Chuyện Người Hâm Mộ V-league : Giận thì giận mà thương thì thương

     V-league mới đi qua được 6 vòng đấu, thế nhưng đã có hàng tá những vụ lùm xùm xảy ra, nó gây cho người hâm mộ nước nhà một cảm giác bức xúc và phẫn nộ. Có người bảo hủy giải đấu, người khác thì lại bảo : “Đập đi xây lại”… Nhưng từ những bức xúc rất lý tính của hâm mộ bóng đá nước nhà thì ở đâu đó trong tâm hồn họ vẫn còn có V-league, vẫn còn có gã: “Tình nhân bội bạc” từng không biết bao lần khiến trái tim cuồng nhiệt của họ phải chảy máu hết từ tuần này sang đến tuần khác. 

Cầu thủ Long An làm trò trên sân

Sáu vòng đấu trôi qua và cái mà người hâm mộ nước nhà nhận được là những cú sốc trời giáng  từ cầu thủ, trọng tài, các ông bầu, thậm chí là cả VFF lẫn VPF tặng cho họ. Họ đến sân để xem bóng đá, để thưởng thức cái môn thể thao mà xưa nay người ta vẫn phong cái danh:”Vua” cho nó. Nếu ví V-League là một vương quốc thì vương quốc ấy đang trong thời kì hỗn độn và mông muội, nếu ví người hâm mộ là những thần dân thì họ đang dần trở thành những người khốn khổ, còn nếu ví các cầu thủ – trọng tài –bộ máy lãnh đạo của V-league là những vị vua thì những ông vua ấy đang dần hủy hoại vương quốc của mình, khiến cho những thần dân khốn khổ trong vương quốc ấy bị đày đọa và hơn lúc nào hết muốn rời bỏ vương quốc của mình.

Pha bóng bạo lực của Hoàng Vũ

Người hâm mộ sẽ không thể quên vết “nhơ” lịch sử mới đây trong trận đấu giữa Long An và TP.HCM. Cái vết “nhơ” không chỉ đến từ trò hờn giỗi của những cầu thủ, của một ông chủ tịch nhưng lại đi mang một tâm hồn “con nít” với trọng tài, mà đó còn là cái vết nhơ của một đội bóng thấy đội bạn  đứng im không đá nhưng vẫn sẵn sàng ăn tới 4 rồi 5 bàn thắng, sẵn sàng ăn mừng trước một cái khung thành mở toang hoang mà đội bạn chẳng thèm chấn giữ. Nhiều người hâm mộ chân chính có lẽ cũng ước rằng : Giá như các cầu thủ TP.HCM đừng bao giờ ghi thêm bàn, đừng bao giờ ăn mừng một cách quá đà trước một đối thủ đang không thèm chống cự như Clb Long An thì họ sẽ trở nên :”Quân tử” biết nhường nào.

Từ bi hài kịch của trận đấu giữa Long An và Tp.HCM còn khiến người ta lại nhớ đến tình huống bạo lực sân cỏ của Hoàng Vũ Samson, cầu thủ của Clb bóng đá Hà Nội đã có pha phạm lỗi thô bạo với Châu Ngọc Quang, cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai. Đây là tình huống tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới. Trận đấu mà cuối cùng được ban trọng tài, ban tổ chức giải đến ban kỉ luật đều bảo rằng :”Samson chỉ liều lĩnh chứ không bạo lực” và chẳng có bất kỳ án phạt nào được đưa ra. Phải cho đến khi Bộ Văn hóa thể thao và du lịch vào cuộc thì SamSon mới phải chiu án phạt cấm thi đấu 2 trận. Nhưng người ta vẫn phải đặt câu hỏi rằng : Liệu 2 trận cấm thi đấu có đủ để răn đe cái máu:”Võ sĩ” của SamSon và có đủ để những trận đấu về sau không còn những tình huống như vậy nữa ?. Chỉ hai vụ việc kể trên cũng đã khiến người hâm mộ nước nhà ngao ngán lắc đầu, đỏ mặt, cau mày với giải đấu lâu nay vẫn tự cho mình là “ chuyên nghiệp”.

Thế nhưng, với những người hâm mộ chân chính thì dường như: ”Yêu là phải chết trong lòng một ít”. Dù cho họ đang sống trong một giải đấu đầy những bê bối, tiêu cực nhưng họ vẫn chấp nhận và không rời xa nó. Bởi V-League dù có những tiêu cực nhưng vẫn có những giá trị cốt lõi của nó. Nhờ môi trường V-league mà người hâm mộ được thấy những Thành Lương, Văn Quyết, Công Phượng… thi đấu hay như thế nào trong màu áo đội tuyển  quốc gia. Nhờ V-league mà người ta thấy Công Vinh trưởng thành rồi trở thành huyền thoại của bóng đá Việt Nam và cũng nhờ V-league đem đến những phút giây nghẹn ngào trong cái  ngày mà Công Vinh rớt nước mắt chia tay Sông Lam Nghệ AN hay xa hơn là Mai Tiến Thành đã rơi lệ khi chia tay V.Ninh Bình.  V-leguage cũng từng chứng kiến các cầu thủ và cổ động viên của clb Hải Phòng khóc khi chỉ nhận được tấm huy chương bạc của giải đấu vào năm 2016 –trong mùa giải họ tranh chức vô địch và đá một trận sòng phẳng với Sông Lam Nghệ An. Hay ở mùa giải năm nay cổ động viên clb bóng đá Hải Phòng đã cho người ta thấy cái cách mà họ thể hiện tình yêu với đội bóng của mình như thế nào, dẫu cho cách thể hiện ấy là  rất “mù quáng”.

V-league sân Gò Đậu đông kín khán giả

Trong những trận đấu đầu tiên ở mùa giải năm nay, các tay săn ảnh vẫn chụp được những khoảnh khắc mà số lượng đông đảo người hâm mộ nước nhà đến cổ vũ đội bóng con cưng của mình thi đấu. Các chảo lửa như Gò Đậu (Bình Dương), sân Vinh ( Nghệ An),Lạc Tray( Hải Phòng) hay Hàng Đẫy ( Hà Nội) vẫn đông nghịt khán giả. Rõ ràng, người hâm mộ có thể quay lưng nhưng chắc chắn sẽ chẳng bao giờ quay đầu với giải đấu mà bao nhiêu năm nay nó đang đại diện cho một nền bóng đá của cả một dân tộc. Nhìn rộng ra thì người ta vẫn thấy báo chí Việt Nam có những bài viết phân tích những yếu kém của V-league, những chuyên gia bóng đá  vẫn có những bình luận sắc sảo để chỉ ra hạn chế  của giải đấu, người hâm mộ vẫn có thể “ném đá”. Nhưng đằng sau tất cả các hành động ấy sẽ giúp V-league nhìn ra những vấn đề của mình và không sớm thì muộn những vấn đề ấy sẽ được phần nào giải quyết. Suy cho cùng, mâu thuẫn là động lực lớn nhất để phát triển.

Sự cuồng nhiệt của cổ động viên Than Quảng Ninh
Cổ động viên Hải Phòng luôn nhiệt tình

Có một nhà tư tưởng lớn từng nói rằng :” Thời kì quá độ giống như một cơn đau đẻ kéo dài”. Bóng đá Việt Nam nói chung và V-league nói riêng cùng những người hâm mộ bóng đá nước nhà cũng đang trong thời kì :”quá độ” và phải nghiến răng chịu đựng những cơn:”Đau đẻ” kéo dài ấy. Cơn đau có thể kéo dài, nhưng nó sẽ chẳng bao giời vùi lấp được trái tim, sự nhiệt huyết của người hâm mộ dành cho bóng đá nước nhà.


Trần Long – Saostyle.vn