“ Đất liền chiều nay trời có mưa không?”

     14/3, ngày mà ai cũng biết là Valentine trắng, nhưng mấy ai biết ngày này 29 năm trước từng là ngày biển Đông đổ máu, là ngày đảo Gạc Ma rung chuyển, là ngày 64 chiến sĩ đã mãi mãi ra đi…

  • 14/3/1988

Sáng ngày 14 tháng 3, từ tàu HQ 604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, phát hiện thấy bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Tổ 3 người gồm thiếu úy Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đá bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi.  Cùng vào buổi sáng hôm ấy, khi tổ cắm cờ và giữ cờ gồm 5 người và khoảng 20 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ 4 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa Trung Quốc chạy đến. Một tàu đỗ ở xa, còn 3 tàu áp sát chừng 200-300m, Trung Quốc dùng xuồng máy đổ bộ vào 50 lính có trang bị súng AK.

Kết quả hình ảnh cho Bản đồ bãi Union Banks, nơi diễn ra trận hải chiến
Bản đồ bãi Union Banks, nơi diễn ra trận hải chiến

Chỉ huy cụm đảo Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu 604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành tuyến phòng thủ, hỗ trợ đồng đội, không cho đối phương tiến lên. Tổ cắm cờ và giữ cờ Việt Nam gồm 5 người và khoảng 20 chiến sĩ công binh, do đang làm nhiệm vụ xây dựng nên chỉ mang theo 2 khẩu AK-47, gần 40 chiến sĩ chi viện cũng chỉ mang một số dụng cụ như xà beng, cuốc xẻng nhưng vẫn cố gắng bảo vệ cờ trước lính Trung Quốc. Hai bên giằng co với nhau bằng tay không một hồi, sau đó sĩ quan Trung Quốc (cầm súng lục) nổ súng bắn chỉ thiên nhưng không có tác dụng, phía Trung Quốc bắt đầu hành động mạnh tay hơn.

Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương, theo báo Việt Nam trước khi chết ông đã hô: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.

Lời thề của liệt sĩ Trần Văn Phương

Do Hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi đá, lúc 7 giờ 30 phút, tốp lính Trung Quốc rút về tàu rồi dùng hai chiến hạm bắn pháo vào tàu 604. Tàu Trung Quốc đồng thời nhả đạn, hỏa lực gồm đủ loại từ trọng liên 12,7mm, pháo 37mm cho tới pháo 76,2mmm, pháo 100mm, có cả dàn ống phóng rocket 12 nòng bắn vào tàu HQ-604 và lính Việt Nam trên đảo. Sau loạt đạn, gần như toàn bộ lính Việt Nam trên đảo không được trang bị vũ khí bị tiêu diệt. Sau đó, tàu Trung Quốc quay sang bắn cả tàu HQ-505 bên đảo Cô Lin và HQ-605 bên đảo Len Đao.

Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. Trung Quốc tiếp tục nã pháo cho đến khi tàu 604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cùng một số thủy thủ trên tàu đã hi sinh cùng tàu 604 ở khu vực đá Gạc Ma.

Khi trời sáng rõ quân Trung Quốc mới rút khỏi đảo Gạc Ma. Lúc này Trung sĩ Lê Hữu Thảo và một số người còn lành lặn bơi ngược lại đảo tìm xác đồng đội và cấp cứu chiến sĩ bị thương. Chiếc xuồng vận tải bị đạn bắn thủng nên trung sĩ Thảo phải xé áo nhét lại để chèo chở thi thể trung úy Phương và thương binh Lanh về hướng tàu HQ-505. Đầu giờ chiều, xuồng của HQ-505 đến nơi đưa các chiến sĩ về tàu. Khi tàu về đến đảo Sinh Tồn, Binh nhất Lanh được chuyển bằng trực thăng vào đất liền cấp cứu và đã qua khỏi. Đến trưa 14/3, máy bay của Việt Nam bay trên bầu trời Gạc Ma nhưng tàu Trung Quốc đã đi khỏi.

Sau trận hải chiến đẫm máu ấy , 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống, 64 gia đình đã mất người thân, mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha và đất nước mất các anh. Nỗi đau ấy có thể sánh ngang với bể, sánh ngang với trời. 29 năm trôi qua mà vẫn không thôi khắc khoải, không thôi đau đáu. Vì câu chuyện ấy đã tạc ghi vào lịch sử, chúng vẫn còn là vết thương chưa khép miệng ở trong tim những người mẹ, người vợ của các anh. Còn điều gì xót xa hơn thế, khi các anh đi và mãi không trở về.

Có lẽ vậy nên những câu thơ về Gạc Ma của nhà thơ Lê Tú Lệ vẫn cứ ám ảnh tôi mãi:“ Đất liền chiều nay trời có mưa không/ Sao biển Trường Sa đong đầy nước/ Con thay mẹ ra thăm anh/ Thay mẹ gởi hoa cho sóng/ Thay mẹ xoa mềm đá khóc/ Chẳng thể nào cất đỡ mẹ gánh đau/ Khánh Hòa, Quảng Nam chiều nay trời có dông không/ Mà lòng người nổi bão/ Biển sâu thế nỗi buồn sâu hơn biển/ Hai mươi bốn năm rồi/ Những bà mẹ Gạc Ma vẫn chong đèn đợi cửa/ Đêm dầy thêm mỗi ngày/ Nhớ đầy thêm mỗi khắc/ Gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi/ Biển giấu các con mẹ ở đâu ở đâu?/ Để người bạc đầu thay sóng/ Những bà mẹ Gạc Ma không lập mộ gió/ Hằng đêm gối đầu lên nỗi nhớ/ Lạy trời/ Anh về…”  (Biển Đông, Tháng 5 – 2012”- “Những bà mẹ Gạc Ma”)

Nghe câu hỏi “Đất liền chiều nay trời có mưa không?” cứ ngỡ như câu hỏi vọng về từ biển, câu hỏi của các anh. Đất liền có mưa không, có bình yên không, vì các anh ở ngoài khơi đang chiến đấu với quân địch, đang cố từng thời từng khắc để bảo vệ biển, để đến tận khi hi sinh, hồn vẫn nương theo con sóng để bảo vệ lãnh hải, bảo vệ nơi đất liền có đồng bào của các anh. Các anh đi khi tuổi đời còn rất trẻ, ra đi khi tương lai vẫn vẫy gọi. Nhưng ra đi cũng vì Tổ quốc, vì sự bình yên dưới mỗi mái nhà.

  • 14/3/2017

Tôi không và chưa bao giờ phê phán ngày Valentine trắng, không tẩy chay, không bàn luận. Nhưng tôi mong bên cạnh ngày kỉ niệm tình yêu ấy chúng ta hãy nhớ đến 64 con người đã vì Tổ quốc mà phải gác lại tình yêu, gác lại hạnh phúc của bản thân để đổi cho chúng ta hôm nay những ngày an ổn, hạnh phúc vì tình yêu. Họ xứng đáng để chúng ta tạc dạ ghi lòng, xứng đáng để chúng ta nhớ đến hơn hết thảy điều gì khác. Vui ngày lễ tình yêu theo xu hướng thế giới, nhưng xin đừng quên ngày đổ máu của các anh hùng Việt Nam. Họ đổ máu cho hôm nay, cho chúng ta.

Xin đừng quên ngày đổ máu của các anh hùng Việt Nam

Tôi sợ rằng nếu không nhắc lại thì các anh sẽ bị quên lãng, sợ sóng nước dập dềnh làm mờ nhân ảnh các anh theo thời gian. Nên tôi phải nhắc, nhắc chính bản thân mình để quá khứ đau thương làm tôi càng trân trọng hạnh phúc, hòa bình hôm nay. Nhắc lại để ta còn nhớ rằng 29, 39, 49, nhiều năm về trước, có những người lính đã lấy máu của mình đổi lấy bình yên cho tương lai mà họ vĩnh viễn không được thấy.

“Lạy trời. Anh về…”

Minh Phương- Saostyle

Nguồn: Tham khảo Wikipedia