Thời bao cấp diễn ra từ năm 1957 tại miền Bắc, năm 1975 thì triển khai trên toàn quốc và mãi đến năm 1989 mới thực sự kết thúc. Đối với các thế hệ đầu 8X, 7X, 6X thì giai đoạn này đã để lại trong họ những ký ức không thể nào quên về chuỗi ngày khó khăn, chật vật. Hãy cùng Saostyle tìm hiểu vấn đề này các bạn nhé!
Trong từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê có định nghĩa về bao cấp: “Bao cấp là cấp phát phân phối, trả công bằng hiện vật và tiền mà không tính toán hoặc không đòi hỏi hiệu quả kinh tế tương ứng”.
Còn đối với người dân lúc bấy giờ, bao cấp đơn giản chỉ là: “Tất cả mọi thứ đều do nhà nước đứng ra “bao” hết, từ những thứ nhỏ nhất như cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến những lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân.”
Ở thời kì này, công nhân viên chức nhà nước nhận lương hàng tháng chủ yếu là hiện vật thông qua chế độ cấp phát tem phiếu và sổ gạo. Việc phân phát lương thực, thực phẩm cho mọi người được quy định và định mức rõ ràng. Ví dụ như: “Một người dân tự do có tiêu chuẩn 150 gram thịt cho một tháng, còn đối với cán bộ nhà nước sẽ là 300-500gram (tùy thuộc vào cấp bậc). Không chỉ có thịt được quy định rõ ràng mà ngay cả rau cũng được định mức cho từng người: 3-5kg rau/người/tháng…”
Mặc dù được phân phát về mọi thực phẩm cần thiết cho đời sống hàng ngày như vậy, nhưng do số lượng quá ít so với nhu cầu của mỗi người, nên đã dẫn đến tình trạng đói kém, chật vật. Không chỉ ít về số lượng, mà chất lượng của những lương thực, thực phẩm này đến tay người dân cũng không mấy khả quan: gạo hẩm, bột mỳ mốc, rau héo, thịt “bèo nhèo”…Những thực phẩm “ngon” nhất đã được chia chác cho các “mậu dịch viên” và tay trong của họ, bởi thế mà “mậu dịch viên” là nghề đáng mơ ước nhất lúc bấy giờ. Cái nghề mà đảm bảo có đủ miếng ngon cho nhu cầu sinh tồn của gia đình và có thể mang “quyền lực” phân phát này để làm mưa làm gió.
Trong thời kì này thì hàng hóa không được mua bán một cách công khai, tự do trên thị trường như bây giờ, nếu ai buôn bán mà bị công an phát hiện thì họ sẽ bị bắt và bị tịch thu toàn bộ hàng hóa. Câu nói “Có tiền mua tiên cũng được” của ông cha ta đã không còn đúng ở thời bao cấp.
Ở thời kì này, thì “sổ gạo” là một vật vô cùng quan trọng. Nếu đánh mất nó thì quả là một đại họa. Mất sổ gạo đồng nghĩa với việc phải nhịn đói. Nhịn đói không phải chỉ một ngày hay một tháng mà có khi đến vài ba tháng. Bởi việc làm thủ tục xin cấp lại cuốn sổ này khổ sở vô cùng. Mất cuốn sổ gạo, họ sẽ phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để sống sót qua ngày đoạn tháng. Vì thế mà thành ngữ có câu: “Mặt như mất sổ gạo” để mô tả một khuôn mặt ủ ê não nề không thể đau khổ hơn.
Chưa hết, việc mua lương thực thực phẩm bằng tem phiếu thời kì này cũng hết sức khó khăn. Họ phải đi xếp hàng từ 3, 4 giờ sáng để giữ chỗ, đề phòng cửa hàng bán nửa chừng hết lương thực, thực phẩm. Người ta thường dùng những cục gạch, chiếc dép, mảnh gỗ để “xí chỗ” khi cửa hàng chưa mở cửa và người thật sẽ đứng thay vào hàng ngay sau khi cửa hàng mở cửa. Nhiều khi, mỏi mệt rã rời vì xếp hàng cả đêm, nhưng gần tới lượt, thì cánh cửa hàng mậu dịch sập xuống phũ phàng trước mặt cùng với đó là câu nói lạnh lùng của cô mậu dịch viên “hết hàng!!!”… Vậy là mọi người đành phải lê bước về nhà để hôm sau đi xếp hàng tiếp.
Đói kém dai dẳng, tàn nhẫn, đã gặm mất lương tri của nhiều người. Nạn ăn cắp vặt ở thời kì này trở nên phổ biến. Chính vì thế mà ở các cửa hàng mậu dịch đến cái đĩa người ta cũng phải đục lỗ, bắt vít chết xuống bàn chứ không thể để tự do được.
Mặc dù có những xấu xa, tệ nạn như vậy, nhưng trong thời kỳ ấy, mọi người vẫn sống với nhau “có tình, có nghĩa”, nâng đỡ nhau, sẵn lòng giúp đỡ nhau: “Nhờ giữ chỗ xếp hàng, nhờ đặt gạch, nhờ trông hộ nhà, nhờ trông con nhỏ …” và nhiều cái nhờ vả thời bao cấp khác mà không còn tồn tại đến thời đại ngày nay.
Đông Phong – Saostyle.vn