Cô gái 23 tuổi và niềm đam mê nghệ thuật trừu tượng

 

     Nói đến nghệ thuật trừu tượng, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những bức họa với những hình thù, đường nét phá cách, xa lạ, khó hiểu. Nhưng tranh của Bạch Dương lại cho ta một cảm giác khác – chân thực và gần gũi bởi những gì phản ánh trong tranh luôn có trong cuộc sống thường ngày. Dương không chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Ngã rẽ bất ngờ sang nghệ thuật

Bạch Dương sinh ra trong một gia đình ngoại đạo với nghệ thuật. Kí ức của cô về niềm đam mê hội họa thời ấu thơ chỉ là những lần nghịch ngợm vẽ lên tường rồi bị người lớn mắng. Sau này sang Mỹ du học, lựa chọn của Dương  này cũng không phải là một lĩnh vực nghệ thuật nào đó mà là ngành marketing. Thế nhưng, như thể là cơ duyên, khi học đến môn cơ sở là hội họa, Bạch Dương chợt nhận ra đây mới chính là niềm đam mê bấy lâu nay vẫn ẩn giấu trong trái tim mình. Chẳng chút chần chừ, cô đã quyết định “rẽ ngang” sang nghệ thuật dù khi ấy, quyết định này đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Thành công đầu tiên của Bạch Dương trong lĩnh vực nghệ thuật là giải Nhất cuộc thi Guild of Artistic Thinker tại Mỹ với tác phẩm “The fear of poverty 1945” về nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu (1945). Bức tranh miêu tả một khuôn mặt xương xẩu đầy đau khổ của người dân Việt Nam trong nạn đói. Trên sống mũi của khuôn mặt ấy hiện lên một bộ xương khô với cánh tay đang dang ra hứng những giọt nước mắt màu xanh. Bạch Dương đã giải thích những giọt nước mắt ấy tượng trưng cho niềm hi vọng hòa bình, độc lập. Khi bức tranh tham gia tranh giải, ban giám khảo đã thực sự ấn tượng với đường nét, màu sắc cùng thông điệp ý nghĩa của nó. Với giải thưởng cao nhất tại cuộc thi Guild of Artistic Thinker, Bạch Dương có thêm những quyết tâm và tin tưởng vào con đường mình đã chọn. 

“Nghệ thuật trừu tượng không xa lạ!”

Dám “rẽ ngang” vào con đường nghệ thuật đã là một quyết định đầy mạo hiểm, nhưng Bạch Dương còn mạo hiểm hơn khi chọn một trong những lối đi chông gai nhất trên con đường nghệ thuật để thử sức mình: hội họa theo trường phái trừu tượng. Dương say mê đi vào thế giới ý niệm của cuộc sống nhân sinh, khắc họa nó bằng những nét vẽ giàu tính biểu trưng và khái quát. “Nhiều người không hiểu còn cho rằng các họa sĩ trừu tượng đang vẽ “linh tinh”. Nhưng trên thực tế, bạn phải nắm rất chắc về cấu tạo sự vật, về giải phẫu cơ thể người,… thì mới có thể diễn tả mọi thứ bằng những nét vẽ đơn giản nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất”. 

Một trong những giá trị lớn nhất của nghệ thuật trừu tượng đó chính là phát huy trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của con người. “Ví dụ như bức tranh ở đây, có bạn sẽ bảo đây là cánh bướm trong mưa, nhưng có bạn sẽ tưởng tượng ra một bông hoa, một chiếc lá. Không có ai đúng ai sai. Cảm nhận tùy thuộc ở mỗi người”, Dương vừa chỉ một bức tranh trên tường vừa nêu ví dụ về cách cảm nhận một tác phẩm trừu trượng. Và đằng sau những bức tranh đó, tác giả luôn gửi gắm những quan niệm về cuộc sống nhân sinh với các chủ đề quen thuộc như thiên nhiên, tôn giáo, phụ nữ,… Hóa ra, lĩnh vực này không hề xa lạ, “chỉ mình nghệ sĩ hiểu tranh mình vẽ” mà nó rất gần gũi, nói như Bạch Dương thì cô chưa từng chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật”.

 …Và lớp học vẽ độc đáo nhất Thủ đô

Hiểu được giá trị của hội họa với cuộc sống con người, ngay sau khi về nước, Bạch Dương đã mở lớp học vẽ Inside Out Arts tại chính căn nhà mình trên đường Thái Hà. Cô khẳng định với chúng tôi về điểm khác biệt lớn nhất giữa Inside Out Arts với những lớp học nghệ thuật khác trên địa bàn Thủ đô: “Ở đây các bé được tiếp xúc, được dạy một tư duy mới, đó chính là tư duy về hội họa trừu tượng”. 

Và chúng tôi đã được chứng kiến sự khác biệt đó trong những buổi học vẽ tại đây. Cô giáo chỉ đưa ra chủ đề rồi cho các em tự do “múa bút”. Và không đơn thuần là vẽ lại những gì mình thấy, các em còn vẽ lại những gì mình nghĩ, như vẽ để biểu hiện ý nghĩa một câu châm ngôn chẳng hạn. Em Lê Vân Ly (12 tuổi, sống tại Cầu Giấy) là một học viên mới của lớp học vẽ này. Ly cho biết cách dạy và các bài học của cô giáo Dương rất khác với các giờ Mỹ thuật ở trường. “Em thấy học ở đây rất thú vị và em đã học được nhiều điều mới” – Ly vui vẻ khoe với chúng tôi như vậy.

Bạch Dương cùng các học viên chụp ảnh với tác phẩm vừa hoàn thành

Dự định sắp tới của Bạch Dương chính là sẽ phát triển lớp học vẽ này thành một trung tâm nghệ thuật với cách thức giảng dạy và truyền thụ kiến thức mới mẻ để có thể phát huy hết sự sáng tạo, trí tò mò của người học. Và bên cạnh đó, Dương còn ấp ủ ước muốn mở một triển lãm tranh lớn, rồi nghiên cứu sâu hơn về những chất liệu dân tộc để có thể đem chúng vào tranh của mình… Nhiều dự định như thế nhưng Bạch Dương không chút nào bối rối mà vẫn lạc quan và tự tin – sự lạc quan và tự tin của những người trẻ đã nắm chắc ước mơ của chính mình.

Hải Nguyễn