3 lần vực dậy từ tay trắng để trở thành đại gia cá Koi

NAM ĐỊNH – Chào hàng con cá nhìn như cá chép, với giá vài trăm nghìn đồng, hàng trăm lần anh Sơn bị các chủ cửa hàng phẩy tay đuổi đi.

Buổi sáng tháng 10 trời nổi gió, anh Phan Văn Sơn, 49 tuổi, cùng vợ mở nhạc bolero, nhâm nhi ly cà phê trong ngôi nhà to đẹp nhất nhì xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Mùa này 5 năm trước, vị triệu phú vẫn còn hứng nước mưa dột trong căn nhà ngói cũ. Sống chết với cá Koi, giờ anh kiếm được chục tỷ mỗi năm.

Anh Sơn đang chăm bè cá Koi trên sông Hồng, đoạn qua xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, Nam Định hôm 3/10. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Anh Sơn đang chăm bè cá Koi cỡ nhỏ trên sông Hồng, đoạn qua xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, Nam Định hôm 3/10. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Anh Sơn xuất thân từ nghề nuôi cá cảnh. Một buổi sáng năm 2000, đọc báo, thấy giống cá Koi khiến anh mê mẩn, nhưng ở miền bắc không có ai bán. Vay mượn người thân, năm 2004, anh chi khoảng 100 triệu đồng vào TPHCM để mua cá giống. Lúc nhìn thấy cá, anh mân mê như một món đồ đắt tiền dễ vỡ, trong đầu nghĩ “đây, con đường thoát nghèo đây rồi”.

Mang cá về, trong nhà anh chỉ còn đúng 3 kg gạo trong thùng. Có hôm, hai vợ chồng có khi nhịn đói, nhưng cá vẫn ăn đủ bữa. Chị Triệu Thị Trang (37 tuổi) đặt niềm tin nhiều ở chồng, dù trên mái nhà ngói, mưa rơi xuyên qua những lỗ thủng li ti.

Anh Sơn đem cá giống đi tặng bà con trong làng vì diện tích hồ cá cảnh của mình không đủ. Thế nhưng ai cũng tỏ vẻ nghi ngờ, sợ cá của anh làm đảo lộn môi trường sống của cá khác. Anh cam đoan sẽ mua lại cá Koi khi chúng đủ kích thước, hỗ trợ đầy đủ thuốc men, thức ăn.

Một năm sau, cá lớn, anh mang lên Hà Nội chào hàng. Khi nghe thấy giá một con cá cảnh khoảng 500 nghìn đồng, bằng nửa tạ gạo, chủ hàng cá mắng “ông điên à”. Anh Sơn ngậm ngùi quay đầu, chở cá về, bán rẻ cho heo ăn. Đây là lần mất trắng đầu tiên của anh.

Cái đói càng ám ảnh, anh càng cố gắng tìm khách hàng. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, anh chở cá đi hàng chục cây số để giới thiệu. Không ít ngày anh trở về với những xác cá chết, ngồi thẫn thờ giữa đường đê, thở dài. Cuộc sống vẫn khó khăn đến năm 2010, khi thú chơi cá cảnh ở miền Bắc bắt đầu nở rộ. Nhiều người truyền tai nhau về cá Koi, anh Sơn được để ý đến, nhiều cửa hàng cá cảnh chủ động đến tìm anh.

“Lúc đó, khi nhắc đến anh Sơn, ai cũng bảo anh có tầm nhìn. Vì chính cá Koi đã làm giàu cho nhiều người bán cá cảnh”, anh Trần Văn Nam, 50 tuổi, chủ một trại cá Koi lớn ở Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ. 

Anh Sơn và vợ đã ở trong căn nhà 2 tầng mới xây được 4 năm, nhưng vẫn giữ nhà ngói cũ để làm kỷ niệm. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Anh Sơn và vợ đã ở trong căn nhà 2 tầng mới xây được 4 năm, nhưng vẫn giữ nhà ngói cũ để làm kỷ niệm. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Anh Sơn tin người, sẵn sàng giao cá cho nhiều cửa hàng nhưng lấy tiền sau. Năm đó, một sự kiện bóng đá diễn ra, nhiều người đam mê cá độ, phá sản. Chỉ khoảng 5 cửa hàng dẹp tiệm, không trả tiền cá, anh Sơn đã mất đến 300 triệu đồng. Giấc mơ mở rộng trại cá tan tành lần thứ hai, vợ con anh lại tiếp tục ở trong căn nhà ngói 20 m2 dột nát. Từ người đàn ông luôn tươi cười, anh trở nên trầm cảm, cả ngày chỉ ngồi nhìn hồ cá trống không, chẳng nói chẳng rằng.

Một hôm, anh nói với vợ “hay anh bán hết tất cả rồi làm ruộng?”. Bỗng dưng, con gái 10 tuổi của anh ngồi góc nhà, nói “con cá cho nhà mình nhiều thứ, bố đừng bỏ nó”. Lồng ngực anh Sơn đập rộn ràng, anh chạy tới ôm con, hứa sẽ không bỏ cuộc.

Sơn bàn với vợ mở rộng quy mô, nuôi cá trên sông nhưng vợ anh không đồng ý. Nhiều đêm anh trằn trọc không ngủ, mua nhà hay đầu tư vào cá Koi cứ đảo qua đảo lại trong đầu. Anh nói “nếu cứ mãi an phận thì mình không có được cuộc sống tốt đẹp hơn”. Mãi rồi vợ cũng đành đồng ý cho anh thế chấp tài sản để vay ngân hàng 200 triệu. 

Sơn quyết định dồn hết vốn đầu tư làm bè nuôi cá trên sông Hồng vào năm 2014. Hơn ai hết, anh biết nếu thua lần này, cả nhà sẽ phải ra đường. Nhiều lần, bạn bè rủ cà phê, anh đều từ chối, anh muốn giữ đầu óc cân bằng để có quyết định sáng suốt.

Cá Koi chưa từng sống trong môi trường tự nhiên Việt Nam nên anh nuôi thí điểm, trên ao, hồ. Nắng gắt hay mưa bão, anh cũng cắm lều ngồi trông cá, quan sát từng cách quẫy đuôi, cách thở của chúng. Nhiều người đi qua lắc đầu, nói anh “dở người”. May mắn, đàn cá của anh Sơn béo ụ, khiến vợ anh có thêm niềm tin vào quyết định của chồng.

Đem hàng nghìn con cá ra sông, chỉ trong một năm, anh đã kiếm được lời, xây nhà 2 tỷ cho cả gia đình. Anh dần nổi tiếng trong giới nuôi cá cảnh vì cách nuôi cá táo bạo. Những năm sau đó, doanh số bán ra vượt qua những gì anh Sơn mong đợi, anh đã trả hết nợ, có thêm hàng chục đối tác trên khắp Việt Nam. Có những ngày, anh xuất số lượng cá lên đến 5-6 tỷ đồng.

Anh Sơn luôn biết ơn vì có vợ luôn đồng hành sát cánh. Không có vợ chắc tôi không có ngày hôm nay, anh nói. Ảnh: Trọng nghĩa.

Anh Sơn luôn biết ơn vì có vợ luôn đồng hành sát cánh. “Không có vợ chắc tôi không có ngày hôm nay”, anh nói. Ảnh: Trọng nghĩa.

Vừa có chút thành công, tháng 10/2016, bão kéo đến, dàn lồng bè, các thiết bị ánh sáng, oxy, ngay cả nhà kho kiên cố cũng bị cuốn bay. Sơn nhìn thành quả 10 năm gây dựng bị cuốn phăng chỉ trong 10 phút, mắt cay xè.

Cả tháng anh đi thơ thẩn, có khi qua nhà hàng xóm đứng ngắm cá cả tiếng đồng hồ. Ngôi nhà mới xây, anh không muốn đánh mất, nhưng buộc phải thế chấp để gây dựng lại từ đầu. Hai lần thất bại trước đó anh đã vượt qua, nên lần này, anh quyết tâm gượng dậy.

Hàng chục chủ trại cá sử dụng con giống của anh Sơn nghe tin, lại mang cá đến cho anh, động viên anh vượt qua. Được tiếp thêm động lực, anh quyết tâm mua lại dàn bè cá vững chắc hơn, tiếp tục bám trụ trên sông Hồng. Anh tin rằng, chỉ có nuôi cá ở nguồn nước tự nhiên, cá mới khỏe mạnh nhất và dễ sinh sản. Quả thực, cá của anh vận chuyển hàng nghìn km vẫn hiếm khi có con chết.

Đến nay, anh Sơn vẫn đứng vững trong thị trường cá cảnh. Anh có 12 bè cá Koi, với khoảng 5 nghìn con, ước tính tổng giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Tính đến nay, anh đã kiếm được vài chục tỷ đồng từ việc nuôi cá Koi.

“Dù ngày mai bão tố có ập đến, tôi đủ tự tin để làm lại tất cả nhờ những con cá này và nhờ vợ con luôn bên cạnh ủng hộ”, anh Sơn bày tỏ.

Theo VnExpress