Bánh mì và hoa hồng- câu chuyện xuyên suốt thế kỉ

     Ngày quốc tế phụ nữ không xuất phát từ ý muốn tôn vinh phụ nữ của đàn ông, mà nó là thành quả của một quá trình đấu tranh lâu dài và lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới. Cho nên nó còn có tên gọi là Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế và được Liên Hiệp Quốc chính thức hóa vào năm 1977.  

Ngày 8/3/1957, phụ nữ ở một công xưởng Dệt may của nước Mỹ đã đứng dậy đòi tăng lương và giảm số giờ làm việc. 50 năm sau, cũng vào ngày 8 tháng 3, mười lăm ngàn phụ nữ đã diễu hành trên các đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc nhận trẻ em vào làm tại các nhà máy. Khẩu hiệu của họ là “Bánh mì và Hoa hồng” (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho đời sống vật chất, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tinh thần tốt đẹp hơn.

Trong suốt thế kỉ XX phụ nữ ở các nước đã đấu tranh để dành lại bình quyền cho mình, cho phụ nữ trên toàn thế giới. Ngày quốc tế phụ nữ ra đời không phải chỉ là một ngày 8/3, mà là nhiều ngày, nhiều năm, nhiều người cùng đấu tranh để phụ nữ được quyền lên tiếng bảo vệ sự công bằng cho mình. Quá trình ấy là một quá trình bền bỉ, gian truân:

Năm 1911, ngày Quốc tế Phụ nữ được đánh dấu cho lần đầu tiên (19 tháng 3) ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ, đã được hơn một triệu người tham gia.

Ngày 25 tháng 3 năm 1911, 145 nữ công nhân, phần lớn là di dân người Ý và người Do Thái của hãng Triangle Shirtwaist Company tại Thành phố New York đã chết trong một vụ cháy trong xưởng dệt. Họ không có ngõ thoát ra ngoài được: cửa xưởng đã được khóa chặt để công nhân không được ra ngoài trước khi hết giờ làm việc Có khoảng 80.000 người diễu hành trong các đường phố để đưa đám tang lớn của 145 nạn nhân chết cháy.

Năm 1912, 14.000 công nhân hãng dệt đình công và la lớn “Better to starve fighting than starve working” (Chết đói vì chiến đấu hơn là chết đói vì làm việc).

Ngày 8 tháng 3 năm 1914: Phụ nữ Đức đòi quyền bầu cử, đến ngày 12 tháng 10 năm 1918 mới được chấp thuận.

Ngày 23 tháng 2 năm 1917 theo lịch Nga, nhằm ngày 8 tháng 3 dương lịch, với 2 triệu binh lính Nga đã chết trong chiến tranh các phụ nữ Nga đã ra đường biểu tình đình công, đòi bánh mì và đòi trả chồng con họ trở về từ chiến trận. Cuộc đình công này đã khiến hoàng đế Nikolai II phải thoái vị và góp phần rất lớn vào cuộc Cách mạng Tháng Mười ở Nga.

Ngày 21 tháng 4 năm 1944, Quốc hội Pháp chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ Pháp. Phụ nữ Pháp đã đi bầu hội đồng thành phố lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 4 năm 1945 sau đàn ông tại nước này gần một thế kỉ.

Từ năm 1950 tại Việt Nam, vào ngày mùng 6 tháng hai âm lịch mỗi năm đều có tổ chức ngày lễ Hai Bà Trưng ở Sài Gòn, và sau đó đã dùng ngày lễ này làm ngày Phụ nữ. Mỗi năm đều chọn một nữ sinh trường Trưng Vương và một nữ sinh trường Gia Long đóng vai Hai Bà Trưng ngồi trên bành voi trong dịp cử hành lễ.

Năm 1971, Thụy Sĩ chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ.

8 tháng 3 năm 1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ.

Năm 1977, nghĩa là hai năm sau Năm Quốc tế Phụ nữ, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8 tháng 3 được chọn để trở thành ngày lễ chung cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Cho nên 8/3 không đơn giản là tặng hoa và quà, nó là dấu mốc đánh dấu sự lên tiếng của phụ nữ toàn thế giới. Ngày này, phụ nữ châu Âu và Bắc Mỹ thường từ chối nhận hoa, vì xem đó là một dấu hiệu không bình đẳng và chỉ có tính cách hình thức. 8/3/2008, tại Philippin diễn ra cuộc biểu tình kỉ niệm ngày bình đẳng giới tại nước này.

Còn ở Việt Nam 8/3 chỉ đơn giản là một ngày mà mọi phụ nữ đều muốn mình được tặng hoa thay vì đứng lên để 364 ngày còn lại đều có sắc hoa. Vấn đề bình đẳng giới chưa bao giờ là kết thúc, sự bất bình đẳng ấy vẫn còn đang tồn tại dưới mỗi mái nhà Việt Nam, tồn tại trong tư tưởng một cách thâm căn cố đế rằng phụ nữ phải là người chịu hi sinh vì gia đình, đứng sau thành công của một người đàn ông. Tuy thời thế có khác, có rất nhiều người phụ nữ thành đạt và độc lập nhưng có lẽ phần đông phụ nữ Việt Nam vẫn hi sinh hoa hồng của mình vì bánh mì của gia đình, vì con, vì chồng. Cho nên đừng chỉ tặng hoa hồng nhân ngày này với ý nghĩa tượng trưng mà hãy cho họ thấy hoa hồng này là của họ, họ xứng đáng được có được hoa trong cả 365 năm ngày.

Minh Phương – Saostyle.vn