền nhiệm, Hoàng đế Bảo Đại đã được gửi đi du học tại Pháp và đã hấp thụ văn minh phương Tây ngay từ bé.

Tuy nhiên, vua Bảo Đại là một người đàn ông đào hoa, cuộc đời trải qua vô số mối tình: từ Nam Phương Hoàng hậu, bà Mộng Điệp, bà Phi Ánh, bà Lý Lệ Hà hay cả bà Monique… Ông mất tại Pháp và được chôn cất tại một Nghĩa trang ở Thủ đô Paris.

Vua Bảo Đại do diễn viên Xuân Phúc thủ vai.

Nam Phương Hoàng hậu (1914 – 1963), tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, là vị Hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn. Bà xuất thân từ một gia đình Công giáo giàu có của miền Nam và cũng hưởng thụ nền giáo dục của nước Pháp ngay từ nhỏ. Bà là người phụ nữ thứ 3 của nhà Nguyễn được phong tước vị Hoàng hậu khi còn sống, sau Thừa Thiên Cao Hoàng hậu và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (những người còn lại chỉ được truy phong sau khi qua đời).

Bà nổi tiếng trong lịch sử là một vị Hoàng hậu tài sắc vẹn toàn nhưng có những năm tháng cuối đời sống trong cô đơn, rất ít khi gặp mặt Cựu hoàng Bảo Đại. Bà qua đời tại Pháp và được an táng tại nơi đây.

Nam Phương Hoàng Hậu do Hòa Minzy tái hiện lại được đánh giá là khá tương đồng.

Chính thức bước vào MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” bằng cảnh đại hôn lễ của Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu vào tháng 3/1934. Lễ cưới càng trở nên đặc biệt hơn khi đây cũng là lễ sách lập thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành Chính cung Hoàng hậu.

Bên cạnh đó, Nam Phương Hoàng hậu cũng lập các điều kiện: phải được lập làm Hoàng hậu chính cung ngay trong ngày cưới, phải được giữ đạo Công giáo và các con phải được làm lễ rửa tội, Bảo Đại phải bãi bỏ chế độ hậu cung phi tần và tuân thủ nguyên tắc hôn nhân 1 vợ – 1 chồng.

Vào thời điểm đó, sự kiện này gây ra nhiều tranh cãi trong triều đình khi lần đầu tiên trong lịch sử nhà Nguyễn xuất hiện một vị Hoàng hậu là người Công giáo. Trước đó, mẹ ruột của Bảo Đại là Đoan Huy Hoàng Thái hậu (Đức Từ cung) và triều thần đã lựa chọn sẵn cho Bảo Đại một người con gái “chuẩn” truyền thống là cô Bạch Yến: xuất thân quý tộc, là người gia giáo và giữ đúng phép tắc cung đình.

Cảnh hôn lễ lịch sử được tái hiện trong MV.

Nhiều năm sau đó, cả hai lần lượt có với nhau 5 người con: Đông cung Hoàng Thái tử Bảo Long, Hoàng tử Bảo Thăng, Hoàng nữ Phương Liên, Hoàng nữ Phương Dung và Hoàng nữ Phương Mai.

Một điều đặc biệt trong MV, những hình ảnh của vua Bảo Đại và Hoàng Hậu sinh sống với nhau được xây dựng khá rõ. Cả gia đình 7 người cùng sống với nhau trong điện Kiến Trung – toà điện duy nhất được xây dựng theo lối Châu Âu trong Đại Nội Huế – với đầy đủ tiện nghi tối tân; ăn cùng bàn như một gia đình (theo quy tắc trước đó thì không ai được ngồi cùng mâm với Hoàng đế, kể cả Hoàng Thái hậu hay Hoàng hậu). Hoàng đế cũng thường đích thân lái xe thể thao để chở Hoàng hậu đi “du hí” khắp nơi từ rừng núi Bạch Mã cho đến cửa biển Thuận An.

Bức ảnh năm 1950 của Hoàng hậu chụp cùng 5 người con được ekip tái hiện gần như chuẩn xác từ thần thái, trang phục, kiểu tóc.

Tháng 9/1945 sau khi thoái vị, Bảo Đại ra Hà Nội nhận chức cố vấn tối cao trong chính phủ, Nam Phương Hoàng hậu ở lại Huế chăm sóc gia đình.

Cảnh Bảo Đại tiễn biệt gia đình trong MV.

Cũng từ đó mà câu chuyện bi kịch được mở ra. MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” đã tái hiện khoảng thời gian Hoàng hậu phát hiện Bảo Đại ở nơi xa qua lại với người phũ nữ khác. Cho đến ngày mọi chuyện vỡ lở, Nam Phương Hoàng hậu đau lòng khi biết trong thời gian lừa dối mình, Bảo Đại vẫn đều đặn viết thư tay gửi cho vợ để… xin tiền trang trải cho cuộc sống xa hoa, phù phiếm.

Cựu Hoàng Hậu Nam phương nhận được một bức ảnh chụp Cựu Hoàng Bảo Đại và một vũ nữ họ Lý.
Cựu Hoàng Hậu Nam Phương lại nhận thêm một bức thư nữa, thông báo một người tình khác của Cựu Hoàng Bảo Đại là Mộng Điệp đang mang thai.

Ngay sau đó khi nghe tin nhân tình của Bảo Đại có thai, Hoàng hậu tức tốc ra Hà Nội. Tuy nhiên, những gì bà tận mắt chứng kiến còn đau lòng hơn. Nam Phương Hoàng hậu ngồi trong xe, nhìn bóng dáng chồng mình từ xa tình tứ bên người phụ nữ khác và càng sụp đổ hơn khi thấy sự xuất hiện người tình thứ hai.

Về hai người tình của Cựu Hoàng lúc ở Hà Nội, một người là bà Bùi Mộng Điệp – người Bắc Ninh, trước khi quen biết với Cựu hoàng, bà đã trải qua một đời chồng và có một người con riêng. Bảo Đại đem lòng yêu mến trong lần ông ra Hà Nội năm 1945, được người đương thời gọi là “Thứ phi phương Bắc” dù lúc đó nhà Nguyễn đã cáo chung. Thứ Phi Mộng Điệp có riêng với Bảo Đại một người con gái và hai người con trai.

Người còn lại là Lý Lệ Hà – tuyệt sắc giai nhân, từng đoạt danh hiệu Hoa khôi đầu tiên của Việt Nam và là nguồn cảm hứng cho nhiều bậc nghệ sĩ đường thời. Bà cũng quen biết Bảo Đại trong lần ông ra Hà Nội. Cả hai công khai mối quan hệ của nhau, thường được bắt gặp ở những tụ điểm ăn chơi đắt tiền.

Tuy nhiên trong lịch sử, Nam Phương Hoàng hậu vẫn ở lại Huế chứ chưa từng ra Hà Nội như trong MV, người truyền tin tức cho bà là ông Phạm Khắc Hoè. Có thể trong “Không thể cùng nhau suốt kiếp” đây là một chuyến đi bí mật mà không ai biết.

Sau năm 1946, Bảo Đại rời Việt Nam, sang Hong Kong sinh sống cùng Lý Lệ Hà. Nam Phương đã gửi cho Lý Lệ Hà một bức thư tay, lời lẽ dịu dàng nhưng vẫn thể hiện sự uy quyền, không đánh mất đi phong thái của một bậc “mẫu nghi”.

Bức thư này được bà Lý Lệ Hà tiết lộ trong hồi kí của mình: “Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức Cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc Cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu hoàng, ta còn gặp lại nhau. Đức Từ cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương”.
Bức thư trong MV, ekip Hòa Minzy đã lược bỏ hết danh từ riêng chỉ đích danh tên nhân vật để giữ cho câu chuyện gợi được trí tò mò của khán giả. Phần còn lại của bức thư vẫn được trích dẫn nguyên văn.
Karen Nguyễn đảm nhận vai trò khắc họa lại hình ảnh bà Lý Lệ Hà.

Tuy nhiên, Lý Lệ Hà vẫn chưa phải người phụ nữ cuối cùng của Bảo Đại. Cựu Hoàng quen một người phụ nữ mang hai dòng máu tên Hoàng Tiểu Lan và có tiếp với cô này một người con gái riêng. Người vợ cuối cùng của Bảo Đại là một người phụ nữ người Pháp có tên Monique Baudot, hai người gặp gỡ nhau và bắt đầu chung sống từ năm 1971 cho đến khi Cựu hoàng tạ thế nơi đất khách quê người vào năm 1997.

Trong MV, Hòa Minzy lựa chọn một kết thúc mở với cấu trúc đầu cuối tương xứng. Hình ảnh người phụ nữ đứng trên còn thuyền từng xuất hiện ngay đầu MV giờ một lần nữa được lặp lại. Vẻ mặt đau khổ, màu phim buồn như diễn tả nội tâm của Cựu Hoàng hậu với một chuyện tình đầy bi kịch.

MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy:

Hà Mie (T/h)