Gameshow “Ánh sáng hay bóng tối” trên VTV3 nhiều chiêu trò rẻ tiền?

     Nội dung thiếu tính định hướng, các trò chơi kinh dị, nhảm nhí khiến chương trình “Ánh sáng hay bóng tối” vấp phải khá nhiều chỉ trích từ dư luận.

Ánh sáng và bóng tối có nguồn gốc từ một chương trình truyền hình của Đức, tên gốc là Heaven or Hell (Thiên đường hay địa ngục). Phiên bản Việt hóa được trình chiếu trên kênh VTV3 mới được một thời gian nhưng đã vấp phải khá nhiều sự phản ứng của khán giả vì có nhiều nhận xét cho rằng,  nhiều trò chơi trong chương trình nhảm nhí và thiếu tính giáo dục.

Cách chơi của chương trình là mỗi cặp đôi thí sinh phải trải qua 10 câu hỏi, nếu không trả lời được, họ có quyền thực hiện thử thách để bỏ qua câu hỏi đó. Người chơi sẽ phải xuống vương quốc bóng tối để gặp Nữ hoàng cùng những trò chơi… kinh khủng đánh thẳng vào tâm lý người xem. Thí sinh phải chơi những trò chơi ghê rợn như ngâm đầu trong bể nước để bắt cá bằng miệng, kéo ngoạc mồm để giữ 2 xô nước, nhúng ngập mặt trong một bát bột hỗn hợp để tìm một chiếc nhẫn…cho đến đỉnh điểm là họ phải cắt bỏ mái tóc của mình. 

gameshow "anh sang hay bong toi" tren vtv3 nhieu chieu tro re tien? hinh anh 1
Lê Khánh và Đại Nghĩa là hai người dẫn chương trình
gameshow "anh sang hay bong toi" tren vtv3 nhieu chieu tro re tien? hinh anh 2
Thí sinh phải trả lời những câu hỏi liên quan tới nhiều mảng kiến thức hỗn hợp

Về các gameshow thi kiến thức tổng hợp, trên sóng VTV3 đã có các chương trình như Ai là triệu phú, Đấu trường 100, Đường lên đỉnh Olympia … đều được các khán giả đón nhận một cách khá nồng nhiệt. Bản thân các câu hỏi trong các chương trình nói trên đều có tính định hướng, ví dụ như Ai là triệu phú các câu hỏi thường liên quan tới xã hội, địa lý, lịch sử… Đường lên đỉnh Olympia các câu hỏi lại có chủ đề kiến thức ở bậc phổ thông trung học.

gameshow "anh sang hay bong toi" tren vtv3 nhieu chieu tro re tien? hinh anh 3
Một phần thi thí sinh phải kéo rộng miệng hết cỡ để giữ hai xô nước hai bên

Còn  trong Ánh sáng và bóng tối thì việc trả lời các câu hỏi lại không phải là phần mục đích chính của chương trình mà phần thi hành động mới được coi là nội dung thu hút sự chú ý của người xem. Khán giả Mai Anh Thi ở Láng Hạ (Hà Nội) nhận xét: “Tôi là người lớn mà cũng thấy kinh dị và phản cảm khi xem các trò chơi trong chương trình này, ngậm cá vào miệng, vục mặt vào bát bột… Những trò này tạo cảm giác bẩn thỉu nhầy nhụa, không nên chiếu trên truyền hình cho trẻ con xem”.

gameshow "anh sang hay bong toi" tren vtv3 nhieu chieu tro re tien? hinh anh 4
Thí sinh phải “vục” mặt vào bát bột mỳ nhão để tìm chiếc nhẫn
gameshow "anh sang hay bong toi" tren vtv3 nhieu chieu tro re tien? hinh anh 5
Cạo trọc đầu thì sinh cũng là một “thử thách” ?

Phần thi hành động là một phần thi nhằm thử thách độ “can đảm” theo như chương trình cho biết, tuy nhiên, có vẻ như nó thử thách độ “chịu chơi” và độ “chịu bẩn” nhiều hơn khi các thử thách chủ yếu tập trung vào việc “bôi trát” các loại chất màu, chất bẩn lên người thí sinh. Điều này khiến khán giả tự đặt câu hỏi rằng, ý nghĩa của chương trình là gì. Nếu đơn thuần chỉ là giải trí, không có bất kỳ một ý nghĩa nào khác, thì liệu phát sóng trên kênh VTV3 có thực sự hợp lý hay không?

Có nhiều ý kiến cho rằng VTV3 đã quá “dễ dãi” khi phát sóng một chương trình không có bất kỳ một ý nghĩa nào ngoài sự “mua vui” nhờ vào các trò chơi có thể nói là… rẻ tiền. Ở một kênh truyền hình tầm cỡ quốc gia như VTV3, thật khó chấp nhận khi thấy những hình ảnh như thế này trên sóng.

gameshow "anh sang hay bong toi" tren vtv3 nhieu chieu tro re tien? hinh anh 7
Format của chương trình phần thi hành động chủ yếu là cố gắng “bôi trát” lên mặt của thí sinh càng nhiều càng tốt

Khán giả Lê Huy Hùng ở 169 Ngô Gia Tự (TP Bắc Ninh) cho biết: “Tôi thấy trò cạo trọc đầu thí sinh là trò phản cảm, khó mà chấp nhận nổi. Kể cả người chơi có ký vào giấy cam kết là chấp nhận mọi thử thách chương trình đưa ra, nhưng việc phát sóng những gameshow như thế chẳng có ý nghĩa gì với khán giả. Đề nghị VTV phải xem xét lại gameshow này”. 

Nguồn: Dân Việt