“Chiếu Cà Mau” – Trang phục dân tộc của Ngọc Châu thay đổi thiết kế vào phút chót

Trước những ý kiến đóng góp về trang phục “Chiếu Cà Mau”, Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam quyết định thay đổi họa tiết trên vạt áo. 

Trong tập phát sóng mới nhất của Road to Miss Universe 2022, Ngọc Châu một lần nữa đưa khán giả tìm hiểu về quá trình ekip tỉ mỉ hoàn thiện từng chi tiết của bộ trang phục dân tộc và dày công, tâm huyết thực hiện chiếc áo choàng đặc biệt. Tất cả sẽ cùng aNgọc Châu đến với đấu trường Miss Universe, truyền tải hình ảnh văn hóa, bản sắc và “Giấc mơ Việt Nam” của những người con đất Việt tỏa sáng trên thế giới. 

Gặp sự cố trang phục dân tộc, Ngọc Châu và ekip bình tĩnh xử lý 

Trang phục dân tộc Chiếu Cà Mau là tác phẩm của nhà thiết kế Nguyễn Quốc Việt, được cố vấn bởi nhà thiết kế Nguyễn Minh Công và hỗ trợ bởi nhà thiết Trần Quốc Dũng và thạc sĩ, trưởng bộ môn Thiết kế thời trang trường Đại học Tôn Đức Thắng thầy Nguyễn Hồng Khiêm. Đặc biệt, nhãn hàng Kelly Pang đã chế tác những bộ nails độc quyền mang phong cách riêng của “Chiếu Cà Mau” giúp cô thêm tự tin trình diễn trên đấu trường quốc tế. 

Chia sẻ về sự thay đổi của “Chiếu Cà Mau” so với phiên bản cũ được trình diễn tại đêm thi Trang phục dân tộc Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, Nguyễn Quốc Việt nói: “Lần đồng hành này cùng chị Châu, em muốn mang một phiên bản quốc tế hơn đến với Miss Universe. Chất liệu được xử lý tỉ mỉ và tinh tế hơn, giúp bộ trang phục bắt sáng tốt khi trình diễn. Đặc biệt, từng đường may mũi chỉ, từng kết cấu phải chặt chẽ và phải sạch”. Để phù hợp với số đo hình thể và vóc dáng của Ngọc Châu, “Chiếu Cà Mau” được làm mới 100%. 

Sau khi “Chiếu Cà Mau” giành chiến thắng tại cuộc thi Trang phục dân tộc Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, Quốc Việt nhận được nhiều góp ý của khán giả, mọi người quan điểm nên gắn đèn và thay đổi chất liệu để bộ trang phục bắt mắt hơn khi trình diễn. Sau khi cân nhắc và lắng nghe những lời góp ý, Nguyễn Quốc Việt chia sẻ: “Em nghĩ cốt lõi ở bộ trang phục này chính là chất liệu mộc. Em muốn mang câu chuyện Việt Nam chúng ta có những làng nghề thủ công đặc sắc để quảng bá đến thế giới”.  

Tuy nhiên trong buổi chụp ảnh với trang phục dân tộc, Ngọc Châu bị đau khi đeo phần cánh của “Chiếu Cà Mau”. Cô không thể trụ vững trong set chụp, được ekip hỗ trợ kịp thời để tránh xảy ra sự cố không mong muốn. Ngọc Châu chia sẻ do phần cánh đeo của trang phục chưa vừa vặn với số đo vai của cô. Đặc biệt, cấu trúc phần xương vai của Ngọc Châu nhô cao hơn so với mọi người, vô tình trở thành điểm chịu lực khi đeo phần cánh. “Vô tình khi đeo phần cánh của Chiếu Cà Mau rơi đúng vào điểm nhô cao trên vai của Châu,  làm cho nó chịu lực nhiều hơn nên Châu đã không chịu nổi sức nặng của nó nên bị đau”. Sau đó sự cố đó, “Chiếu Cà Mau” đã được điều chỉnh thêm để phù hợp với vóc dáng Ngọc Châu cũng như tạo sự nổi bật hơn cho trang phục. Ngọc Châu tiết lộ thêm, phần cánh của “Chiếu Cà Mau” nặng khoảng 4 – 5 kg sau khi được chỉnh sửa.

Hoa Sen là họa tiết đặc biệt trên trang phục dân tộc “Chiếu Cà Mau”

Vừa qua, tổ chức Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam và Hoa hậu Ngọc Châu ra mắt và trình diễn “Chiếu Cà Mau” – trang phục dân tộc sẽ đồng hành cùng Ngọc Châu tại Miss Universe lần thứ 71 trước đông đảo khán giả, fan hâm mộ và truyền thông cả nước. Ngay sau đó, “Chiếu Cà Mau” đã nhận được nhiều sự ủng hộ bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến tranh cãi và đóng góp về hoạ tiết chữ “Lộc” ở vạt áo không phù hợp để quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Ngay sau đó, Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã liên hệ và tham khảo ý kiến của Nhà sử học Dương Trung Quốc và Giáo sư Lê Văn Lan. Cả 2 chuyên gia đều nhận định họa tiết chữ “Lộc” trên bộ trang phục “Chiếu Cà Mau” từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong nền văn hóa, lịch sử lâu đời của dân tộc, đi sâu vào đời sống tinh thần lẫn vật chất của người dân Việt Nam. Xem xét vấn đề ở khía cạnh văn hóa và lịch sử, việc thay đổi họa tiết trên trang phục dân tộc “Chiếu Cà Mau” không hoàn toàn bắt buộc. 

Tuy nhiên, sau khi họp bàn và thống nhất với nhà thiết thế, Ngọc Châu và ekip quyết định thay đổi họa tiết chữ “Lộc” thành họa tiết hình hoa Sen. CEO UniMedia – ông Trần Việt Bảo Hoàng chia sẻ: “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi và ekip quyết định thay đổi họa tiết của bộ trang phục dân tộc. Mặc dù trước đó, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, Giáo sư Lê Văn Lan và nhận được sự đồng tình, chữ “Lộc”từ lâu là 1 phần lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi bàn luận và thống nhất ý kiến chung từ Nhà thiết kế và ekip, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cân nhắc vì thời lượng biểu diễn của Trang phục dân tộc Chiếu Cà Mau không quá dài, chỉ khoảng 15 giây trên sân khấu Miss Universe và cũng với mục đích đề cao quảng bá vẻ đẹp văn hoá Việt Nam một cách nguyên bản đến bạn bè quốc tế, ekip quyết định tiến hành thay đổi hoạ tiết mặt trong và ngoài của phần vạt tay áo thành biểu tượng Hoa Sen nhằm tôn vinh rõ nét văn hoá Việt Nam.”

Phiên bản mới nhất của “Chiếu Cà Mau” được đại diện Việt Nam – Nguyễn Thị Ngọc Châu trình diễn chính thức tại đêm thi trang phục dân tộc tại Miss Universe. Ngọc Châu sẽ mang tất cả niềm tự hào dân tộc, thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam trọn vẹn trên đấu trường quốc tế. 

Áo choàng đặc biệt của Ngọc Châu mang đến Miss Universe hoàn toàn được vẽ thủ công

Thông qua dự án #DreamwithChau kết hợp cùng Tiktok thực hiện, Ngọc Châu đã thu thập được hơn 30 “Giấc mơ Việt Nam” của mọi người để hoàn thành tác phẩm đặc biệt trên chiếc áo choàng mà cô mang tới Miss Universe. Thông qua tác phẩm này, Ngọc Châu muốn kể về giấc mơ của những người con Việt Nam với bạn bè thế giới. “Mỗi tác phẩm là một giấc mơ mà các bạn gửi về cho Châu. Châu rất hạnh phúc và tự hào bởi vì trên vai của Ngọc Châu giờ đây là giấc mơ của Việt Nam” – cô chia sẻ. 

Họa sĩ Chiếc Lá là người đồng hành cùng Ngọc Châu, tham gia vào quá trình hoàn thiện chiếc áo choàng đặc biệt. Đối mặt với đề bài khó khi phải đưa hoàn toàn 30 bài vẽ lên chiếc áo choàng, Ngọc Châu và Chiếc Lá đã có những trao đổi kỹ lưỡng về cách sắp xếp các tác phẩm để thể hiện trọn vẹn giấc mơ của khán giả. Chia sẻ về những bài vẽ ý nghĩa, Ngọc Châu ấn tượng và xúc động với giấc mơ trở thành họa sĩ, giấc mơ gia đình hạnh phúc của các bạn. Đặc biệt, cô rất quý và yêu thích bức tranh của một em bé tặng cho Ngọc Châu khi cô trở thành đại sứ của Quỹ thiện nguyện Nâng Bước Tuổi Thơ, bức tranh kể về sự nâng đỡ của mọi người với những mảnh đời khiếm khuyết. 

Sau khi bàn bạc và thảo luận, Ngọc Châu và Họa sĩ Chiếc Lá đã quyết định dùng hình ảnh “ngôi sao của Miss Universe” làm biểu tượng chính trên chiếc áo choàng. Bởi vì hình tượng này xuất hiện hầu hết trong 30 tác phẩm gửi đến cuộc thi #DreamwithChau. Bản vẽ chính thức của tấm áo choàng #DreamwithChau đã được giới thiệu tại buổi họp báo Công bố đại diện Việt Nam. 

Sau khi hoàn tất bản vẽ chính thức, Họa sĩ Chiếc Lá đã kết hợp cùng Nhà thiết – Họa sĩ Trung Đinh để hoàn thiện chiếc áo choàng. Nhà thiết kế Trung Đinh là nghệ thuật chuyên làm về mảng lụa, vẽ thủ công của Việt Nam. Anh và ekip đã ứng dụng kỹ thuật vẽ lụa thủ công bằng màu nước và nhuộm truyền thống để thực hiện tác phẩm ý nghĩa và đặc biệt này. Chia sẻ về khó khăn trong quá trình thực hiện chiếc áo choàng, anh nói: “Khó khăn lớn nhất chính là vấn đề thời gian, vừa phải đúng tiến độ, vừa phải đảm bảo độ tinh tế và sắc nét của tác phẩm. Tuy nhiên vì màu cờ sắc áo Việt Nam, Trung Đinh và ekip vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành nhiệm vụ của mình.”  Đồng thời, anh mong muốn thế giới sẽ biết vẽ thủ công trên lụa của Việt Nam rất tinh tế và đặc sắc. 

Bên cạnh đó, anh và ekip cũng gặp một số vấn đề nan giải bởi vì tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ gửi chiếc áo choàng hoàn chỉnh đến các đại diện chứ không phải một tấm vải lụa bình thường. Vì vậy, anh phải tính toán kỹ lưỡng để quá trình nhuộm không xảy ra sai sót. Sau tất cả, chiếc áo choàng đã hoàn tất và cùng Ngọc Châu bay đến Mỹ bắt đầu sứ mệnh mang “Giấc mơ Việt Nam” để chinh phục “Giấc mơ Hoàn vũ”.

 Tập 7 với chủ đề “Dream with Chau – Giấc mơ của Châu” sẽ được lên sóng vào 20g thứ 6 ngày 30.12.2022 độc quyền trên kênh youtube Uni Network.